Chuyên gia ĐHKT bàn về Hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ vượt khó Covid, phục hồi và phát triển

Trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ đã có các chính sách hỗ trợ tích cực thì đối tượng sản xuất - kinh doanh là hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn phải tự mình đương đầu với tác động của đại dịch. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, quyết định gói chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng kèm theo nhiều thể chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm hỗ trợ cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ kỳ vọng nó sẽ giúp ích rất nhiều trong giai đoạn phục hồi kinh tế, sản xuất và kinh doanh. 



Theo nhận định của TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nói chung xét về các phương diện như dòng tiền, nhân lực, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và các chi phí ngày càng gia tăng... Đặc biệt các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh là những đối tượng chịu tác động nặng nề. Mặc dù nhóm chủ thể kinh doanh này đã có sự quan tâm của Nhà nước và đưa vào các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh từ giữa năm 2021, tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể để nhóm này được hưởng những hỗ trợ tương đương như doanh nghiệp, hợp tác xã hay người lao động bị ảnh hưởng, trong khi đóng góp của nhóm này cho nền kinh tế là khá lớn. 

Các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch COVID-19 có sự tham gia số lượng lớn của doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh bao gồm: thương mại, bán lẻ, dịch vụ du lịch, dịch vụ ăn uống, kinh doanh nhà trọ/phòng trọ. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng và sự giãn cách xã hội khiến các nhóm kinh doanh này chịu sự bất ổn định lớn nhất (các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn thường có nhà xưởng lớn, do đó khi tổ chức hoạt động trong bối cảnh dịch, họ cũng có điều kiện để có thể thực hiện giãn cách tương đối theo yêu cầu). Một khi bị cụt vốn, mất vốn, mất chuỗi cung ứng thì rất khó để các đối tượng này có thể khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh do tiềm lực/quan hệ hạn chế. Cầu trong nước chưa thực sự phục hồi cũng đang và sẽ còn ảnh hưởng lâu dài tới hộ kinh doanh. Ngoài ra, việc người dân, doanh nghiệp hay hộ kinh doanh có tâm lý sợ rủi ro kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, đổ tiền vào các kênh đầu tư (có thể an toàn hoặc mạo hiểm) cũng dẫn đến hạn chế các nguồn vốn đưa vào kinh doanh.

Tuy nhiên, xét ở mặt khác, TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 thì hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn bởi hình thức hoạt động đơn giản, linh hoạt, nghĩa vụ thuế ở mức thấp. Họ thường chọn thuế khoán để thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động. Chi phí vốn thấp và có khả năng chịu đựng các tác động tiêu cực ở một vài khía cạnh nào đó như thiếu hụt lao động, tạm dừng sản xuất có thể cao hơn (một cách tương đối). Ngoài ra, khả năng linh hoạt chuyển đổi và thích ứng tình hình cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh, thậm chí tạm dừng hoặc giải thể/phá sản ít tốn kém về chi phí.

Chính từ những khó khăn và thực tiễn kinh doanh của nhóm hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế nói chung và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng nửa cuối năm 2021 đã có hướng tích hợp các nội dung chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh (và kể cả hợp tác xã), điển hình nhất là 2 văn bản: Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 105/ NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/ NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 với những mục tiêu có đề cập nhóm hộ kinh doanh, cụ thể: (i) Lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; (ii) Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; (iii) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngay từ đầu năm 2022, để phát triển và phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP 5 năm tới bình quân 6,5-7% một năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép và các cân đối lớn vĩ mô được đảm bảo, Chính phủ đã ban hành gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay gắn với hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành nhằm triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, các mục tiêu hỗ trợ cụ thể gắn với hộ kinh doanh gồm: 

(i) Giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu;

 (ii) Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trục tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm phải ngừng sản xuất - kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; 

(iii) Hỗ trợ lãi suất 0%/năm trong 2 năm 2022 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi tốt.

Trên cơ sở những phân tích trên, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng để hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ trong bối cảnh kinh tế, sản xuất, kinh doanh của nước ta đang trong giai đoạn phục hồi thì điều quan trọng nhất vẫn là các giải pháp vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh theo hướng thích ứng linh hoạt, sống chung và mạnh dạn mở cửa nền kinh tế. Một ví dụ cụ thể để cho thấy giá trị việc bình thường hóa và mạnh dạn mở cửa kinh tế có giá trị như thế nào đối với ngành du lịch, trong 9 ngày Tết (từ ngày 29/1/2022 - 6/2/2022), với việc mở cửa trở lại, ngành du lịch đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Tiếp đó, cần đơn giản hóa và tạo điều kiện về mặt thủ tục để các hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ có thể đáp ứng các điều kiện hưởng các hỗ trợ theo các chính sách trước đây hoặc sắp ban hành. Cần coi họ là chủ thể độc lập trong các mục tiêu/giải pháp để từ đó có những cơ chế đặc thù tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, trục lợi gây khó khăn cản trở các hộ kinh doanh hoạt động minh bạch và công khai; hỗ trợ kỹ thuật cho hộ kinh doanh trong nâng cao chất lượng quản trị/quản lý chuỗi cung ứng/thương hiệu/chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thiết thực cho việc chuyển đổi số, kết nối doanh nghiệp (lập hiệp hội doanh nghiệp riêng nếu cần).

Cuối cùng, để doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh có sức bật phát triển thì nội tại doanh nghiệp cũng cần có những thay đổi về tầm nhìn, chiến lược. Theo diễn giả, trong mọi mô hình kinh doanh từ nhỏ đến lớn, để biến các triết lý, sứ mệnh hay tầm nhìn của người khởi nghiệp thành hiện thực thì đều phải phụ thuộc ba yếu tố quan trọng: Vốn (tài sản), nhân lực và quản trị. Cụ thể: 

(1) Thay đổi trước hết là tư duy quản trị: Kỷ luật (gò mình vào các khuôn khổ quy định pháp luật), Minh bạch (tránh làm ăn gian dối, che giấu, phi chính thức) và Nhân văn (với khách hàng và với người lao động), Tạo ra Uy tín/ Thương hiệu và giữ chân khách hàng/người lao động. 

(2) Tận dụng tối đa các nền tảng số sẵn có nếu chưa có điều kiện tự phát triển hệ thống số hóa hoạt động kinh doanh của riêng bản thân doanh nghiệp. 

(3) Quan tâm đến các trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, đặc biệt chú ý bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua việc đăng ký kinh doanh chính thức và đăng ký lao động chính thức, cũng như nâng cao chất lượng nhân lực (quản trị/quản lý của bản thân và nâng cao trình độ người lao động).

>> Chi tiết xem tại: https://vov1.vov.gov.vn/dong-chay-kinh-te/ho-tro-ho-kinh-doanh-va-doanh-nghiep-sieu-nho-vuot-kho-covid-phuc-hoi-va-phat-t-c19-81327.aspx.

Chương trình được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Ban Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam Chuyên mục: Dòng chảy kinh tế, phát sóng trên kênh VOV1 vào lúc 09h10 và 13h25 thứ Hai ngày 14/02/2022.