Future Now Marketing - Xu hướng công nghệ và tư duy mới trong hoạt động marketing

Nhận thức tầm quan trọng của việc thay đổi và thích nghi trong lĩnh vực marketing, chuỗi sự kiện mang tên “Now Future Marketing” của Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là nơi cung cấp, chia sẻ những thông tin cập nhật nhằm hỗ trợ những người làm marketing và các doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing hiệu quả trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động cũng như sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ. 



Tại Hội thảo với chủ đề “Future Now Marketing - Xu hướng công nghệ và tư duy mới trong hoạt động Marketing” do Viện Quản trị Kinh doanh phối hợp tổ chức cùng các đơn vị gồm Viện Quản trị số, Câu lạc bộ Các giám đốc Sales & Marketing Việt Nam – CSMO, Công ty DeepB, The Light Group, Nef Digital, Cyberlotus, Viện Phát triển Bền vững và Kinh tế số - Học viện Kinh doanh AZ, CLB Sinh viên Marketing Viện Quản trị Kinh doanh vào ngày 27/05/2023, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp, giảng viên, học viên và sinh viên đã cùng trao đổi quan điểm và những câu chuyện thực tiễn xoay quanh các xu hướng công nghệ mới được áp dụng trong lĩnh vực marketing, từ đó xây dựng các giải pháp/kiến nghị nhằm thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động marketing tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, Hội thảo cũng đưa ra một số định hướng cho các nhà hoạch định chính sách về việc ứng dụng và quản lý các công nghệ mới.

Hội thảo khoa học có sự tham gia của diễn giả chính: TS. Hoàng Thị Bảo Thoa - Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh kiêm Giám đốc Đào tạo và Phát triển Dự án, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số; ông Bùi Quý Phong - đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty DeepB, chuyên gia tư vấn chiến lược marketing, thương hiệu và đổi mới sáng tạo, ủy viên Ban Chấp hành Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp VN-VACD; ông Trần Xuân Hà - chuyên gia Fintech; bà Jenny Nguyễn - Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ, Đồng trưởng làng Techfest - Đổi mới sáng tạo quốc gia, Ban Quản trị Cộng đồng OpenAI - Chat GPT VN.

 

Các tư vấn, khuyến nghị chính sách được thảo luận tại Hội thảo

Trong phần chia sẻ về “Hành vi và trải nghiệm khách hàng trong thời kỳ số”, sự thay đổi của hành vi khách hàng, vai trò của khách hàng trong câu chuyện ra quyết định lựa chọn và mua sản phẩm từ thời kỳ Marketing 1.0 cho đến thời kỳ công nghệ số được so sánh và nêu bật. Một mô hình doanh nghiệp có thể sử dụng để tư duy lại về giá trị sản phẩm sẽ được trình bày trong tham luận này, từ đó doanh nghiệp có thể có một bức tranh rõ nét về vai trò và cách thức doanh nghiệp có thể thực hiện để cải tiến hoặc phát triển sản phẩm mới và tạo ra hành trình trải nghiệm khách hàng trong môi trường số. Cũng trong phần tham luận này, 1 case thực tế về cách thức xây dựng hành trình trải nghiệm trong môi trường số cho một sản phẩm hữu hình và một dịch vụ được trình bày để các doanh nghiệp có thể có một góc nhìn mới về tư duy và ứng dụng.

Trong phần tham luận về “Trải nghiệm thương hiệu số”, các diễn giả chỉ ra sự gia tăng và áp dụng rộng rãi của phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi xã hội một cách đáng kể. Chỉ trong vài năm, mạng xã hội đã từ một nền tảng để giới trẻ kết nối với nhau trở thành huyết mạch của người dùng Internet. Phương tiện truyền thông xã hội mang đến cho người dùng tiếng nói, một nền tảng mở nơi họ có thể kết nối, cộng tác và đồng sáng tạo nội dung cho chính họ và những người khác. Phương tiện truyền thông xã hội đã có tác động to lớn đến việc định hình tương lai của văn hóa tiêu dùng.

Hệ quả quan trọng nhất của truyền thông xã hội là sự chuyển dịch quyền lực từ phương tiện truyền thông đại chúng sang các cá nhân. Trên thực tế, phương tiện truyền thông xã hội đã và đang là một lực lượng mạnh mẽ hơn nhiều so với đài phát thanh và truyền hình. Do tính phổ biến của nó, truyền thông xã hội cũng đã ảnh hưởng đến cách các nhà tiếp thị kết nối với người tiêu dùng và ngược lại, cách người tiêu dùng kết nối với các thương hiệu và sản phẩm. 

Trong bối cảnh đó, dữ liệu đã trở thành nguyên liệu, là tài sản quyết định vị trí và lợi thế của các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nó đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và tiếp cận những phương thức cạnh tranh mới nhằm thu hút sự quan tâm và duy trì kết nối với khách hàng. Từ tìm ra thấu cảm (empathy) hay xu hướng tiêu dùng đến cách một trải nghiệm được tạo ra và lan toả cho sản phẩm dịch vụ cũng như sự kết nối trực tiếp, tương tác kịp thời với người dùng hình thành dấu ấn khó phai cho hình ảnh thương hiệ,. và nó đóng vai trò then chốt trong hoạt động chiến lược của doanh nghiệp.

Trong phần “Marketing tương lai”, các xu hướng của marketing trong thời đại số được phân tích theo cả khía cạnh cung cấp thông tin và ứng dụng:

1. Tập trung tại một nền tảng duy nhất: marketing, truyền thông, sale, sản xuất

2. Tích hợp: Đa nền tảng, đa kênh

3. Big data: Dataware house & data cloud

4. AI: Nhận diện chân dung khách hàng (xử lý dữ liệu và đối sánh dữ liệu)

5. Automation marketing

Trong phần “Master AI trong Marketing”, diễn giả chia sẻ thực trạng đáng báo động cho những doanh nghiệp còn đang giậm chân tại chỗ, đứng bên lề sự phát triển như vũ bão của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Marketing là nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh doanh và việc cập xu hướng thị trường marketing là tất yếu. Các bí mật về Master AI trong marketing, các ví dụ thực tiễn về ứng dụng AI như ChatGPT, Google Bard, VoiceChat… cũng được chia sẻ tại Hội thảo.

Sự ra đời của Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (clound), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) được coi là khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ của công nghệ số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xem là kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã góp phần làm cho những quyết định trong lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng trở lên chủ động và quyền lực hơn. Ở kỷ nguyên kỹ thuật số, marketing lấy con người làm trung tâm và người làm marketing bắt buộc phải tiếp cận và sử dụng công nghệ số để tao nên sự kết nối giữa doanh nghiệp với người dùng. Theo triết lý của Philip Kotler, thời đại này là thời đại mà mối quan hệ giữa thương hiệu và người dùng trở nên bình đẳng. Do đó, nó đòi hỏi người làm marketing phải đưa ra chiến lược tập trung về giá trị thương hiệu trước, sau đó biến chúng thành giá trị thị trường.

Nói tóm lại, Hội thảo đã cung cấp nhiều nội dung mới, hấp dẫn. Đồng thời, sự cam kết đồng hành của các chuyên gia, các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị cho những người tham gia. 


Trường Đại học Kinh tế


Các tin khác