New Trang tin
 
Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tham dự Hội thảo quốc tế về Giáo dục bền vững tại Trường Đại học Thương mại Chiba, Nhật Bản

Nhằm thực hiện mục tiêu quốc tế hóa trong giảng dạy và nghiên cứu, nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) đã tham dự hội thảo quốc tế 'Phát triển Bền vững và Giáo dục Bền vững' do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững, Trường Đại học Thương mại Chiba (CUC) tổ chức vào ngày 23/9/2024. Hội thảo không chỉ mở ra cơ hội trao đổi học thuật mà còn nâng cao nhận thức về vai trò thiết yếu của giáo dục trong việc thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu.



Tại hội thảo, các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ các chủ đề nghiên cứu về phát triển bền vững tại hai quốc gia, thảo luận các vấn đề liên quan đến tính bền vững và định hướng giới trẻ hai nước về phong cách sống bền vững trong tương lai. Các diễn giả cũng chia sẻ các dự định nghiên cứu trong thời gian tới, mở ra cơ hội hợp tác chuyên sâu về nghiên cứu khoa học giữa UEB và CUC.

Khởi đầu cho các bài chia sẻ của đoàn giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tại hội thảo là nhóm của TS. Đào Cẩm Thủy và các sinh viên Trần Quỳnh Anh, Vũ Khánh Linh, Đỗ Thị Bích Ngọc (lớp K1A3 UEB – USF) trình bày về “Sự ảnh hưởng của kênh truyền thông đến việc mua sản phẩm thời trang bền vững tại thị trường Việt Nam”. Nghiên cứu này khám phá cách các thương hiệu thúc đẩy thời trang bền vững thông qua các chiến lược truyền thông hiệu quả, và nhận được sự thảo luận sôi nổi từ các diễn giả đề từ Nhật Bản về cách giáo dục giới trẻ có phong cách sống bền vững. 

TS. Đào Cẩm Thủy và 3 sinh viên (từ trái sang) Trần Quỳnh Anh, Vũ Khánh Linh, Đỗ Thị Bích Ngọc lớp K1A3 UEB – USF thuyết trình tại hội thảo 

Nhóm trình bày của TS.Đào Thị Hà Anh và  TS. Bùi Thị Quyên, giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với đề tài: “Học tập dự án và công nghệ: Mô hình giáo dục bền vững cho sinh viên”. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên rất hài lòng với phương pháp Học tập theo dự án (PBL) và tích hợp công nghệ, giúp tăng cường sự tham gia, kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Bên cạnh đó, áp dụng kiến ​​thức vào bối cảnh thực tế làm tăng sự tham gia và trách nhiệm của sinh viên đối với việc học của mình, các trường đại học nên đầu tư vào đào tạo giáo viên và các nguồn lực để hỗ trợ PBL. 

TS. Đào Hà Anh – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trình bày kết quả của bài nghiên cứu tại hội thảo

Nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Kế toán - Kiểm toán bao gồm TS. Vũ Thị Thanh Bình và TS.Đặng Thu Hằng trình bày đề tài:“Giáo dục môi trường: Bằng chứng từ giáo dục cao cấp ở Việt Nam”. Bài nghiên cứu đã xem xét ý định phân loại rác thải của sinh viên đại học Việt Nam bằng cách sử dụng Lý thuyết hành vi có kế hoạch. Các phát hiện chỉ ra rằng thái độ, chuẩn mực chủ quan, kiểm soát hành vi nhận thức và giáo dục môi trường ảnh hưởng tích cực đến những ý định này. Bài viết chỉ ra sự khác biệt về ý định phân loại rác thải giữa các nhóm giới tính và chuyên ngành tại các trường đại học. Kết quả cho thấy việc tích hợp giáo dục môi trường vào các hoạt động học thuật và ngoại khóa có thể cải thiện nhận thức về môi trường của sinh viên.

TS. Vũ Thị Thanh Bình (trái) và TS. Đặng Thu Hằng (phải) – Giảng viên Khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày đề tài tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Lê Quang Minh – Giảng viên Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế đã chia sẻ bài nghiên cứu: “Tác động của ODA đến nền kinh tế xanh ở 5 nước ASEAN”. Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đang đối mặt với những thách thức trong việc phát triển nền kinh tế xanh, Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) nổi lên như một công cụ hữu hiệu nhằm hỗ trợ các nước này phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bài nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm giúp từng quốc gia phát triển bền vững và hiệu quả hơn trong tương lai.

TS. Lê Quang Minh thuyết trình bài nghiên cứu tại hội thảo 

PGS.TS Vũ Thanh Hương – Phó trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế cùng sinh viên Hoàng Thị Nguyệt Hà đại diện nhóm trình bày bài nghiên cứu: “Tác động của các biện pháp bảo hộ thương mại đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam”. Bài viết nghiên cứu hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2022 cho thấy các biện pháp phi thuế quan như ADPs và XSs tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản Việt Nam. Bài nghiên cứu đã đề xuất các chính sách giúp Doanh nghiệp và Chính phủ vượt qua rào cản bảo hộ, phát triển bền vững xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

PGS.TS. Vũ Thanh Hương (trái) và sinh viên Hoàng Thị Nguyệt Hà, lớp QH 2021E – Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (phải) hoàn thành xong bài thuyết trình tại hội thảo

Sau khi kết thúc các phiên thảo luận, trình bày nghiên cứu tại Hội thảo quốc tế, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại Chiba, PGS.TS. Takao Terano nhận định: “Những đóng góp của nhóm nghiên cứu tại Việt Nam không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của giáo dục trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác quý giá giữa các bên. Tôi tin tưởng rằng, những sáng kiến này sẽ là nguồn cảm hứng và là nền tảng vững chắc để chúng ta cùng nhau hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.”

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại Chiba, PGS.TS. Takao Terano (áo vest ghi xám đứng ở giữa)

Với những giá trị học thuật và kinh nghiệm từ Hội thảo quốc tế tại CUC đem lại, TS. Đào Cẩm Thủy cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực đưa giáo dục bền vững vào đời sống xã hội và hoạt động giảng dạy: “Đây là một nội thảo có ý nghĩa lớn, nơi hai trường đại học cùng nhau nhìn lại những nỗ lực và sáng kiến trong việc đưa giáo dục bền vững vào đời sống xã hội và hoạt động giảng dạy. Nội dung trao đổi không chỉ giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn về vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy phát triển bền vững mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác liên ngành và quốc tế.”

Các giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chụp ảnh cùng lãnh đạo Trường Đại học Thương mại Chiba, Nhật Bản tronng khuôn khổ hội thảo quốc tế

Là một trong những sinh viên vinh dự được đại diện cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham dự hội thảo quốc tế, em Đỗ Thị Bích Ngọc – sinh viên lớp K1A3 UEB – USF bày tỏ: “Hội thảo quốc tế tại CUC, Nhật Bản đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Đây không chỉ là cơ hội để em lắng nghe những ý kiến và chia sẻ từ các chuyên gia, mà còn là dịp để chúng em mở rộng kiến thức và kết nối với những người cùng đam mê. Những chủ đề được thảo luận rất phong phú và thiết thực, khiến em cảm thấy hào hứng và có thêm động lực để áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn”.

Lãnh đạo Trường Đại học Thương mại Chiba, Nhật Bản chụp hình lưu niệm cùng các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sau khi kết thúc hội thảo

Kết thúc buổi hội thảo, đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Thương mại Chiba đã tiến hành trao đổi về các hướng phát triển tiềm năng cho các hoạt động nghiên cứu tương lai giữa hai đơn vị. UEB đã – đang và sẽ nỗ lực tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên và giảng viên giao lưu quốc tế, từ đó mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến. Những nghiên cứu giá trị từ các hoạt động này không chỉ phục vụ cho xã hội mà còn giúp người học và người dạy phát triển trong môi trường quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục và khả năng cạnh tranh toàn cầu.


Biên tập: Ngọc Thuý - UEB Media