Chuyển đổi số - Cơ hội vô giá và cuối cùng cho sự phát triển

Đây là khẳng định của GS. Hồ Tú Bảo, chuyên gia hàng đầu về kinh tế số trong tọa đàm khoa học “Kinh tế số - Tiếp cận dưới góc nhìn Kinh tế chính trị” diễn ra vào ngày 26/4/2021 tại phòng 801 E4, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.



Kinh tế số là gì? Kinh tế số có những tác động như thế nào trong giai đoạn hiện nay? Những thách thức mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là gì? Đây là những câu hỏi chính được đặt ra trong tọa đàm "Kinh tế số - Tiếp cận dưới góc nhìn Kinh tế chính trị" do Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức. Tọa đàm thu hút được sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Trần Đức Hiệp, Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đặt vấn đề: “Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp Lần thứ tư, các nền kinh tế trong đó có Việt Nam muốn tồn tại thì buộc phải chuyển đổi. Chuyển đổi số nền kinh tế sẽ là bước ngoặt giúp các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đi sau về công nghệ như Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu”, bắt kịp với sự thay đổi nhanh như vũ bão của thế giới hiện nay”.

  PGS.TS. Trần Đức Hiệp - Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị chia sẻ trong buổi tọa đàm

Chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số dựa trên hai nội dung cốt lõi là Dữ liệu và Kết nối. Chuyển đổi số không chỉ là thay đổi và ứng dụng công nghệ mà còn là quá trình tự thay đổi để thích nghi với môi trường số và khai thác cơ hội số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc.

Chuyển đổi số hướng tới ba mục tiêu: Xây dựng chính phủ số, xây dựng xã hội số và xây dựng kinh tế số. Trong đó, thực hiện kinh tế số được coi là lĩnh vực then chốt của sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Theo Rumana Bukht và Richard Heeks, khái niệm kinh tế số bao gồm ba phạm vi là kinh tế số lõi (Core Digital Economy), kinh tế số phạm vi hẹp (Digital Economy) và kinh tế số phạm vi rộng (Digitalised Economy), hay là kinh tế số hóa. Hình sau thể hiện rõ hơn khung khái niệm về kinh tế số:

Nguồn: Rumana Bukht and Richard Heeks. Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy. Paper No. 68, Centre for Development Informatics, Global Development Institute, SEED, 2017.

GS. TS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Giáo Sư tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, cho rằng: “Hiểu đơn giản kinh tế số là làm kinh tế trên môi trường số với các công nghệ số tập trung vào 3 nhóm chính là công nghệ thông tin và truyền thông; các ngành có mô hình kinh doanh gắn với công nghệ số và các ngành truyền thống đang cố gắng bổ sung công nghệ số vào hoạt động”.

Theo Giáo sư, chuyển đổi số không phải là quá trình đơn giản, có thể thực hiện thành công trong thời gian ngắn mà đây phải là một quá trình dài với 3 cấp độ: Số hóa (Digitization); Khai thác (Digitalization); Chuyển đổi (Transformation). Chuyển đổi số là cơ hội vô giá vì bản chất là thay đổi được chính mình và là cơ hội cuối cùng bởi nhiều chục năm mới có một lần, nếu không nắm bắt được cơ hội này thì Việt Nam sẽ gia tăng khoảng cách với các nước phát triển và trở thành nước lạc hậu.

Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên tham gia buổi tọa đàm

Cùng quan điểm với GS.TS Hồ Tú Bảo, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh đến những đặc điểm của kinh tế số: Dựa trên nền tảng số, chủ yếu dựa trên dữ liệu và kết nối; quy mô tăng lên nhanh chóng, số lượng người dùng tăng, giá trị dịch vụ gia tăng; tốc độ của hoạt động kinh tế cao vì dựa trên công nghệ số do đó thường có năng suất cao; có tính hệ thống cao; có thể tạo ra các giá trị từ các nguồn lực mà không thuộc sở hữu của mình và có thể tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Dưới góc độ tiếp cận của khoa học kinh tế chính trị, kinh tế số rõ ràng đang làm thay đổi lực lượng sản xuất: Tư liệu sản xuất chuyển từ vật chất sang phi vật chất, người lao động chuyển thành có kỹ năng và chuyên môn cao hơn, trở thành công dân số và thông tin của cá nhân người lao động cũng trở thành đối tượng để kinh doanh; Làm thay đổi quan hệ sản xuất: ranh giới giữa sở hữu chung và sở hữu riêng bị giảm mạnh và tiến tới bị xóa nhòa trong nền kinh tế chia sẻ; Quan hệ giữa các chủ thể không trực tiếp và ít ràng buộc. Trước những biến đổi đó, phải chăng nhân loại đã sang một trang thời đại kinh tế mới? Bởi “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào?”

Tiếp cận dưới góc độ quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng chuyển đổi số là quá trình khách quan và không thể đảo ngược, cần thực hiện ngay bởi xu thế hiện nay là “Cá nhanh sẽ nuốt cá chậm thay vì cá lớn nuốt cá bé”.

Chuyển đổi số bắt đầu từ Chiến lược. Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang là cơ quan chủ trì thực hiện Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó Bộ đã và đang triển khai có hiệu quả từng bước chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Nhà khoa học đã sẵn sàng, Chính phủ đã sẵn sàng, về phía các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thống đã sẵn sàng chưa? Dưới góc độ tiếp cận của doanh nghiệp, ông Đinh Toàn Thắng, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển và Thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đã có những chia sẻ về bài học thành công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong chuyển đổi số, cùng với những thách thức đang đặt ra với doanh nghiệp trong quá trình này.

 Ông Đinh Toàn Thắng - Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển và Thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Cũng dưới góc độ tiếp cận của doanh nghiệp, Bà Lisa Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Vinasamex đã có những trao đổi thẳng thắn dưới góc độ của doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống như Vinacomex: Chuyển đổi số là cần thiết đối với mọi doanh nghiệp để hướng ra kinh tế thế giới, thách thức với Vinasamex là làm thế nào để thay đổi thói quen sản xuất của nông dân để biến họ thành những nông dân của thời đại số. Câu chuyện thành công của Vinasamex là một ví dụ điển hình cho mô hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống.

Tham gia buổi tọa đàm, đại diện Tập đoàn Ecopark, ông Vũ Mai Phong, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết chính chuyển đổi số đã và đang mang lại những hiệu quả nhìn thấy được tại tổ hợp căn hộ Ecopark. Việc phát triển modul điển hình trong quản lý cư dân, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu của cư dân đã giúp tiết kiệm chi phí nhân công, gia tăng tương tác giữa cư dân và ban quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý cư dân còn giúp doanh nghiệp nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng để triển khai công tác bán hàng phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng.

Những câu chuyện thành công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Vinasamex, Ecopark, Vinacoma… đã cho thấy sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, tham gia nền kinh tế số.

Với sự sẵn sàng của Chính phủ, sự vào cuộc doanh nghiệp, người dân bắt đầu quan tâm đến chuyển đổi số cùng với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyển đổi số ở Việt Nam đã mang lại những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận. Tuy vậy, quá trình này cũng đang thể hiện những mặt trái của nó về văn hóa - xã hội, về an ninh mạng, về tự do cá nhân… Chuyển đổi số trên lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề kinh tế chính trị cần giải quyết để hướng tới một xã hội văn minh và hạnh phúc.


TS. Phạm Thị Linh (Khoa KTCT)