New Trang tin
 
Từ “Tư duy sáng tạo” đến thiết kế cuộc đời... Tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có một môn học đặc biệt như thế!

Ngay từ cái tên – học phần Tư duy sáng tạo đã nói lên sứ mệnh của mình: UEBers ơi! Hãy cùng tôi sáng tạo, cùng tôi khám phá, chúng ta không có giới hạn, không có khoảng cách, chúng ta đặc biệt và đang cố gắng trở thành “phiên bản” tốt nhất của chính mình!...Vậy UEBers của chúng ta đã thay đổi như thế nào sau môn học Mới – Lạ – Chất này?



Khác với những môn học thiên nhiều về học thuật, Tư duy sáng tạo là một học phần được thiết kế đặc biệt dành riêng cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) dựa trên phương pháp tư duy thiết kế trong giảng dạy, được áp dụng mạnh mẽ tại các trường đại học hàng đầu thế giới như ĐH Dublin (Ai-len), ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Harvard (Mỹ)...với mục đích giúp người học kích hoạt tư duy sáng tạo, khám phá năng lực sáng tạo tự thân và rèn luyện kỹ năng sáng tạo dựa trên các phương pháp tư duy sáng tạo. Sau khi kết thúc học phần, thông qua các hoạt động sáng tạo, chiêm nghiệm và trải nghiệm thực tế, sinh viên sẽ được phát triển toàn diện 04 kỹ năng thiết yếu của sinh viên thế kỷ 21 là Critical Thinking - Tư duy phản biện, Creativity - Sáng tạo, Collaboration - Hợp tác và Communication - Giao tiếp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả liên quan đến cuộc sống, học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

UEBers chúng mình đã bắt đầu “Tư duy sáng tạo” như thế nào?

“Em rất thích được làm việc và học tập trong môi trường năng động, thích được trải nghiệm những điều mới mẻ, vì thế, ngay sau buổi học đầu tiên của môn Tư duy sáng tạo, em có những cảm nhận và hứng thú với môn học này. Em nhận thức được rằng để rèn luyện tính sáng tạo, khám phá ra năng lực của mình thì ta cần đồng kiến tạo - hợp tác và phát triển chung. Từ việc kết nối với nhau sẽ tạo ra một tập thể, một hội nhóm đoàn kết, những điểm mạnh của người này sẽ bù đắp cho yếu điểm của người kia, và ngược lại. Khi đồng kiến tạo, chúng ta cùng chung tay tạo ra một thành quả, một sản phẩm mới, sản phẩm được tạo nên từ những bộ óc sáng tạo sẽ trụ vững và duy trì lâu dài. Khi hoạt động tập thể, có sự cổ vũ của mọi người thì ta mới được tiếp thêm động lực cố gắng và phát triển bản thân.” – Chia sẻ của sinh viên Nguyễn Thu Hương, Lớp QH2023E - Kế toán Kiểm toán 4. 

Nhóm sinh viên tự thiết kế và làm nên sản phẩm Chiếc ghế đầy sáng tạo, TS. Nguyễn Thị Hải Hà - Giảng viên môn học đã trực tiếp được cảm nhận thành quả hấp dẫn mà các sinh viên mang lại ngay tại lớp học đặc biệt này

Bên cạnh bài học về sự kích thích tư duy và tạo động lực cho bản thân thông qua hoạt động tập thể, các “tân binh” năm thứ nhất của UEB còn được học thêm về quy tắc “One voice at a time” – cách để tôn trọng người khác và nhận lại sự tôn trọng, cải thiện bản thân ngày một tốt hơn khi sống trong một cộng đồng.

“Chúng ta có sẵn sàng thay đổi để nắm bắt cơ hội?” là câu hỏi mà giảng viên đã đưa ra trong buổi học, đây cũng là câu hỏi khiến mỗi người phải suy nghĩ một cách thật nghiêm túc. Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đôi khi chúng ta gặp phải những khó khăn, thách thức hay rủi ro không đáng có, nếu bản thân cứ chăm chăm vào những lối mòn, đau đầu với những thất bại, liệu có đang đánh mất đi những cơ hội quý giá cho chính mình? - Hãy linh hoạt thay đổi kế hoạch và chuẩn bị một tinh thần vững vàng đương đầu với thử thách bất ngờ xảy đến, biến khó khăn thành cơ hội, đấu tranh với nỗi sợ và sự chùn bước... Có lẽ chính là những “bài học đường đời đầu tiên” mà học phần Tư duy sáng tạo muốn mang đến cho các sinh viên của mình.

TS. Nguyễn Thị Hải Hà và Ths. Lê Nguyễn Hồng Phương - Giảng viên môn học cùng các sinh viên tận hưởng niềm vui sau chuỗi hoạt động thử thách thiết kế sản phẩm sáng tạo đầy thú vị, bổ ích

Các hoạt động thử thách sáng tạo trên lớp cũng được các giảng viên đưa ra để mỗi sinh viên thấu hiểu và vận dụng được những kiến thức bổ ích, những bài học đã được tích lũy trước đó, phát huy sự năng động, sáng tạo, tính tập thể, giúp các em nhận ra và cải thiện những “yếu điểm” của bản thân.

Sinh viên Nguyễn Yến Nhi, Lớp QH2023E – Kế toán 4 bày tỏ: “Chúng em được tham gia thử thách xây dựng tháp kẹo dẻo cao nhất. Mặc dù đã cố gắng nhưng tháp kẹo dẻo của chúng em có độ cao “bằng 0”. Tuy kết quả không được như mong đợi và đôi chút tiếc nuối, nhưng sau đó chúng em lại phát hiện ra tháp của team mình lại trở thành một đường cong Parabol đẹp mắt. Điều này khiến mỗi người đều cảm thấy vui vẻ, chấp nhận kết quả, cũng như ghi nhận sự nỗ lực của mỗi thành viên.” 

Sinh viên Nguyễn Yến Nhi tham gia các thử thách sáng tạo trên lớp cùng đồng đội và đúc rút bài học cho bản thân

“Qua thử thách này, em đã rút ra được bài học rằng: Chúng ta cần phải kiểm tra các giả định ẩn thông qua thử nghiệm tạo mẫu, nên đặt thử viên kẹo nên đỉnh tháp để kiểm soát sự vững chắc của cấu trúc; Đừng tập trung vào việc trở thành “người cao nhất”, mà quên mất rằng, dù cao thế nào chăng nữa, nếu viên kẹo vẫn không đứng vững trên đỉnh tháp, chúng ta vẫn thất bại; Sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có sẽ giúp ta phát triển sản phẩm và cuối cùng là từ bỏ sự hoàn hảo, chúng ta nên học từ sự thất bại. Vừa cố gắng, vừa học hỏi để đưa ra thành quả tốt nhất.” - sinh viên Nguyễn Thu Hương chia sẻ.

Sinh viên viết Báo cáo chiêm nghiệm về mỗi buổi học

Ngoài thử thách hành động sáng tạo với tháp kẹo dẻo, UEBers còn thực hiện nhiều thử thách thú vị, hấp dẫn khác để từ đó hòa nhập với môi trường, tự suy ngẫm ra bài học hành động cho bản thân mình như: Warm-up đầu mỗi buổi học với nhiều hình thức: nhảy, đối đáp, đuổi hình bắt chữ, tam sao thất bản...; Thiết kế bàn chải đánh răng; Bài học Design Thinking nhằm đưa ra và giải quyết những khó khăn mà sinh viên năm nhất thường gặp phải; Thử thách sáng tạo với tình huống sắm vai là những nhà kinh doanh, khai thác, nắm bắt và thấu hiểu sở thích của khách hàng để thiết kế sản phẩm và thỏa mãn nhu cầu họ...

Nếu như trước đây, ở bậc trung học, những vấn đề và giải pháp được chúng em đưa ra một cách bản năng, chưa khoa học, thì sau khi tham gia môn học này, được thảo luận và học hỏi, bản thân em đã nhận ra sự khác biệt. Không đặt nặng về vấn đề lý thuyết, môn học này hướng chúng em tới những hoạt động thực hành, chú trọng và quan tâm vào trải nghiệm của sinh viên, để từ đó định hình được cho mình những hướng đi cơ bản, rồi từ đó những bài học một cách hệ thống mới được đưa ra. Phương pháp học này tuy không được đề cập ở tiết học nào, nhưng được vận dụng xuyên suốt quá trình học, điều này giúp chúng em có thể được học tập, trải nghiệm bài học đến 3 lần: tự đọc, hướng dẫn thực hành (thực hành), và tổng kết lại bài học. Tư duy sáng tạo không chỉ cung cấp cho chúng em những kiến thức, kĩ năng của thế hệ trẻ thời kỳ mới, mà còn có thể áp dụng để giải quyết được nhiều vấn đề trong đời sống như: học tập, công việc, những vấn đề đột xuất, cấp bách, những vấn đề chưa từng có tiền lệ,... – Chia sẻ của sinh viên Nguyễn Thị Anh Thơ, lớp QH2023E - Kế toán Kiểm toán 4. 

Từ tư duy sáng tạo, chúng mình đã tự thiết kế cuộc đời...!!!

Thiết kế cuộc đời là một trong những nội dung quan trọng mà UEB đem lại cho những sinh viên năm nhất thông qua môn học Tư duy sáng tạo, với mong muốn các em sẽ có những khắc họa về cuộc đời mà mình mong muốn, từ đó, xây dựng kế hoạch để thực hiện, cải thiện cuộc sống và phát triển bản thân. Bằng cách thiết kế cuộc đời riêng mình, đặt ra mục tiêu, kế hoạch, từ đó có động lực cố gắng, chinh phục những ước mơ. Năm tư duy để thiết kế cuộc đời, đó là: Tò mò; Có xu hướng hành động; Định hình lại vấn đề; Phát triển nhận thức; Hợp tác hiệu quả.

“Thông qua buổi học, em đã có cái nhìn mới về tư duy thiết kế cuộc đời và nhận ra những thiếu sót của bản thân. Ngoài ra, em cũng hiểu được rằng, để xác định đúng hướng đi của mình, cần phải biết cách thấu cảm bản thân, tự hỏi bản thân muốn gì và cần gì, nhận thức rõ năng lực và vai trò của mình. Không có gì là muộn màng cả, phải biết thay đổi, không sợ thất bại, biết tiến về phía trước dù ở bất cứ độ tuổi nào và sống hết mình với đam mê.” – Sinh viên Thu Hương tâm đắc với bài học về thiết kế cuộc đời mà thầy cô đã truyền tải.

Sinh viên Thu Hương đã làm một cuốn notebook để ghi lại những bài học bổ ích, ý nghĩa mà bản thân đã đúc rút được sau khi kết thúc môn học Tư duy sáng tạo

“Từ những bài học cụ thể đã dẫn em tới những suy nghĩ cụ thể, em đã tự thiết kế cuộc đời của mình trong vòng 4 năm tới, điều đó giúp em xác định, định hướng thực hiện một cách khoa học, không bị lãng phí thời gian vào những việc không đem lại hiệu quả bên ngoài, giúp em có những bước đi hiệu quả hơn.” – Sinh viên Nguyễn Thị Anh Thơ đã tự thiết kế cuộc đời mình trong vòng 4 năm học sắp tới tại UEB ngay sau khi học môn Tư duy sáng tạo. 

Các sinh viên luyện tập xây dựng kế hoạch cuộc đời cho chính mình

Có thể nói đây là môn học chứa nhiều kỉ niệm mà các sinh viên cùng nhau tham gia các hoạt động, tự tin chia sẻ những câu chuyện của bản thân, những tiếng cười vui vẻ khi tham gia hoạt động warm-up, thậm chí cả những video ngắn quay lại hành trình của cả nhóm khi cùng nhau làm dự án... đồng thời, được đón nhận và lan tỏa những năng lượng sáng tạo tích cực, ý nghĩa từ những thầy cô yêu quý của mình!

Các sinh viên gửi gắm tình cảm của mình đến các thầy cô – những người đã truyền tải nhiều năng lượng và bài học giá trị trong suốt khóa học Tư duy sáng tạo

Môn học Tư duy sáng tạo được chú trọng trực tiếp vào huấn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ năm nhất, đây chính là điểm mạnh của học phần, cũng là mảnh ghép còn thiếu trong chương trình học tập để giúp các sinh viên UEB trở nên toàn diện hơn trong lối tư duy và cách làm việc của mình. “Sau khi học phần Tư duy sáng tạo được tích hợp vào trong chương trình học, tôi đánh giá các bạn sinh viên đã tự tin hơn rất nhiều trong các hoạt động nhóm và khi thuyết trình trên lớp. Về cơ bản, các bạn vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện thêm các kỹ năng mềm trong suốt 4 năm học đại học, nhưng với một khởi đầu được huấn luyện bài bản, các bạn sẽ có một định hướng cụ thể hơn, đạt hiệu quả cao hơn.” – Ths. Đỗ Đình Đình, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Giảng viên Học phần Tư duy sáng tạo nhận định.

Sự sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập thế giới và sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Học phần tư duy sáng tạo mà Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mang lại không chỉ là môn học mang một màu sắc hoàn toàn khác biệt, giúp sinh viên “bước ra vùng an toàn”, dám đón nhận thử thách, trải nghiệm những điều mới lạ, học hỏi và phát triển bản thân, mà còn thể hiện định hướng giáo dục toàn diện của Nhà trường đối với mỗi người học. Qua đó, khẳng định slogan mà UEB luôn hướng đến: “The Road to Success” –  Đến với UEB, là con đường dẫn tới thành công!


Ngọc Thúy - UEB Media