New Trang tin
 
Tìm kiếm ngành học đào tạo thực tiễn – Hãy đến Viện Quản trị kinh doanh UEB-SBA!

Ngạn ngữ có câu: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”, trau dồi những kiến thức bổ ích giúp bản thân mỗi người tỏa sáng trong cuộc đời của chính mình. Để giúp cho mỗi sinh viên ngay từ năm thứ nhất có thể bắt đầu phát triển toàn diện về cả tri thức và kỹ năng, rèn đức, luyện tài trở thành những chuyên gia, lãnh đạo trong lĩnh vực mà mình đam mê, theo đuổi, Viện Quản trị Kinh doanh (UEB - SBA) – Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã đem đến những học phần mang tính ứng dụng cao, bổ ích, thiết thực và hấp dẫn. 



Những môn học được ví như chiếc “chìa khóa” mở cánh cửa thành công này là gì? 

Sinh viên SBA của chúng ta đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn ra sao?...

Phần 1: "Chìa khóa” mở cánh cửa thành công

Tầm quan trọng và sức hấp dẫn của các học phần mang tính ứng dụng cao

Người xưa có câu: “Uốn cây từ thuở còn non...” để thấy rằng, việc giáo dục thuở ban đầu là rất quan trọng, đưa các môn học mang tính ứng dụng cao cho sinh viên ngay từ những ngày đầu tiên chập chững bước vào giảng đường đại học là một định hướng vô cùng đúng đắn, giúp cho sinh viên phát triển bản thân một cách sớm nhất và tốt nhất. Bởi, kiến thức chuyên môn tốt thôi là chưa đủ, để có thể tỏa sáng và bứt phá trong bất cứ một môi trường nào, song hành với nó phải có kỹ năng thật tốt – Yếu tố cần thiết để chinh phục thành công con đường mà mình lựa chọn.

Các môn học mang tính ứng dụng thực tiễn được Viện Quản trị Kinh doanh thiết kế giúp sinh viên có thể dễ dàng vận dụng vào giải quyết các vấn đề trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu, tiếp xúc với các môi trường khác nhau, đặc biệt, tạo nền tảng vững chắc để đáp ứng cho công việc sau này. Sinh viên sau các học phần này có thể tự tin với bản thân, dám thể hiện chính mình, mạnh dạn và chủ động hơn trong học tập và cuộc sống. Điển hình là 2 học phần, “Kỹ năng làm việc nhóm” dành cho sinh viên năm thứ nhất và , “Văn hóa doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh” dành cho sinh viên năm hai. 

Kỹ năng làm việc nhóm – Yếu tố thiết yếu trong cuộc sống

Học phần kỹ năng làm việc nhóm cung cấp những kiến thức cơ bản về làm việc nhóm cho sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh. Trong môn học này, sinh viên sẽ được hướng dẫn các bước thành lập và các yếu tố cần thiết để hình thành nhóm làm việc hiệu quả như: quản lý nhóm làm việc, các giai đoạn hoạt động của nhóm, đánh giá hiệu quả hoạt động của nhóm hay nắm được vai trò của các thành viên trong nhóm... 

Các hoạt động thực hành nhóm trên lớp sẽ giúp sinh viên phát huy các kỹ năng quan trọng trong làm việc nhóm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề,... Học phần giúp sinh viên xây dựng ý thức tự giác, tự tin, chủ động trong hoạt động nhóm; say mê học hỏi, và chủ động áp dụng kiến thức đã học và các kỹ năng đã được thực hành vào làm việc nhóm, xây dựng và quản lý đội nhóm, đánh giá hiệu quả làm việc nhóm...

“Học phần Kỹ năng làm việc nhóm đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường cũng như công việc trong tương lai. Trong thực tế, không dự án, công việc, hay nhiệm vụ nào mà không cần sự phối hợp, hợp tác của các thành viên…Làm việc nhóm sẽ huy động được trí tuệ, năng lực, kỹ năng của nhiều thành viên, tạo ra những ý tưởng, những sản phẩm mới, sáng tạo, hiệu quả và thực tiễn cao. Vì thế, câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” nói lên vai trò của học phần này….”– TS. Đặng Thị Hương, Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, Giảng viên giảng dạy môn Kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên năm nhất SBA chia sẻ về ý nghĩa và vai trò của môn học.

Để không khí lớp học sôi nổi, sinh viên cảm thấy hào hứng với môn học, cô Hương đã đưa ra nhiều “case study” thực tiễn cho sinh viên thực hành. Trong đó có một vài case nổi bật: “Tầm quan trọng của Kỹ năng làm việc nhóm tại Wal- Mart và Nokia” và đưa ra các câu hỏi như: Tại sao các công ty hàng đầu thế giới như Wal-Mart hay Nokia lại yêu cầu nhân viên việc làm việc theo nhóm? Đối với các công ty Việt Nam, kỹ năng làm việc theo nhóm của nhân viên có quan trọng không? Tại sao và hãy đưa ra một ví dụ cụ thể cho nhận xét của bạn”….Bên cạnh đó, sinh viên cũng được đặt mình với vai trò là “người trong cuộc” để giải quyết các mâu thuẫn nhóm từ tình huống thực tế… Từ đó, các sinh viên hiểu bài sâu hơn và có thể vận dụng linh hoạt trong thực tiễn.

“Bản thân em đã học được rất nhiều điều qua những kiến thức được giảng dạy, cũng như những tiết học thực hành trong môn kỹ năng làm việc nhóm. Môn học đã giúp em biết cách lắng nghe ý kiến của tập thể, học được cách đánh giá vấn đề và đưa ra quan điểm của bản thân trước nhiều người hay cách để dẫn dắt, lãnh đạo một nhóm làm việc...Tất cả đều được trau dồi và hình thành nên từ từng bài tập nhỏ và lớn mỗi khi lên lớp, đặc biệt, bài tập quan trọng nhất là bài tập cuối kỳ, khi mỗi nhóm làm việc phải đặt mình vào suy nghĩ của một Start-up, cùng nhau tạo nên được một mô hình kinh doanh thật chi tiết và tỉ mỉ, đòi hỏi sự hợp tác, linh hoạt và nhuần nhuyễn đến từ từng thành viên trong nhóm nhằm đưa ra được một sản phẩm tốt nhất” – Sinh viên Đặng Lê Việt Đức chia sẻ thêm về môn học đã để lại cho bản thân những ấn tượng sâu sắc.

Kỹ năng làm việc nhóm không chỉ giúp mỗi cá nhân phát huy thế mạnh của bản thân, kết nối và học hỏi từ những người xung quanh mà còn giúp giảm bớt áp lực công việc. Bởi khi hoạt động nhóm, các cá nhân sẽ bù đắp những khuyết điểm cho nhau và phát huy thế mạnh của mỗi người hướng đến một kết quả chung tốt nhất.

Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh – yếu tố để trở thành doanh nhân tương lai “có tâm, có tầm”

Học phần Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trang bị cho sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh những kiến thức căn bản, hiện đại và thực tiễn về văn hóa doanh nghiệp, các mô hình văn hóa doanh nghiệp và quy trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây là học phần được đánh giá vô cùng quan trọng, bởi mang ý nghĩa và vai trò lớn trong quá trình làm việc sau này của mỗi người như: Giúp nhà quản trị trau dồi các kỹ năng cá nhân, đặc biệt, có ý thức rèn luyện đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp; biết cách ứng xử phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, có thái độ phê phán, chống lại các hành vi vô đạo đức, kém văn hóa trong doanh nghiệp.

 “Văn hóa doanh nghiệp và Đạo đức Kinh doanh là một môn học hay, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, tuy nhiên “không dễ” đối với các bạn sinh viên năm nhất, năm hai còn đang ngồi trên ghế Nhà trường, chưa có nhiều cơ hội thực tập hay cọ xát với các doanh nghiệp. Do đó, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn đưa ra nhiều tình huống thực tiễn, các video hay những hình ảnh cụ thể về nội dung bài giảng để sinh viên có thể hiểu sâu hơn lý thuyết vừa học” – TS. Bùi Thị Quyên, Giảng viên giảng dạy học phần Văn hóa doanh nghiệp và Đạo đức Kinh doanh nhận định về môn học.

1 số hình ảnh bài giảng của TS. Bùi Thị Quyên với những nội dung hấp dẫn và các “case study” thu hút sinh viên trong học phần: Bài giảng Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức Kinh doanh

Cô Quyên “bật mí” thêm về phương pháp giảng dạy để giúp sinh viên luôn cảm thấy hấp dẫn, hứng thú với môn học: “Tôi thường lựa chọn một số nội dung vừa sức đối với sinh viên để các em có thể tham gia vào quá trình giảng dạy. Tôi để sinh viên tạo thành các nhóm, nghiên cứu trước nội dung bài học, sau đó tập tành làm “giảng viên” giảng lại nội dung đó cho các bạn trong lớp. Khi được giao “trách nhiệm to lớn” như thế, sinh viên rất hào hứng và chủ động chia sẻ phần nội dung đã được chuẩn bị. Đây là một hình thức tự học khá thú vị, và tôi đóng vai trò là người tổng hợp lại kiến thức của buổi học.”

Sinh viên được “thử sức” với vai trò nhà phân tích để đưa ra các lập luận, đánh giá và giải pháp cho các vấn đề của doanh nghiệp, điều này khiến môn học trở nên hấp dẫn, dễ hiểu và gần gũi hơn

Bên cạnh những phương pháp thuyết trình truyền thống, tại lớp học của cô Quyên, các sinh viên tự xây dựng những tình huống về vi phạm đạo đức kinh doanh trong các doanh nghiệp, lên ý tưởng kịch bản, phân vai nhân vật, đóng diễn trực tiếp trên lớp hoặc quay video, thể hiện những tình huống với những màu sắc và phong cách khác nhau.

Hình ảnh silde trong phần thuyết trình của sinh viên trong học phần này

 Kết thúc mỗi chương học, các sinh viên cũng được tham gia “đấu trường trí tuệ” qua các trò chơi mà cô Quyên thiết kế, giúp các em vừa có thời gian giải trí mà vẫn ôn tập lại kiến thức.

 “Đối với Sinh viên khối ngành Kinh tế, khi ra trường các em sẽ đi làm trong các đơn vị, tổ chức khác nhau hoặc làm chủ một doanh nghiệp do mình thành lập, các em sẽ hiểu được mỗi doanh nghiệp đều cần xây dựng cho mình một môi trường văn hóa phù hợp, đồng thời tuân thủ theo những nguyên tắc đạo đức nhất định trong kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, đây được coi là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp… Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể... Chính vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện nóng bỏng được quan tâm nhiều như hiện nay, bởi đó chính là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp.” – Chia sẻ của TS. Quyên về sự hấp dẫn, cũng như tầm quan trọng của môn học Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh cho sinh viên của SBA.

“Học phần Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh mang đến cho em một cái nhìn sâu sắc hơn về những khía cạnh thực tế trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Nhờ sự tận tâm và nhiệt huyết của giảng viên bộ môn mà mỗi giờ học đối với chúng em đều thật sự rất quý giá. Cô luôn mang đến cho lớp những phương pháp học tập vô cùng thú vị và hiệu quả, giúp chúng em không chỉ tiếp thu được những kiến thức về chuyên môn mà còn nâng cao sự tự tin, chủ động và kỹ năng teamwork cho bản thân. Mỗi buổi học, sinh viên sẽ được phân tích và giải quyết từng “Case Study” của các doanh nghiệp, để từ đó rút ra cho mình những bài học và những kiến thức quan trọng nhất, đặc biệt là với sinh viên của ngành Quản trị Kinh doanh chúng em.” – là những chia sẻ của sinh viên Nguyễn Hải Linh, lớp QH2020E QTKD CLC 2 về môn học.

Văn hóa và đạo đức vốn là những phẩm chất quan trọng không thể tách rời dù làm bất cứ công việc hay ngành nghề nào. Mỗi sinh viên, sau khi hoàn thành môn học đều nhận thức được rằng, bản thân luôn phải trau dồi và tích lũy về cả kiến thức và kỹ năng, luôn cởi mở, sẵn sàng tiếp thu để có thể hòa nhập nhanh chóng với bất cứ doanh nghiệp nào mình đến làm việc. 

Điều đặc biệt, môn học còn giúp sinh viên thấu hiểu được ý nghĩa của hai từ “đạo đức” – yếu tố quan trọng của những người làm trong lĩnh vực kinh doanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, bởi vậy, qua môn học này, Viện Quản trị Kinh doanh thể hiện mong muốn rằng mỗi sinh viên trưởng thành từ mái nhà UEB - SBA trên con đường làm nghề luôn phải ghi nhớ hai chữ “đạo đức”, phải luôn có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, công tâm trên mọi vấn đề, xử lý công việc bằng lý trí tỉnh táo, sáng suốt, không làm điều gì trái với lương tâm, với đạo đức nghề nghiệp. Môn học cũng phần nào gửi gắm triết lý giáo dục mà Nhà trường luôn theo đuổi, đó là hy vọng mỗi sinh viên không ngừng tích lũy, học hỏi và phát triển bản thân, để tương lai trở thành những công dân toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc, chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp đáng quý của con người Việt Nam.

Với định hướng cho sinh viên được học tập trong môi trường chuẩn quốc tế, phát triển toàn diện tư duy, năng lực, chuẩn bị hành trang vững chắc trước ngưỡng cửa cuộc đời, lộ trình các học phần mang tính ứng dụng cao của Viện Quản trị Kinh doanh trong suốt 4 năm học cho sinh viên, không chỉ tạo ra một “màu sắc mới”, mà còn mang tính bổ trợ cao, hữu ích, thiết thực, giúp các em trang bị những yếu tố cần thiết trên con đường trở thành công dân toàn cầu, mang Tâm – Đức – Trí – Tài phụng sự Tổ quốc đúng như Triết lý giáo dục của Nhà trường.

(Còn tiếp)


Ngọc Thúy - UEB Media