New Trang tin
 
Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Australia trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do

Trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do, các diễn giả đại diện cho các nhóm Bộ ban ngành, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu tại Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Australia trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do” do Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 30/03/2023 đã cung cấp cái nhìn khách quan và đa dạng về những vấn đề xoay quanh thương mại nông sản Việt Nam – Australia, từ đó xây dựng những giải pháp/kiến nghị nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường quan trọng và tiềm năng này.



Việt Nam và Australia là hai quốc gia có nền tảng quan hệ ngoại giao và kinh tế rất vững chắc, đồng thời cùng là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia còn tương đối khiêm tốn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nông sản. Do đó, việc nghiên cứu, trao đổi, làm rõ những khó khăn, thách thức trong hoạt động thương mại giữa hai nước nói chung và thương mại nông sản nói riêng nhằm đưa ra các biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Australia là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo

Với tham luận về thương mại nông sản Việt Nam – Australia trong bối cảnh thực thi các FTA, TS. Vũ Thanh Hương - Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế và Kinh Doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế đã so sánh các cam kết của 3 hiệp định AANZFTA, CPTPP, RCEP về lộ trình cắt giảm thuế quan, hạn ngạch thuế quan, quy tắc xuất xứ, SPS, TBT, các biện pháp môi trường và lao động... Việt Nam không phải là đối tác FTA duy nhất của Australia. Hiện tại quốc gia này có tới 11 FTA đã có hiệu lực với 20 đối tác, 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực với 14 đối tác mới (trong đó có EU). Các đối tác FTA này cũng được hưởng các cam kết ưu đãi của Australia và do đó sẽ cạnh tranh với Việt Nam khi tiếp cận thị trường này. Đáng chú ý, có những đối tác có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… Đồng thời, Australia là một thị trường khó tính (ví dụ, để có được giấy phép xuất khẩu hoa quả tươi sang Australia thì cần tới 7-12 năm đàm phán). Do đó, việc phân tích thực trạng thương mại nông sản giữa hai quốc gia, so sánh các cam kết để nhận diện những cơ hội và rào cản đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Australia sẽ giúp Việt Nam tận dụng những ưu đãi mà Australia cam kết trong các hiệp định này, loại bỏ những rào cản từ một số biện pháp phi thuế quan của Australia, từ đó giúp nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh với sản phẩm nội địa Australia cũng như sản phẩm đến từ các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường Australia. Việt Nam cần dựa vào các FTA để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Australia, đặc biệt là các cam kết liên quan đến quy tắc xuất xứ, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hải quan, đàm phán để nâng cấp các hiệp định hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy doanh nghiệp SMEs vào thương mại quốc tế.

TS. Vũ Thanh Hương trình bày Báo cáo “Thương mại nông sản Việt Nam – Australia trong bối cảnh thực thi các FTA”

Ông Vũ Huy PhúcPhó trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình bày thực trạng xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường Australia; đồng thời thảo luận về các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây sang thị trường khó tính này như các quy định về vùng trồng, quy định chung về cơ sở đóng gói, mức dư lượng cho phép. Tham luận cũng đã nêu ra những khó khăn và thuận lợi khi xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Australia. Về cơ bản, Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Mức sống của người dân Australia luôn được ghi nhận thuộc top đầu thế giới. Do đó, họ sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng hoa quả, thực phẩm giá cao, nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm. Điều này gây sức ép cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói riêng do khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về rào cản kỹ thuật (TBTs) và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPSs) của Việt Nam chưa cao. Đa số các doanh nghiệp gặp phải một số trở ngại như: thiếu thông tin về các biện pháp thuế quan; tốn thời gian, chi phí kiểm định chất lượng; hạn chế các đơn vị cấp giấy tờ, chứng nhận chất lượng; quy định của Australia khá khó khăn và nghiêm ngặt, rào cản về mặt ngôn ngữ… Bản thân các doanh nghiệp Việt cũng nên tăng cường quảng bá sản phẩm ngay trên các website của doanh nghiệp. Bởi vì trên thực tế, một số nhà thu mua của Australia cho rằng khi tìm kiếm thông tin sản phẩm của doanh nghiệp Việt trên website lại không thấy nhiều chi tiết và thiếu thông tin bằng tiếng Anh. Điều này làm khó cho phía thương vụ khi thu thập thông tin để gửi đối tác tại Australia. 

Ông Vũ Huy Phúc trình bày Báo cáo “Xuất khẩu nông sản sang thị trường Australia: Thực trạng và những quy định

Bàn về các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại và những điều cần lưu ý trong thương mại nông sản, bà Nguyễn Yến NgọcTrưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương đưa ra một tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, cũng như đi sâu vào quy trình chống bán phá giá của Australia thông qua phân tích một số trường hợp điển hình về việc Australia điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép mạ nhôm kẽm của Việt Nam và Trung Quốc; hay vụ việc Mỹ điều tra về giá tôm Việt Nam xuất sang thị trường này. Từ đó, một số kinh nghiệm và lưu ý đã được rút ra cho Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Australia để tránh việc điều tra phòng vệ thương mại. Australia đã xây dựng khuôn khổ chính sách về an toàn sinh học nhằm bảo vệ nền nông nghiệp trước những rủi ro do côn trùng có hại xâm nhập và phát tán. Tiến trình phân tích rủi ro nhập khẩu (IRA) là một phần quan trọng trong chính sách an toàn sinh học của Australia. Trước khi cân nhắc việc cho phép nhập khẩu một sản phẩm mới, việc phân tích rủi ro nhập khẩu được tiến hành một cách chính thức. Nếu phát hiện có nguy cơ rủi ro, các biện pháp kiểm soát rủi ro sẽ được đề xuất để làm giảm thiểu rủi ro ở mức có thể kiểm soát được, trong trường hợp không thể giảm thiểu nguy cơ rủi ro, sản phẩm mới sẽ không được cấp phép nhập khẩu vào nước Australia. Mặc dù hiện nay nông sản Việt Nam chưa bị Australia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, tuy nhiên cần quan tâm hơn về vấn đề này trong tương lai. Do đó, Chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để có thể đưa các sản phẩm Việt Nam tiến ra thị trường thế giới nói chung và thị trường Australia nói riêng.

Bà Nguyễn Yến Ngọc trình bày Báo cáo “Phòng vệ thương mại: Những điều cần lưu ý trong thương mại nông sản với Australia”

Đi sâu vào phân tích câu chuyện xuất khẩu vải thiều tới Australiaông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn cầu đã có những chia sẻ thú vị cùng những bài học kinh nghiệm quý giá. Các sản phẩm vải thiều xuất sang Australia gồm các bộ sản phẩm tươi và bộ sản phẩm đông lạnh. Về cơ bản, thị trường Australia là một thị trường khó tính với nhiều điều kiện nhập khẩu nghiêm ngặt như nguyên liệu vải thu từ vùng sản xuất có mã số vùng trồn xuất khẩu Australia; đóng gói trong cơ sở được cấp mã Cơ sở đóng gói cho thị trường Australia; các sản phẩm phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp Australia và sản phẩm tươi buộc phải qua chiếu xạ theo Mapping đã được phê duyệt và cơ sở được Australia chấp thuận. Bộ hồ sơ nhập khẩu cũng cần có nhiều giấy tờ như CO, Phyto, Packing List… Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu vải thường gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Australia bởi quy trình bắt buộc cứng nhắc với chiếu xạ, cước vận tải cao, công nghệ sau thu hoạch còn kém. Với quan hệ hợp tác lâu đời và những ưu đãi trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, việc xuất khẩu vải sang thị trường Australia cần phải được thực hiện tốt hơn nữa để có thể xứng với tiềm năng của thị trường này. Việc tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng tại Australia là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi. Chính phủ cũng cần hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; đồng thời cần xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu sang Australia. Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước là vô cùng quan trọng, song song với việc thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại nông sản.

Ông Nguyễn Đức Hưng trình bày Báo cáo “Câu chuyện xuất khẩu vải thiều tới Australia”

Những kinh nghiệm thực tiễn về thủ tục kiểm dịch và chiếu xạ hàng trái vải vào Australia cũng đã được chia sẻ qua bài trình bày của bà Đặng Thị Thanh Hải - Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Quốc tế Logistics Hoàng Hà. Việc chiếu xạ sản phẩm trước khi xuất sang thị trường Australia là điều bắt buộc, tuy nhiên giá chiếu xạ vẫn là một khoản chi phí khá cao đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hiện ở miền Bắc chỉ mới có Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, có rất nhiều sản phẩm hoa quả ở miền Bắc phải chuyển vào Trung tâm Chiếu xạ Miền Nam để xử lý. Theo diễn giả, Cục Bảo vệ Thực vật cần cử cán bộ sang Cơ quan Kiểm dịch Australia để nắm rõ quy trình kiểm dịch, từ đó hướng dẫn doanh nghiệp cũng như để kiểm soát chất lượng các lô hàng trước khi rời Việt Nam. Việc này nhằm đảm bảo chất lượng hàng khi tới Australia cũng như giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ/địa phương cũng cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và xây dựng các cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Đặng Thị Thanh Hải trình bày Báo cáo “Kinh nghiệm thủ tục kiểm dịch và chiếu xạ hàng trái vải vào Úc”

Hàm ý chính sách cho Chính phủ

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Australia và kim ngạch xuất khẩu nông sản trong thời gian tới có bước tiến mạnh, việc tháo gỡ các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. 

Thứ nhất, Chính phủ cần nhanh chóng thiết lập, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Việc sửa đổi các chính sách này cần thực hiện thường xuyên trên cơ sở công khai, minh bạch và ổn định, đồng thời đảm bảo kiểm soát hiệu quả và giúp cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội trong từng giai đoạn. Điều này tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp Việt Nam có thể được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý, sản xuất của các doanh nghiệp lớn tại Australia. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện chính sách cũng tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Australia có thể cùng nhau hợp tác, chia sẻ thông tin và liên kết sản xuất với nhau.

Thứ hai, cần có các chiến lược thúc đẩy và khuyến khích sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản có chất lượng cao. Điều này giúp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện hình ảnh và định vị thương hiệu nông sản của mình tại Australia. Cụ thể, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi chiến lược từ sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản theo số lượng và tốc độ cao sang phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tận dụng lợi thế so sánh của quốc gia. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần quản lý chặt chẽ các công đoạn nuôi trồng, chế biến, bảo quản hàng nông sản phù hợp với các tiêu chuẩn tại thị trường Australia. Việc này một mặt giúp đảm bảo hàng hóa xuất khẩu không bị hoàn trả sau khi đã xuất khẩu sang Australia, mặt khác giúp nâng cao uy tín hàng nông sản Việt Nam không chỉ tại Australia mà còn tại các quốc gia đối tác khác của Việt Nam.

Thứ ba, cần có các chính sách hỗ trợ nhằm tạo môi trường sản xuất thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, các Bộ, ban, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thông qua việc đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cần đưa ra các mức thuế nhập khẩu ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu máy móc, công nghệ kỹ thuật cao để cải thiện chất lượng hàng nông sản. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nhằm đưa ra các khuyến cáo cho các doanh nghiệp trong nước về rủi ro trong ký kết và thanh toán hợp đồng ngoại thương khi thực hiện giao dịch xuất nhập khẩu.

Thứ tư, cần chú ý đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra các cấp quản lý có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, đa số nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn có trình độ thấp và trung bình, chưa áp dụng được các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Hơn nữa, các ngành đào tạo nông nghiệp chưa được chú trọng chuyên môn cao, thiếu ứng dụng thực tế và chưa thực sự thu hút người học. Vì vậy, Chính phủ cần có các biện pháp cải thiện chương trình giảng dạy theo hướng tập trung chuyên sâu và ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn; đồng thời cử một số nhân lực đi học hỏi kinh nghiệm tại nước ngoài nhằm tiếp thu và truyền tải kiến thức cho nhân công trong nước.

Thứ năm, cần nâng cao năng lực hội nhập cho nông dân, doanh nghiệp. Theo đó, cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp về tác động của Hiệp định RCEP. Phổ biến đến cấp cơ sở (huyện, xã) các quy định kỹ thuật, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông lâm thủy sản của thị trường các nước thành viên RCEP. Xây dựng, hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường khu vực này. Đồng thời, đàm phán, mở cửa thị trường, cũng như xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cho nông sản Việt Nam sang thị trường khu vực RCEP.

Cuối cùng, tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa, tạo thuận lợi trong xuất khẩu cho các hàng hóa nông thủy sản có thế mạnh của cả hai quốc gia; hợp tác đảm bảo lưu thông vận tải hàng hóa thuận lợi, thông suốt trong bối cảnh hậu COVID-19; tiếp tục hợp tác triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Australia đối với Việt Nam trong lĩnh vực khác như giáo dục và đào tạo (như chương trình Aus4Skills) và giao thông vận tải (như chương trình Aus4 Transport)... Đối với các hợp tác đa phương và khu vực, không ngừng nâng cao và cải thiện các chính sách nhằm thực thi có hiệu quả RCEP, CPTPP, nâng cấp AANZFTA, cải tổ WTO hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực cao nhất cho doanh nghiệp trong nước, tăng cường hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, góp phần khắc phục những hậu quả tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Australia tiếp cận thị trường Việt Nam, chủ động xây dựng chiến lược thị trường dài hạn giúp hạn chế sự bị động của thị trường, các trường hợp bất khả kháng xảy ra. Cần đẩy mạnh thảo luận, thúc đẩy hơn nữa các cam kết và tăng cường cấp phép nhập khẩu theo hướng cả hai bên để mở rộng thị trường cho nhau, đồng thời nâng cao quan hệ ngoại giao song phương quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Australia, sự tin tưởng lẫn nhau.

 Hàm ý chính sách cho doanh nghiệp

Thứ nhất, chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường Australia.Để xuất khẩu thành công sang thị trường Australia, điều đầu tiên mà các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản cần thực hiện là tìm kiếm và hiểu rõ về các quy định nhập khẩu của Australia, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật, các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học đối với thương mại hàng nông sản. Doanh nghiệp cần tăng cường tìm hiểu để nâng cao hiểu biết về các quy định, chính sách của Australia. Khi nắm bắt rõ các yêu cầu của Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có thể tìm ra phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí song vẫn đáp ứng được những quy định đề ra. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không biết hoặc không tuân thủ quy định, lô hàng xuất khẩu có thể bị từ chối, gây thiệt hại nặng nề cho nhà xuất khẩu.

Thứ hai, tận dụng các ưu đãi từ các FTA. Tham gia các FTA sẽ tạo những cơ hội mới, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới mới, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội. Doanh nghiệp chủ động tham gia hoạt động tham vấn cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động trực tiếp của quá trình mở cửa hội nhập kinh tế và thương mại để kịp thời nắm bắt thông tin cũng như có cơ hội tham vấn về những vấn đề, điều kiện khi đàm phán ký kết hiệp định. Để khai thác lợi ích của các FTA, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ cam kết của các hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Dựa trên việc tìm hiểu và nắm rõ bản chất các cam kết, đánh giá các tác động đến lĩnh vực kinh doanh nông sản, doanh nghiệp cần lên kế hoạch chuyển đổi cải tiến hoạt động nhằm vượt qua khó khăn từ rào cản đối với thương mặt hàng nông sản, thúc đẩy kết nối thị trường, kết nối với các đối tác để tham gia mạng lưới phân phối uy tín, diện rộng.

Thứ ba, xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam, góp phần tăng giá bán nông sản và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường quốc tế nói chung và thị trường Australia nói riêng về xuất xứ sản phẩm, từ đó gia tăng thu nhập. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là vấn đề hết sức cấp bách khi hàng nông sản Việt Nam ngày càng hiện diện nhiều hơn trên thị trường thế giới. Không những thế, việc đăng ký nhãn hiệu cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam có được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), từ đó có cơ hội được hưởng quyền miễn giảm thuế hàng hóa xuất khẩu theo các FTA. Đây là một khâu quan trọng nhưng dường như chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Hiện tại rất nhiều sản phẩm có chất lượng của Việt Nam xuất khẩu sang Australia nhưng không có thương hiệu riêng mà phải “đội lốt” thương hiệu nước ngoài, khiến cho giá trị gia tăng không cao và không được người tiêu dùng biết đến. Để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm không chỉ thông qua việc đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, mà còn là cả một quá trình để làm sao cho người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và yêu thích sản phẩm đó. Do đó, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa trong từng khâu bán hàng, chăm sóc sau bán hàng, hậu mãi…

Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hàng nông sản. Một số loại nông sản Việt Nam như thanh long, vải, nhãn tươi và tôm đông lạnh phải trải qua khoảng thời gian đàm phán rất dài mới có thể được xuất khẩu sang thị trường Australia. Song số lượng hàng xuất khẩu còn hạn chế do hàng nông sản của Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia khác. Hơn nữa, một số loại hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường này chỉ nhằm phục vụ cho một số ít người có nguồn gốc châu Á. Do vậy, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại Australia để đẩy mạnh xúc tiến thương mại các mặt hàng của Việt Nam. Đối với nông sản thực phẩm, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh tích cực và thân thiện, truyền tải thông điệp về những lợi thế nổi bật của sản phẩm nhằm tăng cường sự hiểu biết và lòng tin của người tiêu dùng Australia, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, thói quen đối với thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Thứ năm, mở rộng kênh phân phối. Doanh nghiệp cần chú ý tập trung tiếp cận hệ thống nhập khẩu và phân phối hàng hóa của Australia. Thông thường, hàng hóa được nhập khẩu vào Australia qua hai kênh chính là các nhà chuyên nhập khẩu và các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn mua hàng thông qua các đại lý của họ ở nước ngoài. Hàng hóa sau đó được phân phối cho các kênh bán buôn hoặc bán lẻ. Các kênh bán lẻ của Australia chủ yếu thông qua các siêu thị tổng hợp và cửa hàng tiện ích. Đáng chú ý, hệ thống chợ của Australia cũng khá phát triển nhằm phục vụ các cộng đồng châu Á ngày càng nhiều ở Australia như chợ Tàu, chợ Thái, chợ Việt…

Cuối cùng, cần nâng cao chất lượng hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Australia đang được hỗ trợ từ việc giảm các quy định giảm hàng rào thuế quan trong các FTA như CPTTP, RCEP, AANZFTA. Tuy nhiên, để kinh doanh hàng hóa lâu dài ở thị trường Australia thì các doanh nghiệp Việt cần đặc biệt lưu tâm đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam như tôm, cá basa đang giữ thị phần rất lớn tại Australia thì đòi hỏi phải duy trì chất lượng ổn định và có hướng để phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu hơn. Các sản phẩm rau quả tươi khi xuất khẩu sang thị trường Australia hay các nước cChâu Âu phải đáp ứng được các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm, phải được chiếu xạ để khử trùng, bao bì phải được làm từ các vật liệu đảm bảo, nhãn mác phải ghi đầy đủ các thông tin như yêu cầu. 

Hàm ý đối với các doanh nghiệp Australia

Thứ nhất, doanh nghiệp Australia nên thực hiện nghiên cứu thị trường Việt Nam kỹ lưỡng để xác định người mua tiềm năng và nhà phân phối đáng tin cậy, vì thông tin tài chính về các doanh nghiệp Việt Nam nói chung không có sẵn. Doanh nghiệp xuất khẩu Australia cũng nên nắm được về những thay đổi thường xuyên trong quy định của Việt Nam. Thông báo cập nhật thường xuyên những thay đổi về chính sách để giúp doanh nghiệp Australia điều chỉnh các chiến lược tiếp thị cho phù hợp và kịp thời. 

Thứ hai, cần có sự quyết tâm, sự năng động và chủ động, tích cực. Cùng với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Australia cần có bổ sung lẫn nhau đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết lẫn nhau. 

Thứ ba, doanh nghiệp Australia cần tổ chức các chuyến thăm thường xuyên đến Việt Nam để xây dựng mối quan hệ cá nhân với những người ra quyết định chính. Doanh nghiệp Australia phải thăm thị trường Việt Nam thường xuyên trong giai đoạn gia nhập đầu tiên để hỗ trợ kỹ thuật hoặc tiếp thị cho người tiêu dùng Việt Nam hoặc nhà phân phối của họ. Các công ty địa phương thường có quyền truy cập hạn chế vào thông tin về các nhà cung cấp và hiếm khi có ngân sách để đến thăm Australia. Do vậy, điều này sẽ giúp giải quyết các vấn đề tiềm ẩn như giao hàng trễ, vấn đề chất lượng hoặc tài liệu bị lỗi. 

Hàm ý cho các hộ nông dân Việt Nam

Để có vụ mùa xuất khẩu thành công, các vùng trồng cần chủ động tìm hiểu các quy định nhập khẩu của nhiều quốc giá đối với hoa quả tươi; cũng như theo dõi tình hình sâu bệnh kỹ lưỡng, tuân chủ chặt chẽ phun thuốc và cách ly đúng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn dịch tễ. Bên cạnh đó, các hộ nông dân cần liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu. Các hộ nông dân cũng cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông để hình thành các vùng trồng đạt tiêu chuẩn Global Gap và các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt khác. Đồng thời, các hộ nông dân cũng cần chủ động đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức đối với đặc điểm nông nghiệp tại Việt Nam như vấn đề bảo vệ nguồn nước để chống hạn hán, chống nhiễm mặn đất, thực phẩm biến đổi gen…


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN