New Trang tin
 
Chuyến Study Tour đầu tiên 2025 tại Bulgaria, Romania và Hy Lạp cùng sinh viên, giảng viên UEB

Chuyến Study Tour Châu Âu 2025 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) tổ chức trong hành trình 10 ngày giàu trải nghiệm. Thành viên tham gia không chỉ được vi vu trời Âu, các bạn sinh viên UEB còn được tham quan, giao lưu quốc tế và phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và tư duy toàn cầu. 



Chuyến Study Tour tới châu Âu lần này là chương trình khởi hành đầu năm 2025 của Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN với thành viên gồm 5 giảng viên tâm huyết từ các khoa, viện trong Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã cùng 10 sinh viên, nghiên cứu sinh tiêu biểu được lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí học thuật, ngoại ngữ, kỹ năng mềm và tinh thần hội nhập, bao gồm: 04 sinh viên đến từ Viện Đào tạo Quốc tế (UEB-SITE), 02 sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển và 01 sinh viên tới từ mỗi đơn vị: Viện Quản trị Kinh doanh, Khoa Tài chính-Ngân hàng, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, và Khoa Kinh tế Chính trị.
Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn sinh viên và giảng viên Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã có cơ hội được học tập, giao lưu và khám phá tại ba quốc gia xinh đẹp của châu Âu là Bulgaria, Romania và Hy Lạp. 

Năm 2025, hành trình Study Tour được triển khai tới ba quốc gia châu Âu là Bulgaria, Romania và Hy Lạp

Và bây giờ, hãy cùng lắng nghe cảm nhận chân thực từ một giảng viên – người đã đồng hành cùng các thành viên trong suốt 10 ngày đầy cảm xúc này.

NHẬT KÝ STUDY TOUR CHÂU ÂU 2025
Hành trình 10 ngày – 3 quốc gia – Hàng ngàn trải nghiệm 
Tối ngày 15/3, tại sân bay Nội Bài, tôi bắt gặp những gương mặt sinh viên rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh sự hồi hộp và hào hứng. Với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên ra nước ngoài, và điều đó khiến chuyến đi càng trở nên đặc biệt, tôi thầm nghĩ: “Những trải nghiệm thật sự đang bắt đầu từ chính khoảnh khắc này – không phải chỉ khi đặt chân đến trời Âu”. 
Sau chuyến bay dài, chúng tôi hạ cánh xuống Sofia, Bulgaria – nơi hành trình khám phá bắt đầu.
Ngay từ ngày đầu tiên tới Bulgaria, đoàn chúng tôi đã đến thăm và làm việc với Đại học Sofia – một trong những đại học lâu đời và có ảnh hưởng lớn nhất tại Đông Âu. Tại đây, đoàn tham gia phiên làm việc học thuật tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông (Center of Eastern Languages and Culture), tôi đã học hỏi được rất nhiều từ chương trình đào tạo liên ngành, tiếp cận phương pháp giảng dạy theo hướng đa chiều của Đại học Sofia, đồng thời chúng tôi còn tham quan cơ sở vật chất hiện đại phục vụ nghiên cứu và đào tạo của trường. 

Cán bộ sinh viên UEB giao lưu cùng sinh viên Đại học Sofia

Tiếp theo chặng hành trình, chúng tôi có buổi gặp mặt và làm việc với Đại học Kinh tế Quốc gia và Thế giới (UNWE Sofia) – trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tại Đông Âu. Tại đây, đoàn đã trao đổi mô hình đào tạo, đồng thời chúng tôi cũng được tham gia Triển lãm ảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bulgaria, với sự góp mặt của Đại sứ Đỗ Hoàng Long - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Bulgaria kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia. 

Đoàn gặp mặt và làm việc với Đại học Kinh tế Quốc gia và Thế giới UNWE Sofia
Đại sứ Đỗ Hoàng Long (đứng giữa) cùng đại diện UEB và UNWE Sofia

Được gặp Đại sứ Đỗ Hoàng Long, tham gia Triển lãm ảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bulgaria, khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào và vinh dự. Tôi tin rằng đây là trải nghiệm hiếm có, để mỗi bạn sinh viên tự hào hơn về vai trò của mình - một sinh viên Việt Nam đang hội nhập quốc tế một cách đầy chủ động.

Sinh viên đoàn study tour tham gia Triển lãm ảnh kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bulgaria

Chúng tôi cũng được Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria tiếp đón và chia sẻ về định hướng hợp tác giáo dục giữa hai nước, vai trò của sinh viên trong hoạt động đối ngoại nhân dân cũng như những kỹ năng cần thiết để thích nghi và hội nhập trong môi trường quốc tế. Tại Bulgaria, một trong những dấu ấn đáng nhớ nhất với tôi chính là Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN và Trường Đại học Kinh tế Quốc gia và Thế giới Bulgaria (UNWE Sofia).

Được chứng kiến khoảnh khắc hai bên cùng đặt bút ký kết, dưới sự chứng kiến của Đại sứ Đỗ Hoàng Long, tôi cảm nhận rõ ràng rằng chuyến đi lần này không chỉ dừng lại ở trải nghiệm học thuật cho sinh viên, mà còn mở ra một cánh cửa mới cho hợp tác học thuật bền vững giữa UEB và các đối tác quốc tế.

Đại diện hai trường đã kí bản ghi nhớ hợp tác với sự chứng kiến của Đại sứ Đỗ Hoàng Long

Lễ ký kết được tổ chức trọng thể giữa hai trường cùng sự hiện diện và chứng kiến của Đại sứ Đỗ Hoàng Long. Bản ghi nhớ hợp tác mở ra hướng đi mới trong trao đổi sinh viên, hợp tác giảng dạy, nghiên cứu và phát triển các chương trình liên kết quốc tế. Đây là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn toàn cầu và vị thế học thuật quốc tế ngày càng tăng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN 

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác là một điểm nhấn lớn của chuyến đi

Ngày thứ tư của hành trình, đoàn còn có dịp khám phá phố đi bộ trung tâm thành phố Sofia – nơi có nhịp sống sôi động và tham quan những địa danh nổi tiếng như Làng cổ Plovdiv – thành phố lâu đời nhất châu Âu còn tồn tại đến nay, hay Bảo tàng bà Vanga – điểm đến tâm linh độc đáo trong văn hóa Bulgaria. Trải nghiệm trượt tuyết trên núi Vitosha cũng là rất thú vị, mang lại cảm giác mới lạ với thiên nhiên Đông Âu hùng vĩ.

Hoạt động trượt tuyết đáng nhớ tại Núi Vitosha
Bảo tàng bà Vanga là một điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Bulgaria

 Trong thời gian tham quan tự do, chúng tôi đã có dịp ghé thăm Nhà thờ Thánh Alexander Nevski – biểu tượng tôn giáo quốc gia, Đại lộ Vitosha – khu phố mua sắm thời thượng, Trung tâm văn hóa Sofia và Nhà hát quốc gia Ivan Vazov – những công trình kiến trúc tiêu biểu phản ánh chiều sâu văn hóa của đất nước này.

Trò chuyện với Lê Huyền Trang, sinh viên lớp QH2021 KTPT 4, Khoa Kinh tế phát triển, lần đầu trải nghiệm study tour, em thích thu chia sẻ: “Trường Đại học Sofia, Bulgaria để lại cho em ấn tượng vô cùng sâu sắc. Tại đây, chúng em được giới thiệu về văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời lắng nghe những chia sẻ thú vị từ các bạn về đất nước và những địa điểm, truyền thống lâu đời tại Bulgaria. Đặc biệt, em rất thích khoảnh khắc các bạn hướng dẫn chúng em một số điệu nhảy truyền thống và cùng nhau làm những chiếc vòng tay may mắn – một nét văn hóa giản dị nhưng vô cùng ấm áp tại Bulgaria”.

Sinh viên Lê Huyền Trang chia sẻ cảm nhận về Đại học Sofia

Ngày thứ sáu trong chuyến đi, chúng tôi đã đặt chân tới Romania, đoàn chúng tôi đến thăm và làm việc với Đại học Bucharest – một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, đóng vai trò trung tâm trong hệ thống giáo dục đại học Romania. Lãnh đạo nhà trường, bao gồm Phó Hiệu trưởng Constantin Vica, cô Rodica Ianole-Calin – Phó Trưởng khoa Kinh tế & Kinh doanh, và cô Alina Cristovici – Giám đốc Quan hệ quốc tế, đã có buổi làm việc hiệu quả cùng đại diện UEB. Hai bên thảo luận về khả năng hợp tác trong các chương trình liên kết đào tạo, cấp học bổng cho sinh viên quốc tế, cũng như trao đổi giảng viên và nghiên cứu khoa học.

Đại diện Đại học Bucharest giao lưu cùng đoàn UEB

Không dừng lại ở đó, đoàn chúng tôi còn có buổi giao lưu với Đại học Romania – Hoa Kỳ (Romania-America University), nơi sinh viên được tiếp cận thêm một mô hình giáo dục quốc tế theo chuẩn Hoa Kỳ đang phát triển mạnh tại Đông Âu. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Romania, Đại sứ Đỗ Đức Thành – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Montenegro và Serbia – đã dành thời gian tiếp đoàn, chia sẻ về vai trò cầu nối của ngoại giao giáo dục trong việc gắn kết các cơ sở đào tạo giữa hai quốc gia, đồng thời động viên sinh viên tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần hội nhập trong môi trường học tập toàn cầu.

Đại sứ Đỗ Đức Thành (đứng giữa) tiếp đón đoàn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Romania

Hình ảnh thủ đô Bucharest, Bulgaria trong tôi hiện lên như một bức tranh sống động giữa truyền thống và hiện đại. Đoàn UEB đã được tham quan Cung điện Quốc hội – tòa nhà lớn thứ hai thế giới, biểu tượng cho một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Romania. Các bạn cũng ghé thăm Bảo tàng dân tộc học Dimitrie Gusti, Bảo tàng mỹ thuật quốc gia, cùng các địa danh nổi bật như Phố cổ Lipscani, Khải hoàn môn Bucharest và Nhà thờ Stavropoleos – nơi bảo tồn kiến trúc Byzantine đặc sắc.

Sinh viên tranh thủ “check-in” tại Khải hoàn môn Bucharest nổi tiếng

Đất nước thứ ba và cũng là đất nước cuối cùng chúng tôi tham quan là Hy Lạp. Tại đây, đoàn đã có các buổi làm việc và giao lưu học thuật tại hai cơ sở giáo dục đại học tiêu biểu. Tại Đại học Aristotle Thessaloniki – đại học công lập lớn nhất Hy Lạp, chúng tôi được tiếp cận mô hình đào tạo đa ngành, thăm quan hệ thống thư viện, phòng thí nghiệm và trao đổi học thuật cùng sinh viên bản địa. Buổi giao lưu không chỉ giúp sinh viên tăng cường khả năng ngoại ngữ, giao tiếp liên văn hóa mà còn mở rộng góc nhìn quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn đang theo học. Chuyến đi thực sự không chỉ giúp các bạn sinh viên mở mang tư duy, mà cả cán bộ chuyên viên như tôi cũng rất hào hứng được học hỏi và phát triển tư duy quốc tế.

Tiếp nối, đoàn đến thăm Đại học Quốc tế Hellenic – nơi được định hướng là đại học quốc tế chuyên biệt của Hy Lạp. Tại đây, đoàn được TS. Antonis Chantziaras và TS. Ioannis Kroustalis giới thiệu mô hình đào tạo liên ngành, các chương trình bằng kép và phương pháp học tập tích hợp kỹ năng. Sinh viên được tham gia một lớp học mô phỏng, từ đó hiểu rõ hơn về phương pháp giảng dạy gắn thực tiễn, tư duy phản biện và giải quyết tình huống – những kỹ năng then chốt trong môi trường làm việc toàn cầu. Buổi làm việc giữa đoàn giảng viên UEB và lãnh đạo nhà trường – gồm GS. Kostas Diamantaras (Phó Hiệu trưởng) và GS. Stergios Leventis (thành viên Ban lãnh đạo) – đã đặt nền móng cho các hợp tác chuyên sâu trong tương lai.
 

Sinh viên tham gia hoạt động tại Đại học quốc tế Hellenic

Hai ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi quay trở lại Bulgaria. Tại đây, đoàn đã có buổi giao lưu cởi mở với Hội Thanh niên – Sinh viên Việt Nam tại Bulgaria, tôi thấy rất vui khi sinh viên UEB có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh để chia sẻ về cuộc sống học tập, qua đó tìm hiểu thêm về cuộc sống học tập và sinh hoạt tại nước ngoài, những khó khăn, thuận lợi cũng như cách xây dựng cộng đồng người Việt gắn bó nơi đất khách. 

Sinh viên UEB chụp hình lưu niệm cùng Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Bulgaria

Đặc biệt, đoàn chúng tôi còn tới thăm trụ sở World Bank tại Bulgaria – nơi chúng tôi được chuyên gia chia sẻ về vai trò của tổ chức tài chính quốc tế trong hỗ trợ phát triển các khu vực chuyển đổi kinh tế như Đông Âu và Đông Nam Á, những điều tôi nghĩ sẽ vô cùng ý nghĩa với các bạn sinh viên UEB. Chuyến tham quan Nhà máy hoa hồng Karlovo và Lâu đài rượu vang Chateau Copsa cũng mang lại cái nhìn thực tế về mô hình sản xuất – kinh doanh đặc trưng của Bulgaria, nơi du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến được kết hợp linh hoạt để tạo nên sản phẩm có giá trị cao trong chuỗi xuất khẩu toàn cầu.

 Sinh viên đã có cơ hội tham quan Nhà máy hoa hồng Karlovo
UEB-ers tại trụ sở tổ chức World Bank

Với tôi, chuyến Study Tour đầu tiên năm 2025 tại 3 quốc gia châu Âu này không đơn thuần là một chuyến đi công tác hay hỗ trợ sinh viên học tập ở nước ngoài. Đó thực sự là một hành trình đặc biệt, nơi tôi được tận mắt chứng kiến sự trưởng thành của các bạn sinh viên qua từng ngày – từ lớp học quốc tế, những cuộc gặp gỡ đối tác, đến những khoảnh khắc tuyệt vời bên khung cảnh châu Âu cổ kính.

Chuyến đi lần này đã tạo nên một cầu nối mạnh mẽ giữa UEB và các đối tác tại châu Âu, không chỉ ở cấp độ hợp tác học thuật mà còn lan tỏa trên cả phương diện văn hóa, ngoại giao và phát triển con người. Cá nhân tôi càng hiểu rõ hơn vai trò của UEB trong việc tổ chức các chương trình trao đổi quốc tế thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho người học.

Hành trình đã kết thúc, nhưng với tôi những kỉ niệm đẹp, những cảm xúc khó quên và giá trị thu nhận được sẽ còn đọng mãi, trở thành một phần ký ức không thể quên của tôi với UEB.

Một số hình ảnh khác của chuyến đi:


Ngọc Anh - UEB Media


Các tin khác