1. Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/07/2023 của Chính phủ về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
a) Hiệu lực thi hành:
Nghị định số 48/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/09/2023
b) Nội dung cơ bản:
Theo đó, bổ sung nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức tại Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản (2).
(2) Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
(3) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.
Xem toàn văn: Nghị định số 48/2023/NĐ-CP
2. Thông tư số 15/2023/TT-BGDĐT ngày 09/08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành giáo dục
a) Hiệu lực thi hành:
Thông tư số 15/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 28/09/2023
b) Nội dung cơ bản:
Theo đó, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, năng lực và phẩm chất cá nhân đối với Chuyên viên cao cấp về quản lý chương trình giáo dục như sau:
(1) Yêu cầu về trình độ đào tạo:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo về môn học phù hợp với vị trí công việc được giao;
- Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền.
(2) Yêu cầu về bồi dưỡng, chứng chỉ: Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
(3) Yêu cầu về kinh nghiệm (thành tích công tác):
- Có kinh nghiệm giảng dạy hoặc kinh nghiệm công tác liên quan quản lý chương trình giáo dục;
- Có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng).
Trong thời gian giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương, đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng, đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
(4) Yêu cầu về phẩm chất cá nhân
Xem toàn văn: Thông tư số 15/2023/TT-BGDĐT
3. Thông tư số 13/2023/TT-BNV ngày 31/08/2023 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thủ tục hành chính điện tử
a) Hiệu lực thi hành:
Nghị định số 13/2023/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/10/2023
b) Nội dung cơ bản:
- Đối với hồ sơ thủ tục hành chính điện tử được số hoá tại cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ hoặc được tiếp nhận trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023.
- Đối với hồ sơ thủ tục hành chính được tạo lập điện tử
+ Tài liệu hành chính: định dạng .PDF, phiên bản 1.4 trở lên; tài liệu do cơ quan, tổ chức ban hành bảo đảm thực hiện theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư; tài liệu của cá nhân, doanh nghiệp phải được ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
+ Tài liệu khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Cấu trúc và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư 18/2019/TT-BTTTT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
- Mã hồ sơ lưu trữ thủ tục hành chính điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
+ Mã định danh của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thủ tục hành chính.
+ Ngày, tháng, năm, tiếp nhận.
+ Số thứ tự hồ sơ tiếp nhận trong ngày.
- Cấu trúc mã định danh cơ quan, tổ chức thực hiện theo quy định tại Quyết định 20/2020/QĐ-TTg về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Xem toàn văn: 13/2023/TT-BNV
4. Công văn số 4771/BGDĐT-CNTT ngày 31/08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, CĐS và thống kê giáo dục năm học 2023 - 2024
a) Hiệu lực thi hành:
Công văn số 4771/BGDĐT-CNTT có hiệu lực từ ngày 31/08/2023
b) Nội dung cơ bản:
Theo đó, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu triển khai thực hiện chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục với một số nội dung như sau:
- Tiếp tục triển khai nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% trường học, tối thiểu triển khai các phân hệ: quản lý học sinh (quản lý hồ sơ, kết quả học tập), quản lý đội ngũ cán bộ, quản lý cơ sở vật chất, quản lý thông tin y tế trường học, quản lý thông tin về sức khỏe học sinh, quản lý kế toán; đảm bảo kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu giáo dục địa phương và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
- Triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, ưu tiên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số, khuyến khích áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website của cơ sở giáo dục.
- Xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu theo Thông tư 42/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ như sau:
+ Tổ chức cập nhật dữ liệu trên các hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo yêu cầu của Bộ GDĐT; hoàn thiện dứt điểm việc cập nhật đầy đủ số định danh cá nhân của giáo viên và học sinh; cập nhật đầy đủ kết quả học tập của học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục theo từng kỳ học; đặc biệt, hoàn thiện đầy đủ thông tin của học sinh lớp 12 phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học.
+ Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê giáo dục định kỳ đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cấp Trường, Phòng, Sở GDĐT (kỳ đầu năm học và kỳ cuối năm học) đúng thời hạn, đầy đủ, chính xác nội dung theo quy định tại Thông tư 24/2018/TT-BGDĐT ngày 28/9/2018 về chế độ báo cáo thống kê ngành Giáo dục; Thông tư 19/2020/TT-BGDĐT ngày 29/6/2020 quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GDĐT và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ GDĐT.
Xem toàn văn: Công văn số 4771/BGDĐT-CNTT
5. Công văn số 1489/TB-BGDĐT ngày 08/09/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Theo đó, dự kiến trong tháng 9/2023 sẽ công bố Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với các nội dung cụ thể như:
- Về mục đích Kỳ thi, thời gian thi: Giữ nguyên mục đích, ý nghĩa của Kỳ thi tốt nghiệp THPT như đã nêu trong Dự thảo Phương án đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến xã hội.
- Tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học.
- Hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
- Nội dung thi: Bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của học sinh.
- Phương thức xét tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.
Xem toàn văn: Công văn số 1489/TB-BGDĐT./.