Chọn lọc dòng FDI chất lượng cao: điều kiện cần và đủ cho Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam bị tác động tiêu cực của đại dịch covid-19, việc thu hút dòng FDI vào Việt Nam vẫn duy trì kết quả khả quan, phản ánh niềm tin của giới đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Trải qua 33 năm thu hút vốn FDI, hiện nay Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong khu vực về lĩnh vực này. Trong giai đoạn tới, Việt Nam xác định cần có sự chọn lọc để nhận dòng vốn chất lượng cao. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhằm thu hút vốn đạt hiệu quả mong muốn.



Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, người có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực đầu tư và thu hút hợp tác quốc tế, để đánh giá được một dự án hoặc một doanh nghiệp có dòng FDI chất lượng cao thì cần làm rõ được hai vấn đề, đó là điều kiện cần và điều kiện đủ để thu hút dòng FDI vào Việt Nam.

Về điều kiện cần, trước hết để đánh giá một dự án hay doanh nghiệp FDI thì cần xem xét hiệu quả kinh tế - xã hội đối với quốc gia, dựa trên ba tiêu chí về phát triển bền vững, bao gồm: hiệu quả về kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả về môi trường. Riêng đối với FDI, trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần có các trọng số theo các hệ tiêu chí khác nhau, trong đó ưu tiên nhấn mạnh hiệu quả kinh tế và hiệu quả về môi trường, thúc đẩy các ngành có tính chất công nghệ cao. Về hiệu quả kinh tế, cần cụ thể hóa các tiêu chí như: giá trị gia tăng, giá trị sử dụng đất đai, đóng góp cho ngân sách nhà nước, định hướng phát triển các ngành công nghệ cao…. Về hiệu quả môi trường, cần ưu tiên bảo vệ môi trường như: giảm lượng khí thải, chất thải, bảo vệ môi trường sống cho người dân, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường…

Về điều kiện đủ, Việt Nam cần đưa ra các chính sách nhằm cạnh tranh với các quốc gia có môi trường đầu tư tương đồng với Việt Nam, trong đó có các nước ASIAN. Các quốc gia này có các điểm đặc thù như: Lực lượng nhân công giá rẻ, thị trường lớn, là điểm đến của các tập đoàn kinh tế, vị trí địa lý gần Trung Quốc - quốc gia cạnh tranh trong thu hút FDI… Ngoài ra, Việt Nam có những lợi thế vượt trội so với ASEAN như Chính phủ đặt quyết tâm cao vào việc cải cách và hoàn thiện thể chế/môi trường kinh doanh, tham gia các hiệp định thương mại tự do… Thực tế trong thời gian vừa qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc thu hút FDI, mặc dù chưa đáp ứng mức kỳ vọng. Nguyên nhân xuất phát từ việc hiện nay có nhiều quy định chồng chéo, thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài, các luật, nghị định chưa rõ ràng…, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Trong bối cảnh đại dịch covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, các chính sách cần tập trung vào những điểm sau: Xem xét lại những ưu đãi đầu tư đối với FDI và những ngành thu hút FDI trong dài hạn, cụ thể hóa các tiêu chí thu hút dòng FDI chất lượng cao, khắc phục những nhược điểm tồn tại, thay đổi sự phân cấp cho các địa phương một cách hợp lý,… Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng đến các tiêu chí như: Thu hút FDI bền vững, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn… Khâu đột phá chiến lược quan trọng nhất là cần cải cách thể chế và thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng. Theo đó, trước mắt cần dựa vào các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do để cụ thể hóa các cam kết đó, sau đó có những cải cách mang tính dài hạn hơn. Cuối cùng, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và khoa học, công nghệ nhằm thu hút dòng FDI chất lượng cao.

Thông tin chi tiết:

Chương trình được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Ban Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam, chuyên mục: Dòng chảy kinh tế, phát sóng trên kênh VOV1.

Link: http://vov1.vov.gov.vn/dong-chay-kinh-te/chon-loc-dong-fdi-chat-luong-dieu-kien-can-va-du-18112020-c19-65236.aspx.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN