New Trang tin
 
Sinh viên UEB-SBA lắng nghe chia sẻ về định hướng và cách thức tiếp cận công việc từ Giáo sư hàng đầu của Mỹ

Sáng ngày 12/7/2023, tại Giảng đường 511, Nhà E4, Giáo sư Terry Buss, chuyên gia hàng đầu về Chính sách công và quản trị của Mỹ, đã có một buổi chia sẻ về Định hướng và cách thức tiếp cận công việc cho Lớp Quản trị chiến lược do Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng giảng dạy. Buổi chia sẻ đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại nhiều giá trị thiết thực, bổ ích. 



Mở đầu buổi chia sẻ, TS. Phạm Mạnh Hùng đã có bài giới thiệu về GS. Terry Buss, quả là đúng như thú nhận ngay từ đầu của TS Phạm Mạnh Hùng rằng rất khó để giới thiệu một vị Giáo sư chính sách công hàng đầu không chỉ nổi tiếng ở Mỹ mà còn nổi tiếng ở cả Việt Nam, song TS. Hùng đã hoàn thành tốt công việc giới thiệu của mình với điểm nhấn không chỉ là chuyên gia hàng đầu về chính sách công mà với tư cách là một cây bút kỳ cựu cho các tờ báo phổ thông hàng đầu của Việt Nam như Vietnamnet, Soha, Tuổi trẻ...  tác giả của hàng trăm bài viết về các chủ đề khác nhau, từ chính sách công, sưu tập tem, đến giáo dục với góc nhìn độc đáo và sâu sắc,...  

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng (trái) - giảng viên Lớp Quản trị chiến lược, Viện Quản trị Kinh doanh tặng quà cho Giáo sư Terry Buss 

Tiếp đến GS Terry Buss, nhân vật chính của buổi chia sẻ, đã tập trung nói về 2 vấn đề chính đó là định hướng và cách thức tiếp cận công việc. Giáo sư Terry Buss mở đầu với lời “cảnh tỉnh” rằng: Học đại học là tốt và rất quan trọng nhưng các bạn đừng nghĩ rằng mình CHỈ cần lấy được tấm bằng đại học và học thêm một đống các thể loại chứng chỉ là các bạn đã có thể tiến bước vào đời ngon lành, đi làm và làm tốt công việc, đừng nghĩ như vậy, với sinh viên kinh tế và quản trị, tôi khuyên các bạn hãy nghĩ tới 3 thứ: 1. Tư duy phân tích (Analytical thinking); 2. Tư duy như dân kinh tế (Economics ways of thinking) và 3. Giao tiếp (Communication).

Giáo sư Terry Buss chia sẻ tại Lớp Quản trị chiến lược, Viện Quản trị Kinh doanh 

1. Định hướng

1.1 Tư duy phân tích 

 Giáo sư khởi đầu rất ngắn gọn nhưng rõ ràng: “Think Analytically” - Hãy tư duy một cách có phân tích. Tất cả các bạn đều đã được học những lớp cơ bản về thống kê và phân tích nhưng thường là chưa tận dụng hết được. Giáo sư đã nói đùa rằng ông kém toán và chuyên ngành cao học là về Triết học chính trị (Political Philosophy) thì việc học thêm các khoá phân tích cơ bản để phát triển sự nghiệp là một thứ suy nghĩ xa xỉ, xa vời. Nhưng áp dụng thống kê vào thực tế thực sự thú vị, ông chỉ làm một thống kê về sự đóng cửa của nhà máy thép ở Youngstown mà ông đã được mời tới Đức, Pháp, Canada, etc… và vô số bang ở Hoa Kỳ để nói về nó. Người ta hay ngại các con số và không phải lý thuyết nào cũng có nền tảng thực tế chắc chắn và do vậy, chỉ một chút nỗ lực ở đây thôi đã đủ để đưa bạn tiến xa. Việc của chúng ta là hiểu và truyền đạt lại một cách dễ hiểu cho những người muốn hiểu.

Giáo sư chia sẻ thêm về một trải nghiệm lý thú của bản thân khi từng làchuyên gia về y tế, nghiên cứu ở các trung tâm chấn thương. Y khoa cũng là 1 ngành mà nhiều người thấy đau đầu và ai cũng nghĩ mình không biết gì. Nhưng tôi cũng thấy ngạc nhiên khi mình đã trở thành một chuyên gia ở lĩnh vực này khi nhận ra một điều đơn giản: Nó cũng là thống kê và phân tích như kinh tế mà thôi, chỉ khác “Nhãn”  - Giáo sư kể.

1.2. Tư duy như dân kinh tế 

 Chúng ta được học hàng tá lý thuyết trên các giảng đường: Chi phí chìm, Quản trị rủi ro, … Dường như (nhất là khi lên bậc tiến sĩ) thì ta không mong người khác hiểu nữa. Các chuyên gia chỉ muốn “đóng khung” trong cái mác là các chuyên gia nhưng đáng lý ra thì công việc của chúng ta phải là những “phiên dịch viên” để truyền đạt ý nghĩa đến cho những người cần chúng. Chúng ta học xong không phải chỉ để biết mà là để áp dụng chúng, nhìn cuộc sống bằng một lăng kính khác, lăng kính “kinh tế” để thấy rõ sự việc và giải quyết chúng hợp lý hơn. 

Và để chắc chắn hơn về công việc các bạn thực sự làm thì các bạn hãy sử dụng các công cụ hỗ trợ như Onet.org để tìm hiểu về công việc tương lai và yêu cầu cũng như khả năng trúng tuyển. Các bạn chưa chắc đã nghiên cứu kỹ những thứ liên quan đến sự nghiệp bằng lúc các bạn tìm hiểu để mua laptop, điện thoại hay là 1 cái tủ lạnh ở Pico đâu - họ có cả 1 tập tài liệu về tất tần tật các thông số và chúng ta chỉ lướt qua. Nhưng còn công việc hay công ty bạn ứng tuyển thì sao, hãy suy nghĩ lại thật kỹ.

1.3. Giao tiếp

Như đã đề cập ở trên thì khi đã có kiến thức chuyên môn rồi thì tiếp theo là phải nói làm sao cho người ta muốn nghe và hiểu được. “Càng nói dông dài bao nhiêu thì bạn càng đánh mất uy tín và mất đi cơ hội bạn muốn tiếp cận bây nhiêu”. Giáo sư lưu ý thêm rằng không chỉ “Nói” mà còn là “Viết”, giao tiếp ở đây là khả năng truyền đạt sao cho người khác hiểu, nhất là trên văn bản giấy tờ. Giáo sư chia sẻ rằng Giáo sư không chỉ hướng dẫn cho sinh viên, hay đồng nghiệp, mà còn hướng dẫn cách viết cho cả nghị sĩ quốc hội, họ thực sự muốn truyền đạt và  đã học cách truyền đạt thì chúng ta cũng nên như vậy, bởi lẽ, khả năng viết của đa số chúng ta thường là tệ.

Giáo sư đã đưa ra một số lời khuyên trong phần Q&A rằng khác với kiểu văn chương hoa mỹ mà chúng ta được học, là dân học kinh tế và quản trị, dân thực chiến thì chúng ta cần đi thẳng vào vấn đề, viết thẳng vào trọng tâm. Vấn đề hay giải pháp cần được nêu ngay ở câu đầu tiên, ngôn từ phải gãy gọn, tránh dùng quá nhiều tính từ, hay trợ từ, chỉ cần như vậy thôi là phần viết của bạn đã được cải thiện đáng kể rồi. Vậy nên các bạn hãy luyện viết ngay đi nhé. 

2. Cách tiếp cận công việc

Từ những vấn đề được đề cập ở trên, Giáo sư Terry Buss đã đi vào lời khuyên cho các bạn trẻ bắt đầu đi làm. Giáo sư đặt câu hỏi rằng khi mới chập chững “bước vào đời” thì chúng ta cần phải làm gì để “có chỗ đứng và đứng đúng chỗ”? Lời khuyên của Giáo sư gói gọn trong một vài câu ngắn gọn rằng Hãy thực tế và chăm chỉ! Hãy tập trung vào việc của mình! Hãy cởi mở và luôn sẵn sàng chào đón cơ hội! 

2.1. Hãy thực tế và chăm chỉ 

Các bạn biết không hôm nay là kỷ niệm 50 năm tôi làm trong ngành của mình, lời khuyên của tôi các bạn có thể tiếp nhận hoặc không nhưng ít nhất các bạn hãy suy nghĩ thực tế hơn. Thực tế cho thấy bất cứ một khoá học quản trị nào trên thế giới cũng đều có một phần về lãnh đạo toàn cầu nhưng phải nói thật là nếu bạn vào được vòng phỏng vấn và nói đến những vấn đề to tát kia thì có lẽ đó không phải là một chỉ dấu tích cực. Bất cứ một vị sếp nào thì đều muốn có nhân viên làm việc cho mình và làm tốt công việc được giao chứ không phải viển vông hay lăm le chiếm “ghế” của mình.

Vậy nên hãy bắt đầu bằng những email chỉn chu và xung phong làm thư ký cuộc họp. Những công việc tưởng chừng có vẻ cỏn con này, ít người để tâm đến nó nhưng đó chính là thứ tạo nên điểm nhấn. Giáo sư nhấn mạnh rằng người ta thường “ngại” và “né”làm thư ký cuộc họp nhưng bạn không biết bạn quyền lực thế nào khi ở vị trí đó đâu, bạn là người chuẩn hoá đầu vào và điều chỉnh đầu ra nội dung cuộc họp đó. Đó là những khởi đầu đủ để bạn dần thăng tiến trong nấc thang quyền lực. 

2.2. Hãy tập trung vào việc của mình   

Khi định hướng đã rõ thì với chuyên môn của mình cộng với những tác phong kể trên thì bạn hãy tập trung vào công việc. Phần lớn mọi người thường quá tập trung vào đồng nghiệp, vào sếp mà sao nhãng công việc của mình nên rất khó có được thành công. Các bạn đã xây dựng được cốt lõi thì tiếp theo là cần chủ động nhận thêm trọng trách và thiết lập, xây dựng đúng mối quan hệ. 

Hiếm khi ai đó chủ động nhận thêm trọng trách nên bạn sẽ trở nên nổi bật để được học hỏi và phát triển vượt bậc bằng những trải nghiệm mà những người khác đã né tránh. Còn mối quan hệ thì ai cũng đều nghĩ đến sếp hay đồng nghiệp,  đó là điều hiển nhiên nhưng vấn đề là liệu sếp có hứng thú với bạn không cơ chứ. Giáo sư Terry Buss đã “mách” một điều khá bất ngờ rằng những vị thư ký hay những bác lao công mới là những người mà bạn nên “kết giao”. Với tôi thì điều này luôn đúng ở bất kỳ nơi đâu tôi đến, những vị thư ký nắm rõ tất cả lịch trình của giám đốc và toàn bộ công ty còn bác lao công thì đi khắp, biết rõ mọi ngóc ngách của cả toà nhà. 

Giáo sư tóm gọn lại là chúng ta thường quá tập trung vào bên ngoài khiến bị hùa theo đám đông và sao nhãng, vậy nên hãy tập trung và bạn sẽ thấy những thứ gì thực sự giúp được bạn.

2.3. Hãy cởi mở, luôn sẵn sàng chào đón cơ hội  

Câu chuyện khép lại buổi chia sẻ cũng là câu chuyện hay nhất: Tôi được làm việc ở hàng chục quốc gia, làm việc ở đại sứ quán, đóng góp vào việc tái cơ cấu các tổ chức lớn của các nước,…cũng chỉ vì 1 cuộc điện thoại, điều này gợi nhớ về câu mà chúng ta thường nghe rằng nghề chọn người, đây là một minh chứng cho điều đó. 

Lúc tôi còn làm việc ở Quốc hội Mỹ thì một lần vì không thấy ai nghe máy, tôi đã nghe máy và nhận được thông tin về yêu cầu giúp đỡ của Đại sứ quán Mỹ ở Hungary, tôi thông báo cho mọi người và như thường lệ thì ai cũng “mũi né”. Tôi đã quyết định ứng cử để tham gia vào yêu cầu giúp đỡ của Đại sứ quán Mỹ ở Hungary. Điều này đã mở ra 3 năm tôi làm việc ở Hungary.  

Giáo sư nhắn nhủ rằng bản thân tôi cũng bất ngờ về những cuộc hành trình nối tiếp cuộc hành trình đó và hẳn các bạn cũng vậy, vậy nên hãy cởi mở, luôn chủ động và sẵn sàng, các bạn cũng sẽ không biết cuộc hành trình nào đang chờ mình ở phía trước đâu!

Giáo sư Terry Buss chụp ảnh lưu niệm cùng những người tham gia buổi chia sẻ 

Lời kết 

Khi buổi chia sẻ khép lại, Giáo sư nhắn nhủ rằng những chia sẻ của mình có thể có bạn không đồng ý ở điểm nào đó nhưng những ý kiến đó có thể giúp các bạn có thêm những ý kiến hay và có thể áp dụng cho sự nghiệp sau này.

Người viết nhận thấy những gì Giáo sư Terry Buss chia sẻ không phải những thứ đao to búa lớn mà rất thiết thực, bổ ích, có thể áp dụng được ngay. Chúng được đúc kết từ trí tuệ và kinh nghiệm phong phú của một người đã đảm nhiệm rất nhiều cương vị quan trọng khác nhau ở các tổ chức lớn khắp nơi trên thế giới từ các chính phủ, các đại học/học viện, các tổ chức quốc tế như WB,...  Được tiếp xúc, trao đổi với những người như GS Terry Buss học được nhiều thứ, cảm thấy mình “lớn” hơn. 

Luôn cầu chúc GS Terry Buss có sức khỏe tốt, tiếp tục có những buổi chia sẻ quý giá và bổ ích cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung.  


Đinh Long Nhật, Phạm Mạnh Hùng Gặp mặt