Khoa Kế toán Kiểm toán: Xây dựng cộng đồng nghiên cứu và chia sẻ tham vấn chính sách từ chuỗi tọa đàm mang tính thực tiễn

Trong lĩnh vực tài chính kế toán, sự chuyển mình của các chính sách, quy định liên quan tới việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp có thể hội nhập và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa với các thị trường tài chính quốc tế. Để bắt nhịp với những thay đổi đó, trong suốt năm 2021 và đầu năm 2022, Khoa Kế toán và Kiểm toán trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức chuỗi tọa đàm về chính sách tài chính kế toán và thuế dành cho các học viên cao học và những người thực hành nghề kế toán tài chính nhằm xây dựng cộng đồng nghiên cứu và chia sẻ tham vấn chính sách mang tính thực tiễn.



Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, nền kinh tế Việt Nam phải chịu sự chế ước của các quy định chung mang tính quốc tế, đồng thời có sự thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật, tư duy quản lý kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực tài chính kế toán, sự chuyển mình của các chính sách, quy định liên quan tới việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp có thể hội nhập và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa với các thị trường tài chính quốc tế. Để bắt nhịp với những thay đổi đó, trong suốt năm 2021 và đầu năm 2022, Khoa Kế toán và Kiểm toán trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức chuỗi tọa đàm về chính sách tài chính kế toán và thuế dành cho các học viên cao học và những người thực hành nghề kế toán tài chính. Chuỗi tọa đàm được tổ chức định kỳ hàng tháng dưới hình thức trực tuyến, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong nước cũng như quốc tế. 

Khoa Kế toán và Kiểm toán đã và đang tổ chức nhiều tọa đàm về chính sách tài chính kế toán và thuế dành cho các học viên cao học và những người thực hành nghề kế toán tài chính

Chủ đề của các tọa đàm thể hiện sự đa dạng khi trao đổi về những thay đổi liên quan tới chính sách về tài chính, kế toán, kiểm toán, quản trị rủi ro và thuế; được khai thác từ nhiều góc cạnh khác nhau, từ những người xây dựng chính sách, những người hành nghề cho đến các nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Một số tọa đàm thu hút được số lượng lớn người quan tâm như “Lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế”, “Ảnh hưởng của COVID-19 tới kế toán, kiểm toán”, “Management Information Seminar: The Stage of Accounting Practice”, “Quản trị chi phí chiến lược”... 

Dấu ấn tọa đàm nổi bật 

Với chủ đề “Lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế”, tọa đàm thu hút hơn 50 đại biểu tham dự. Diễn giả của buổi tọa đàm là bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước; sáng lập viên Công ty Nguồn lực Việt (Vietsourcing); từng là đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Quốc tế ACCA Anh Quốc nhiệm kỳ 2010-2011; đại diện đầu tiên của Việt Nam tại Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IAFC) và là chuyên gia đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc, giảng dạy trong lĩnh vực kế toán - tài chính - kiểm toán - thuế. Tại tọa đàm, diễn giả Lăng Trịnh Mai Hương đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc vận dụng các quy định mới về xử lý thu nhập chịu thuế. Bà đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các học viên, khách mời về vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về thuế, chuẩn mực kế toán, tối ưu thuế trong doanh nghiệp, từ đó đưa ra những trao đổi xuất phát từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cũng trong tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trưởng Khoa Kế toán Kiểm toán đã chia sẻ kinh nghiệm vận dụng lập kế hoạch thuế và những điểm mới trong tiếp cận xác định lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế tại Việt Nam.

Bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước tại tọa đàm Lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế

Với chủ đề “Ảnh hưởng của COVID-19 tới kế toán, kiểm toán”, chuyên gia Nguyễn Mạnh Hiền đến từ Công ty Kiểm toán An Việt đã chia sẻ các chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như đánh giá các ảnh hưởng của COVID-19 đến kế toán. Chuyên gia cũng chia sẻ về những quy định mới như các quy định của Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) về “Báo cáo của ban giám đốc”, yêu cầu ban giám đốc trình bày các thông tin tổng hợp trong bối cảnh của báo cáo tài chính, đưa ra các nhận xét, cũng như giải thích các mục tiêu và các chiến lược. Từ đó, người sử dụng thông tin trong báo cáo tài chính sẽ hiểu rõ những tác động của COVID-19 và triển vọng của doanh nghiệp. Chuyên gia cũng trao đổi về việc vận dụng một số chuẩn mực trong hệ thống chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế như IFRS 13 “Đo lường giá trị hợp lý”, VAS 23/IAS 10 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán”, Vận dụng VAS 01/IAS 01 “Chuẩn mực chung” hay “Trình bày báo cáo tài chính” liên quan đến sự không chắc chắn trong ước tính kế toán và giả định hoạt động liên tục. Chuyên gia nhấn mạnh việc đánh giá khả năng hoạt động liên tục là báo cáo tất cả các yếu tố không chắc chắn trọng yếu tồn tại tại ngày phê duyệt báo cáo tài chính rõ ràng và súc tích. Ban giám đốc của doanh nghiệp cũng cần trình bày các đánh giá, các giải pháp được thực hiện để giảm thiểu tác động của ảnh hưởng do COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của đơn vị nhằm giúp người đọc báo cáo tài chính hiểu được việc tuân thủ giả định hoạt động liên tục.

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trưởng Khoa Kế toán Kiếm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trao đổi với các diễn giả và học viên tại tọa đàm
Chuỗi tọa đàm do Khoa Kế toán Kiểm toán tổ chức định kỳ hàng tháng dưới hình thức trực tuyến, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong nước cũng như quốc tế

Với chủ đề “Quản trị chi phí chiến lược”, tọa đàm quy tụ hai diễn giả là ông Phan Lê Thành Long – Trưởng đại diện của CMA Australia tại Việt Nam, chuyên gia có trên 20 năm kinh nghiệm trong kiểm toán và tư vấn và TS. Nguyễn Thị Phương Dung, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về kế toán và kiểm toán. Tại tọa đàm, chuyên gia Phan Lê Thành Long chia sẻ về việc ứng dụng Quản trị chi phí theo hoạt động (Activity-based Costing) trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Ông cũng chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên các cuộc tư vấn mà ông đã thực hiện, những rào cản, khó khăn khi triển khai tại các doanh nghiệp như VietinBank, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà hay Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)… Trong đó, ông nhấn mạnh đến nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự tiếp nhận quản trị chi phí theo quá trình hoạt động trong các doanh nghiệp là nhân tố con người. Bên cạnh đó, diễn giả cũng chia sẻ các nguyên tắc quan trọng của quản trị tinh gọn cũng như kinh nghiệm để xây dựng một hệ thống quản trị tinh gọn trong doanh nghiệp… 

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ kinh nghiệm về việc vận dụng các báo cáo quản trị chi phí trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Bà cũng đưa ra các gợi ý nên bắt đầu từ những kỹ thuật kế toán quản trị chi phí hiện đại giúp kế toán viên có thể lập kế hoạch và kiểm soát chi phí trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của một tổ chức, ứng dụng những kỹ thuật đang được áp dụng tại các hãng đa quốc gia trong phân tích dữ liệu ở mọi góc cạnh như marketing, quản trị nhân lực, quản trị rủi ro, thiết lập hệ thống kiểm soát, và kết thúc là các báo cáo quản trị nhắm đến trách nhiệm xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức.

Diễn giả Nguyễn Thị Phương Dung và Phan Lê Thành Long tại tọa đàm “Quản trị chi phí chiến lược”

Các tư vấn chính sách rút ra từ chuỗi tọa đàm

Với các chủ đề đa dạng, các tọa đàm hướng tới một điểm chung đó là đưa ra các đề xuất điều chỉnh hệ thống chính sách, quy định, đồng thời đưa ra những gợi ý trong thực hành nghề kế toán, kiểm toán.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế theo lộ trình do Bộ Tài chính đưa ra. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần lưu ý vận dụng các chuẩn mực liên quan đến ảnh hưởng của COVID-19 đến kế toán và kiểm toán.

Thứ hai, chủ động lên kế hoạch tài chính, kế hoạch thuế hướng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xác định rõ các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn nhằm xác định các chiến lược cũng như ứng phó phù hợp trong môi trường kinh doanh thay đổi. Việc vận dụng các kỹ thuật mới trong kế toán quản trị hoặc các tiếp cận kế toán mới cần hướng đến mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp, phát triển bền vững. Đặc biệt, nhà quản lý và các doanh nghiệp cũng cần xác định cơ chế vận hành, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thứ ba, hướng đến phát triển nền kinh tế số, cần có sự dịch chuyển từ các doanh nghiệp và nhà quản lý trong cách tiếp cận xây dựng chính sách quản lý và điều hành doanh nghiệp. Khi nền kinh tế không dùng tiền mặt ngày càng được mở rộng, các chính sách cần phát triển tương xứng. Đối với doanh nghiệp, hệ thống kế toán của các doanh nghiệp cũng cần tích hợp, đảm bảo hoạt động tối ưu, sử dụng hiệu quả tích hợp các mục tiêu đa chiều của hệ thống thông tin kế toán bao gồm mục tiêu thuế, công bố thông tin cho các đối tượng liên quan. 

Với các chủ đề hấp dẫn, mang tính thực tiễn và sức hút từ các diễn giả uy tín, chuỗi tọa đàm của Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã gặt hái được những thành công và được đánh giá cao từ những người tham gia. Đây chính là điểm khởi đầu để Khoa tiếp tục tiếp nối các thành công và lan tỏa mở rộng cộng đồng nghiên cứu và tham vấn chính sách.


Hồng Thúy


Các tin khác

<12>