Thực trạng gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam và đề xuất kiến nghị

Gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) luôn là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc gian lận thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu NSNN của chính phủ, thậm chí gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia. Thực trạng này đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối của chính phủ các nước trên thế giới. Mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định trong vấn đề quản lý thuế nhưng qua số liệu thống kê tiền thuế truy thu và phạt do doanh nghiệp khai thiếu thuế trong các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế cho thấy gian lận thuế TNDN ngày càng diễn biến tinh vi và phức tạp. Nhóm nghiên cứu của cô và trò Khoa Kế toán Kiểm toán đã có một số kết luận về nguyên nhân chủ yếu của hành vi trên và đưa ra một số gợi ý chính sách.


THỰC TRẠNG THẤT THU THUẾ TNDN

Tình trạng doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn diễn ra rất phổ biến. Việc quy định xuất hóa đơn kèm hàng bán chưa thực sự là đòi hỏi bắt buộc đối với doanh nghiệp đã tạo ra kẽ hở cho doanh nghiệp kê khai giảm doanh thu bán hàng, từ đó giảm lợi nhuận và tránh được thuế TNDN. Bên cạnh đó, khi xuất hóa đơn, doanh nghiệp kê khai giảm giá trị hàng bán thấp hơn so với giá trị thực tế mà khách hàng thanh toán cũng là hành vi trốn thuế của doanh nghiệp và của chính khách hàng, chủ yếu đối với tài sản có giá trị như ô tô, nhà, đất, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), tổng doanh thu lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ thông tin năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD, năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD và năm 2015 đạt khoảng 6 tỷ USD. Việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông minh và quảng cáo trực tuyến (Google, Yahoo, Bing, YouTube, Facebook…) đã mang lại lợi nhuận “béo bở” cho các ông chủ sở hữu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường không kê khai đủ hoặc kê khai sai thuế GTGT; không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia như Google, Yahoo… có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam. Điều này làm thất thu thuế cho ngân sách, đồng thời gây ra sự thiếu minh bạch, thiếu tính chính xác trong nền kinh tế phát triển bền vững.

Việc các doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liên tiếp để trốn đóng thuế TNDN cũng khá phổ biến, điển hình là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương (một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI) cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006-2013.

Hầu hết các hành vi trốn thuế của doanh nghiệp FDI thực hiện thông qua việc kê khai chi phí đầu vào cao, đặc biệt đối với nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá bán xuất khẩu thấp hơn nhiều, từ đó tạo ra lỗ nhưng thực chất là dòng tiền vẫn chuyển động giữa các công ty thành viên, công ty mẹ - con.

Trong Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2015 được Vietnam Report công bố cho thấy có một nghịch lý là khối doanh nghiệp FDI xuất hiện nhiều nhất (46%) và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam nhưng tỷ lệ đóng góp vào tổng thuế TNDN của toàn bảng chỉ ở mức 37%.

Mặc dù kê khai lỗ nhiều năm nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn tăng cường các chương trình quảng bá, khuyếch trương và mở rộng quy mô kinh doanh. Nhằm ngăn chặn các hiện tượng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều năm liền và có dấu hiệu chuyển giá.

Tình trạng trốn thuế còn diễn ra phổ biến ngay ở các doanh nghiệp trong nước thông qua hình thức thành lập các công ty con, công ty thành viên hoặc mua bán hóa đơn khống từ các doanh nghiệp khác.

Theo Công an Thành phố Hà Nội, năm 2015 đã phát hiện đối tượng thành lập 16 công ty với các ngành nghề khác nhau, thuê in hóa đơn để bán cho hơn 2.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, một điểm đáng chú ý là một số doanh nghiệp có nợ thuế hoặc bị truy thu số thuế lớn thì họ bỏ địa điểm kinh doanh cũ, sau đó thành lập doanh nghiệp khác.

KIẾN NGHỊ

Thứ nhất, tăng cường cả về chất và lượng công tác thanh kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp.

Muốn hạn chế gian lận thì việc đầu tiên là phải tìm ra gian lận: từ chất lượng công tác lập kế hoạch và chuẩn bị cho công tác thanh kiểm tra. Việc lựa chọn đúng đối tượng kiểm tra thuế, từ đó đưa vào kế hoạch kiểm tra có ý nghĩa quan trọng cho giai đoạn tiến hành kiểm tra. Nếu công tác chuẩn bị càng kỹ lưỡng, thu thập được càng nhiều thông tin về đối tượng kiểm tra thì sẽ thu được hiệu quả cao, đồng nghĩa với việc hạn chế gian lận thuế TNDN. Có những doanh nghiệp hàng năm đều mời đơn vị kiểm toán nhưng lại có những doanh nghiệp hàng chục năm không kiểm toán và có thái độ bất hợp tác. Đây là đối tượng mà cơ quan thuế nên đặc biệt quan tâm và thanh tra thường xuyên.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế nên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế tại các doanh nghiệp, phải có các cuộc thanh tra thuế đột xuất và tăng cường việc kiểm tra chéo với các bên thứ ba. Các đơn vị khi đã được kiểm tra rồi thì thường chủ quan là sẽ không kiểm tra lại, do đó nếu thanh tra thuế đột xuất sẽ dễ phát hiện ra các gian lận mà doanh nghiệp cố ý che giấu.

Cơ quan thuế cần tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, các ngành nghề, lĩnh vực thường xảy ra rủi ro lớn, các doanh nghiệp có doanh thu lớn, rủi ro cao qua các hành vi vi phạm thường gặp để đảm bảo tăng thu qua công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng, thực hiện xử lý kịp thời thông tin liên quan đến giao dịch đáng ngờ do cơ quan thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) chuyển đến; thông tin do cơ quan công an, hải quan cung cấp liên quan đến các hiện tượng vi phạm pháp luật thuế và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý thuế; rà soát đối chiếu thông tin về thu nhập từ nước ngoài qua trao đổi thông tin thuế quốc tế với tờ khai thuế trên hệ thống để phát hiện và thực hiện truy thu nếu có.

Trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ kiểm tra thuế càng cao thì chất lượng công tác thanh kiểm tra càng tốt và ngược lại. Cán bộ thanh kiểm tra thuế nếu hiểu biết, nắm rõ các quy định của luật pháp về thuế và các quy định về xử phạt liên quan đến các hành vi trái pháp luật, có trình độ kế toán tốt, có kỹ năng thanh kiểm tra tốt thì hiệu quả công việc càng cao. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc áp dụng hóa đơn điện tử ngày càng rộng rãi ở các doanh nghiệp thì các cán bộ cần trang bị trình độ về công nghệ tin học đủ tốt. Ngoài ra, tính liêm chính, đạo đức của cán bộ thanh kiểm tra là nhân tố quan trọng. Kiểm tra thuế cần phải có bản lĩnh vững vàng, không bị cám dỗ bởi vật chất. Chế độ tiền lương và thu nhập của cán bộ tại các cơ quan thuế cũng là một trong những yếu tố tác động tới tính liêm chính của cán bộ. Chế độ đãi ngộ thỏa đáng sẽ tạo động lực làm việc hiệu quả hơn và ít bị lung lay bởi vật chất hơn. Ngoài ra, các cơ quan thuế cần tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để nâng cao kỹ năng và đạo đức của các cán bộ tại đơn vị.

Thứ hai, quy định về thanh toán từng lần qua ngân hàng.

Chính phủ cần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp, đây là một trong những biện pháp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, ở Việt Nam các ngân hàng đã cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến rất tiện lợi, và các doanh nghiệp cũng đã trang bị đủ cơ sở vật chất để thực hiện các thanh toán qua ngân hàng mà không cần phải trực tiếp đến ngân hàng như trước nữa.

Thứ ba, điều chỉnh tăng mức phạt về hành vi vi phạm không tuân thủ thuế của doanh nghiệp.

Hiện nay ở Việt Nam, mức phạt chỉ dừng ở phạm vi hành chính (mức phạt còn thấp) do chế tài khi vi phạm quy định pháp luật thuế chưa cao, chưa có tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ. Vì thế, Chính phủ cần tăng mức phạt đối với các hành vi gian lận của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào nhiều lần kiểm tra không minh bạch có thể tước giấy phép kinh doanh, nghiêm cấm chủ doanh nghiệp đứng tên bất cứ doanh nghiệp nào khác. Ngoài điều chỉnh tăng mức phạt, Chính phủ nên cho phép công khai tên những doanh nghiệp gian lận từ hai lần trở lên trên trang web của Tổng cục Thuế nhằm răn đe các doanh nghiệp khác, khiến các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc khi đưa ra quyết định gian lận thuế.

Thứ tư, cần điều chỉnh mức thuế suất thuế TNDN một cách hợp lý.

Mức thuế suất TNDN tại Việt Nam vẫn còn khá cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, cần có chính sách thuế hợp lý hơn và giảm thuế theo lộ trình. Đối với các mặt hàng cần khuyến khích sản xuất thì nên giảm thuế, còn đối với mặt hàng nguy hiểm, rủi ro thì phải tăng thuế.

Tên đề tài: Thực trạng gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

Thời gian thực hiện : 12/2019 - 4/2020

Nhóm sinh viên thực hiện: Trần Đình Quân, Đinh Thị Xuân Mai, Nguyễn Thiên Hương - Lớp QH-2017-E Kế toán.

Giảng viên hướng dẫn: TS. Đỗ Kiều Oanh

Đề tài đã bảo vệ tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa Kế toán Kiểm toán năm 2020 và có 1 bài đăng kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Tăng trưởng xanh: Quản trị và phát triển doanh nghiệp” (11/2020)