FDI trong định hướng phát triển mới của Việt Nam

Đây là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Nhà nước “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới”; Mã số: KX.04.18/21-25, thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025”, Mã số KX.04/21-25. Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu làm rõ những vấn đề nhận thức, lý luận và thực tiễn về khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại, hội nhập quốc tế của Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp chính sách nhằm phát triển khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.



Định hướng phát triển mới

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Các yếu tố được nhấn mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030 gồm có công nghệ - đổi mới sáng tạo, bền vững - môi trường, hội nhập và tự chủ. Điều này được thể hiện thông qua tần suất xuất hiện trong các văn bản, cụ thể, công nghệ xuất hiện 113 lần, môi trường 60 lần, đổi mới sáng tạo 38 lần, hội nhập 30 lần, bền vững 27 lần và tự chủ 16 lần. 

Yếu tố hội nhập và tự chủ được nhấn mạnh trong định hướng phát triển, nhưng vấn đề quan trọng là cần có sự kết hợp giữa hai yếu tố này hướng tới sự phát triển của Việt Nam như thế nào. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tận dụng khá tốt các cơ hội từ hội nhập, thể hiện qua sự phát triển của thương mại quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu, và sự đóng góp lớn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế. Để có thể đạt được các mục tiêu tới năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam cần có những nỗ lực đặc biệt để thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Theo đó, Việt Nam cần quan tâm hơn tới vấn đề phát huy nội lực, đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, nhưng vẫn tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt từ vốn FDI.

Nhận thức về tầm quan trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một động lực quan trọng, mang tính dẫn dắt ở một số ngành mũi nhọn. Có ba nguyên do lý giải tại sao cần tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực FDI. 

Học tập thành công của các nước “đi trước” trong việc tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và mở rộng luồng vốn tài chính từ nước ngoài. Con đường phát triển của Việt Nam là con đường của một nước “đi sau”, do đó Việt nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước công nghiệp mới cũng như bài học thành công của một số nền kinh tế chuyển đổi, trong đó tiêu biểu là Ba Lan. 

Phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước trên cơ sở gắn kết với các MNE, phát triển dựa trên các ngành công nghiệp phụ trợ và gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu. 

Chiến lược mới của Trung Quốc cũng như xu hướng chuyển dịch đầu tư trên thế giới có thể mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút dòng đầu tư chất lượng cao.

>>> NHÀ TƯ VẤN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐHQGHN

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu

TS. Nguyễn Thị Thanh Mai

>>> TOÀN VĂN 

Ấn phẩm Tư vấn Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN