New Trang tin
 
Trường Đại học Kinh tế từng bước hoàn thành quá trình Kiểm định chất lượng ACBSP - khẳng định chất lượng giáo dục tiêu chuẩn quốc tế

Bản tin hoạt động Quý I năm 2024

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB-VNU) đã tham gia và là thành viên của tổ chức ACBSP từ năm 2020 - một bước đi chiến lược nhằm khẳng định chất lượng giáo dục và nâng tầm vị thế của Nhà trường trên trường quốc tế. Từ đó đến nay, UEB đã nghiêm túc và khẩn trương thực hiện và hoàn thiện các tiêu chuẩn để kiểm định. Cùng điểm qua các hoạt động trọng điểm gắn với những mục tiêu cụ thể trong quy trình kiểm định ACBSP đã được Nhà trường triển khai thực hiện trong Quý 1 năm 2024.



Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) với tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trên thế giới, nên ngoài việc đáp ứng chuẩn kiểm định trong nước theo quy định của Bộ GD&ĐT, UEB còn đang tiến hành hoàn tất quá trình kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs) – Hội đồng kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh, được công nhận bởi CHEA (Council for Higher Education Accreditation – Hội đồng kiểm định Giáo dục đại học), Hoa Kỳ. ACBSP cũng là cơ quan kiểm định giáo dục kinh doanh toàn cầu và là tổ chức đầu tiên cung cấp chứng nhận cho tất cả các cấp độ của chương trình cấp bằng giáo dục kinh doanh ở trường đại học từ cao đẳng đến tiến sĩ.

ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs) – Hội đồng kiểm định các trường học và chương trình đào tạo về kinh doanh, được công nhận bởi CHEA (Council for Higher Education Accreditation – Hội đồng kiểm định Giáo dục đại học), Hoa Kỳ

Chứng nhận kiểm định ACBSP sẽ công nhận sự xuất sắc trong chất lượng giảng dạy và đào tạo, môi trường học tập đẳng cấp quốc tế, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho sinh viên và giảng viên thông qua việc cập nhật kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy tiên tiến, mà còn mở rộng cơ hội hợp tác, giao lưu quốc tế, qua đó tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với những cơ hội nghề nghiệp rộng mở sau khi tốt nghiệp. Với từng bước hiện thực hóa chiến lược quốc tế hóa giáo dục thông qua kiểm định ACBSP, UEB đang khẳng định sự quyết tâm và khả năng thích ứng với chuẩn mực giáo dục toàn cầu, đồng thời là bước đệm vững chắc để Nhà trường liên tục phát triển, mang lại giá trị học thuật vững bền cho sinh viên, giảng viên.

Trong Quý I năm 2024, Trường Đại học Kinh tế đã triển khai thực hiện các hoạt động trong quy trình kiểm định gắn với những mục tiêu cụ thể, từng bước tiến tới đạt chứng nhận kiểm định ACBSP, bao gồm:

1. Đánh giá kết quả học tập của sinh viên đợt thi kết thúc học phần HKI năm học 2023-2024 theo phiếu đánh giá rubrics đáp ứng chuẩn ACBSP về kiến thức và kỹ năng theo chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo (CTĐT)

Việc triển khai đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra bằng rubric là một cách tiếp cận hệ thống và toàn diện để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Nó thúc đẩy sự rõ ràng, nhất quán và trách nhiệm trong quá trình đánh giá, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Trong môi trường giáo dục mang tính quốc tế cao như UEB, đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra là một công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của quá trình giảng dạy và học tập. Rubric cung cấp một khung cấu trúc để đánh giá kết quả đạt được của sinh viên dựa trên các chuẩn đầu ra hoặc tiêu chí đã được xác định trước.

Giảng viên UEB tập huấn, hướng dẫn cho sinh viên tham dự kỳ thi Peregrine

Mục tiêu của hoạt động: Trong môi trường giáo dục, đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra là một công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của quá trình giảng dạy và học tập. Hoạt động này nhằm phát triển các chương trình đào tạo thông qua việc đánh giá kết quả học tập của người học.

Quy trình thực hiện: Quá trình thường bắt đầu bằng việc xác định và diễn đạt rõ ràng các chuẩn đầu ra cho một chương tình hoặc một học phần cụ thể. Những chuẩn đầu ra này là nền tảng để xây dựng rubric. Rubric sau đó được phát triển để mô tả rõ ràng các tiêu chí và mức độ đạt được chuẩn đầu ra. Những tiêu chí này thường bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của chuẩn đầu ra của sinh viên như kiến thức, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề. Khi các rubric được tạo ra, chúng được sử dụng để đánh giá công việc của sinh viên một cách có hệ thống. Giảng viên có thể áp dụng các rubric để đánh giá bài thi viết, bài tập, dự án, bài thuyết trình hoặc bất kỳ hình thức nào đánh giá kết quả của sinh viên. Bằng cách sử dụng một công cụ đánh giá nhất quán và minh bạch như rubric, giảng viên có thể cung cấp phản hồi rõ ràng cho sinh viên và hướng dẫn họ một cách hiệu quả cách thức phát triển năng lực bản thân. Hơn nữa, rubric tạo điều kiện chuẩn hóa các thực hành đánh giá giữa các giảng viên, khóa học hoặc các cơ sở khác nhau. Chúng đảm bảo tính công bằng và khách quan trong quá trình đánh giá, giúp các bên liên quan tin tưởng và tính đáng tin cậy và hợp lệ của kết quả đánh giá.

Ngoài ra, các dữ liệu thu thập được thông qua đánh giá dựa trên rubric có thể cung cấp thông tin cho việc ra quyết định giảng dạy và nỗ lực cải thiện chương trình giảng dạy. Bằng cách phân tích các kết quả đạt được của sinh viên và xác định các khu vực mạnh hoặc yếu, giảng viên có thể điều chỉnh chiến lược giảng dạy và nội dung khóa học để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sinh viên.

Giảng viên UEB tập huấn, hướng dẫn cho sinh viên tham dự kỳ thi Peregrine

Kết quả của hoạt động: Đánh giá này giúp sinh viên hiểu rõ những kỳ vọng của giảng viên về chuẩn đầu ra, xác định được điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình học tập, từ đó xây dựng kế hoạch và cách thức cải thiện

Sinh viên UEB được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức để tham dự kỳ thi Peregrine

2. Tọa đàm trực tuyến: "Xây dựng hệ thống giám sát chương trình đào tạo cho các chương trình tham gia kiểm định ACBSP"

Mục tiêu của Tọa đàm: Tọa đàm nhằm xây dựng hệ thống giám sát đào tạo và triển khai đồng bộ báo cáo giám sát các CTĐT hàng năm. 

Kết quả của Tọa đàm: Hệ thống giám sát đào tạo khi hoàn thiện sẽ đặc biệt hỗ trợ hiệu quả cho phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý sinh viên của Trường, đồng thời giúp cho các phần mềm này có những cập nhật, bổ sung các thông tin, dữ liệu phục vụ cho hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo tiệm cận với các chuẩn kiểm định quốc tế của ACBSP.

Phiên hỗ trợ kỹ thuật về hệ thống giám sát chương trình đào tạo của Dự án PHER (Partnership for Higher Education Reform, dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện)

3. Hội thảo tập huấn trực tiếp: "Xây dựng báo cáo đánh giá chương trình đào tạo hàng năm”

Mục tiêu của Hội thảo: Hướng tới xây dựng các thư viện minh chứng để giám sát và cập nhật hàng năm. Hoạt động này thực hiện dựa trên Hệ thống giám sát học thuật (Academic Monitoring System) - Một nền tảng được thiết kế để theo dõi, giám sát, và quản lý quá trình học tập của sinh viên. Mục tiêu chính của hệ thống này là giúp các tổ chức giáo dục, giáo viên, và các bên liên quan có được cái nhìn toàn diện về tiến trình học tập và kết quả đạt được của sinh viên, từ đó có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ và cải thiện kịp thời. Dưới đây là những đặc điểm chính của một Hệ thống giám sát học thuật:

- Thu thập dữ liệu kết quả học tập: Hệ thống thu thập dữ liệu về việc đạt được kết quả học tập, bao gồm điểm số, kết quả đạt được chuẩn đầu ra của bài kiểm tra, bài tập, tham gia lớp học, và các chỉ số khác liên quan đến hoạt động học tập.

- Phân tích và đánh giá: Hệ thống có khả năng phân tích dữ liệu để xác định các xu hướng hoặc vấn đề tiềm ẩn, cho phép giáo viên và các nhà quản lý giáo dục đưa ra đánh giá về hiệu suất học tập của học sinh. 

- Cung cấp phản hồi: Hệ thống có thể cung cấp phản hồi cho sinh viên và giáo viên về các lĩnh vực cần cải thiện hoặc các kỹ năng cần củng cố. Điều này có thể giúp định hướng quá trình học tập và giảng dạy.

- Hỗ trợ cá nhân hóa: Bằng cách theo dõi hiệu suất cá nhân, hệ thống có thể hỗ trợ việc cá nhân hóa giáo dục, giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy dựa trên nhu cầu cụ thể của từng học sinh.

- Tương tác và giao tiếp: AMS - Academic Monitoring System thường có các công cụ tương tác, cho phép giáo viên, sinh viên, và phụ huynh giao tiếp và chia sẻ thông tin liên quan đến việc học.

- Báo cáo và theo dõi tiến độ: Hệ thống có thể tạo ra các báo cáo chi tiết về tiến trình học tập, giúp theo dõi sự phát triển của học sinh qua thời gian và đưa ra các kế hoạch hành động phù hợp. 

Các đơn vị họp triển khai kế hoạch xây dựng báo cáo đánh giá chương trình đào tạo hàng năm phục vụ cho hoạt động kiểm định ACBSP

Kết quả của hội thảo: Các đơn vị nắm được quy trình và thực hiện điều chỉnh kế hoạch triển khai chi tiết cho phù hợp với việc hoàn thiện hệ thống giám sát đào tạo, phục vụ cho báo cáo giám sát các CTĐT hàng năm và hoạt động kiểm định chất lượng các CTĐT theo chuẩn ACBSP.

4. Tập huấn viết báo cáo (Self – study) đến các Khoa/Viện thực hiện KĐCL các CTĐT theo chuẩn ACBSP 

Mục tiêu của hoạt động: Buổi tập huấn giúp các Khoa/Viện nắm được quy trình hoàn thành báo cáo tiến tới đạt kiểm định ACBSP

Kết quả của hoạt động: Thông qua tập huấn, các đơn vị đã nắm vững các yêu cầu của hoạt động kiểm định chất lượng các CTĐT theo chuẩn ACBSP đối với từng tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định, đồng thời, triển khai hoàn thiện bộ dữ liệu thông tin, minh chứng cần thiết cho quá trình triển khai các CTĐT đáp ứng các chiến lược phát triển của Nhà trường, tiến tới đạt kiểm định ACBSP.

GS. Christopher S. Cook, CPA, CGMA - Senior Lecturer, Department of Accounting - một chuyên gia kiểm định giáo dục đến từ Kelley School of Business (Indiana University), Hoa Kỳ đến tham vấn về quá trình kiểm định đào tạo theo chuẩn ACBSP cho giảng viên UEB
Các giảng viên UEB được tập huấn viết báo cáo (Self – study) thực hiện KĐCL các CTĐT theo chuẩn ACBSP

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động, hướng tới đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định của ACBSP trong thời gian tới, một minh chứng về cam kết của Nhà trường trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế. Qua đó, UEB không chỉ nâng cao giá trị đào tạo cho người dạy và người học, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Nhà trường, khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng trên bản đồ giáo dục toàn cầu.


Ngọc Thúy - UEB Media