New Trang tin
 
Sinh viên Khoa Kinh tế phát triển với một ngày trải nghiệm làm cán bộ quản lý kinh tế tại huyện Yên Lập và Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Ngày 4/7 vừa qua, sinh viên khóa QH-2019-E KTPT cùng với các thầy, cô giảng viên khoa Kinh tế Phát triển đã có buổi làm việc, tham quan, học tập thực tế công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Yên Lập, công ty TNHH MTV chè Á Châu và Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ.



Phát biểu tại Hội nghị “Trao đổi công tác quản lý nhà nước về Kinh tế tại huyện Yên Lập - tỉnh Phú Thọ”, đồng chí Hà Việt Hùng - Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Yên Lập là một huyện nghèo với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện Yên Lập đã căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Thông qua triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ sản xuất cho người dân đặc biệt là các hộ nghèo, đã giúp họ giảm bớt khó khăn về nguồn vốn đầu tư, được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất cũ của người dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại địa bàn.

Sau màn phát biểu của ông Hà Việt Hùng, toàn thể hội nghị theo dõi phóng sự “Những kết quả nổi bật của huyện Yên Lập năm 2021” và nghe đồng chí Nguyễn Kim Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện tóm tắt báo cáo đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm năm 2022 huyện Yên Lập.

Sau khi rời Trung tâm Hội nghị huyện Yên Lập, đoàn thực tập Khoa Kinh tế Phát triển tiếp tục di chuyển tới công ty TNHH MTV chè Á Châu Phú Thọ, quan sát dây chuyền sản xuất chè cùng với cách nhân viên chọn lọc, chăm sóc những lá chè đạt chuẩn. Được biết, mỗi năm công ty TNHH MTV chè Á Châu Phú Thọ đã sản xuất từ chè búp tươi và tinh chế được trên 10.000 tấn chè xuất khẩu, công suất các năm tiếp theo có thể đạt trên 12.000 tấn/năm.

Địa điểm cuối cùng mà đoàn thực tập ghé thăm là Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Tại địa điểm này, sinh viên khoa Kinh tế Phát triển được tham gia, trải nghiệm, học tập về nghiệp vụ quản lý rừng đặc dụng và phát triển du lịch sinh thái trong rừng. Với kiểu địa hình núi đá vôi đặc trưng cùng vị trí đặc thù nằm ở điểm cuối dãy Hoàng Liên Sơn và ở phía Tây Nam huyện Tân Sơn, trên vùng tam giác giữa ranh giới của ba tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La, Vườn Quốc gia Xuân Sơn có tiềm lực để phát triển kinh tế.

Điểm độc đáo của Vườn Quốc gia Xuân Sơn là mang nét đẹp hoang sơ vốn có, chưa bị can thiệp nhiều bởi hoạt động khai thác du lịch. Bao phủ khắp nơi là màu xanh ngợp mắt của những tán cây đủ loại xen vào nhau tầng tầng, lớp lớp. Hiện nay, Vườn Quốc gia Xuân Sơn chưa có kiểm lâm, lực lượng chuyên trách để bảo vệ trừng. Theo đồng chí Trần Đăng Hùng - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện tại là bảo vệ và phát triển rừng. Nếu không sử dụng và khai thác đúng cách, tài nguyên rừng sẽ bị cạn kiệt.

Tại đây, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã chia sẻ về giá trị chuyến đi thực tế: "Sinh viên KTPT sau khi ra trường có thể làm việc ở các vị trí việc làm: các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức phát triển, cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu, khởi nghiệp kinh doanh. Để đáp ứng được yêu cầu, thực tập thực tế yêu cầu sinh viên phải nghiêm túc tiếp thu kiến thức trên địa bàn thực tập, chủ động học tập không chỉ trên giảng đường, chủ động tích lũy các văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu của các cơ sở tiếp nhận lao động. Học kiến thức lý thuyết là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là học thông qua thực hành và học để tối thiểu trở thành công dân có ích cho xã hội" .

Trong suốt chuyến đi thực tập thực tế, các bạn sinh viên Kinh tế Phát triển đã tích cực lắng nghe và trực tiếp trao đổi với cán bộ địa phương cùng các thầy cô giảng viên để giải đáp những thắc mắc của mình đồng thời ghi chép cẩn thận những gì đã được dạy.