Hội nghị có sự tham dự của đoàn đại biểu của ĐHQGHN: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN, Thành viên Hội đồng Trường ĐHKT, PGS.TS. Đinh Văn Hường - Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN; PGS.TS. Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học Công nghệ; TS. Nguyễn Thị Anh Thu - Trưởng ban Hợp tác và Phát triển; PGS.TS. Phạm Xuân Hoan - Trưởng ban Kế hoạch Tài chính; PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Đào tạo; TS. Trương Việt Hà - Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ; TS. Nguyễn Minh Trường - Phó Trưởng ban Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Trưởng Ban Xây dựng, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN.
Về phía Trường ĐHKT có sự tham dự của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng Trường ĐHKT – ĐHQGHN, các tổ chức đoàn thể cùng viên chức, người lao động của nhà trường.
Hội nghị đã nghe và thảo luận các báo cáo về tổng kết năm học 2021-2022 và kế hoạch nhiệm vụ năm học 2022-2023, Báo cáo thu chi năm 2021, Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết,chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Trường, Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Hội nghị Đại biểu CCVC năm 2021 và những quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Trường, Báo cáo đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc thực hiện kế hoạch công tác năm học 2022-2023, Báo cáo tổng kết phong trào thi đua năm học 2021-2022 và phát động thi đua năm học 2022-2023 của Công đoàn Trường ĐHKT – ĐHQGHN, Báo cáo tổng kết hoạt động thanh tra nhân dân năm học 2021-2022 và chương trình công tác năm học 2022-2023.
Chất lượng đầu vào của sinh viên ở top đầu các trường ĐH phía Bắc
Năm học 2021-2022, Trường ĐHKT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác tuyển sinh bậc đại học (ĐH) và sau đại học (SĐH). Theo đó, tỉ lệ nhập học đại học tại Trường ĐHKT đạt 107,8%. Điểm xét tuyển của phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt top 3 các trường đại học phía Bắc với điểm trung bình/môn là 9,08 điểm. Điểm xét tuyển của phương thức xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá năng lực học sinh THPT ở ĐHQGHN năm 2021 đạt top 2 của ĐHQGHN. Nhà trường đã bước đầu triển khai xây dựng “hệ sinh thái” tuyển sinh sau đại học đến từng khoa/viện trong trường nhằm tạo môi trường tuyển sinh SĐH, hỗ trợ công tác tạo nguồn tuyển sinh SĐH về số lượng và chất lượng; đẩy mạnh hỗ trợ học viên trong quá trình học tập tại Nhà trường.
Phát triển quy mô và chất lượng đào tạo đại học
Nổi bật phải kể đến việc nhà trường đã hoàn thành điều chỉnh và ban hành 07 đề án chương trình đào tạo thạc sĩ, 06 đề án chương trình đào tạo cử nhân theo định mức kinh tế kỹ thuật; hoàn thành xây dựng 01 đề án chương trình đào tạo thạc sĩ Fintech.
Nhà trường đã tích cực và nhanh chóng cải tiến hệ thống, quy trình trong quản trị đại học hiện đại. Theo đó, trong năm học 2021-2022, Trường ĐH Kinh tế thực hiện cải cách hệ thống, quy trình quản lý đào tạo tại Phòng Đào tạo, các Khoa, Viện đào tạo và các đơn vị liên quan, trọng tâm là thay đổi, liên tục cải tiến quy trình quản lý, đột phá ở khâu xây dựng kế hoạch và triển khai ứng dụng thành công một chuỗi các phần mềm, các giải pháp công nghệ vào công tác quản lý đào tạo ĐH và SĐH (phần mềm thi trực tuyến; phần mềm chấm thi, nhập điểm; phần mềm quản lý đào tạo tiến sĩ; phần mềm tra cứu văn bằng; Phần mềm xét tuyển đại học). Công tác quản lý đào tạo trong toàn Trường ĐH Kinh tế đã tăng mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hướng tới hệ thống quản lý đào tạo đại học số.
Hỗ trợ người học toàn diện về kỹ năng, định hướng nghề nghiệp và cơ hội việc làm
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người học trong việc tìm kiếm, khai thác dữ liệu nhà tuyển dụng và các cựu sinh viên là doanh nhân thành đạt để tổ chức các chương trình kỹ năng mềm, hướng nghiệp, trải nghiệm và tuyển dụng tại doanh nghiệp. Nhà trường đã tổ chức thành công chương trình “Ngày hội việc làm - UEB Job Fair 2021” online trong điều kiện dịch Covid diễn biến rất phức tạp, thu hút 16 đơn vị/doanh nghiệp uy tín tham gia.
Hoạt động định hướng nghề nghiệp cho sinh viên được đặc biệt chú trọng và quan tâm. Năm học 2021-2022 Nhà trường đã tổ chức thành công nhiều chương trình hướng nghiệp và trải nghiệm tại doanh nghiệp. Hành trình trải nghiệm doanh nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho các em SV với sự đồng hành của các doanh nghiệp, các CEO, các thầy cô giáo đã mang lại những giá trị giúp tích lũy thêm kiến thức, thái độ trong công việc để đồng hành cùng SV trên con đường sự nghiệp.
Theo kết quả của cuộc điều tra khảo sát trưng cầu ý kiến sinh viên tốt nghiệp năm 2020, có tới hơn 98.5% sinh viên tốt nghiệp tham gia khảo sát có việc làm sau một năm kể từ khi tốt nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy phần đông sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm trong các khu vực tư nhân với 75.3%; khu vực nhà nước là 7.9%; có yếu tố nước ngoài là 14%; tự làm chủ là 2.7%.
Chất lượng quản lý, chuyên môn được khẳng định thông qua kết quả kiểm định trong nước và quốc tế
Năm học 2021-2022 là dấu mốc quan trọng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong công tác Đảm bảo chất lượng khi mà chất lượng quản lý, chuyên môn được khẳng định thông qua kết quả kiểm định trong nước và quốc tế. UEB là cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng (chu kỳ 2) với kết quả công nhận được đánh giá cao; vượt trội so với các cơ sở giáo dục khác. Nhà trường đã tiến hành kiểm định 02 CTĐT chất lượng cao trình độ đại học ngành Quản trị Kinh doanh và Kinh tế quốc tế (với kết quả đánh giá đạt yêu cầu từ 4.0 điểm trở lên của hai CTĐT là 45/50 tiêu chí, chiếm 90%), giúp Trường ĐHKT hoàn thành chỉ tiêu 100% các CTĐT cử nhân đang giảng dạy tại Trường được công nhận đạt chuẩn chất lượng.
Để đáp ứng mục tiêu quốc tế hóa, Nhà trường đã triển khai nhận diện và đánh giá diện rộng toàn bộ các CTĐT của Trường theo bộ tiêu chuẩn ACBSP. Hiện 02 CTĐT cử nhân ngành Kế toán và Tài chính ngân hàng đang thực hiện các nội dung chuyên môn năm thứ hai, 02 CTĐT cử nhân ngành Quản trị kinh doanh và Kinh tế quốc tế đang thực hiện các nội dung chuyên môn năm thứ nhất. Bên cạnh đó, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong dần chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Kiểm định chất lượng.
Đặc biệt, năm 2022, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố kết quả bảng xếp hạng 51 lĩnh vực thuộc 5 nhóm lĩnh vực của 1.543 cơ sở giáo dục đại học thế giới và trong lĩnh vực Kinh doanh & Khoa học Quản lý, ĐHQGHN được thăng hạng lên Top 451 - 500 thế giới. Trường ĐH Kinh tế tiếp tục là đơn vị đóng góp chủ lực vào kết quả này, góp phần nâng cao các chỉ số trong công tác xếp hạng của ĐHQGHN nói chung.
Hoạt động Nghiên cứu khoa học đạt nhiều thành tựu quốc tế
Bài báo quốc tế của Trường ĐHKT tăng cao về số lượng và chất lượng trong năm học vừa qua. Tổng số bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu WoS/SCOPUS là 100 bài. Đặc biệt, 06 giảng viên của trường được Giám đốc ĐHQGHN tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2021. Điều đó cho thấy trong năm học 2021-2022 phong trào nghiên cứu khoa học trong giảng viên, đặc biệt là công bố quốc tế uy tín được tăng mạnh.
Năm học 2021-2022, Trường ĐHKT đã tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế có tiếng vang lớn, trong đó có các hội thảo như: Diễn đàn Kinh tế Việt - Anh, Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam, Chuỗi hội thảo Hội nhập Kinh tế Quốc tế (CIECI 2021)...
Thực hiện định hướng quốc tế hóa giáo dục, Trường ĐHKT luôn chú trọng mở rộng mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế, đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 50 trường đại học có rankings cao trên thế giới như University of Adelaide, Monash University, Latrobe University (Úc), ĐH Quốc gia Chungcheng, Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Đài Loan, ĐH Quốc gia Sun Yat Sen (Đài Loan), ĐH Chiangmai (Thái Lan), ĐH Nam Đan Mạch, ĐH Sofia (Bulgaria)…Trường ĐHKT cũng là đối tác đào tạo trao đổi tín chỉ quốc tế với nhiều trường ĐH uy tín trên thế giới.
Năm 2021-2022, Nhà trường tiếp tục thực hiện các dự án quốc tế trong khuôn khổ tài trợ của Dự án Erasmus châu Âu (Dự án Trust; Dự án EM4FIT trao đổi học thuật nhằm thực hiện dự án về chủ đề quản trị doanh nhân để nâng cao đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao).
Với việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm học 2021-2022, cuộc thi Business Challenges thường niên dành cho sinh viên toàn quốc tiếp tục được nhà trường triển khai mùa thứ 6, quy mô mở rộng cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp uy tín, hàng trăm sinh viên tại Hà Nội và trên cả nước.
Trường ĐHKT là nơi thu hút và hội tụ được nhiều nhân tài với chính sách đãi ngộ tốt
Năm học vừa qua, Trường ĐHKT đã tăng quy mô giảng viên lên 123% so với năm học trước; hầu hết các giảng viên của trường đều tốt nghiệp các đại học hàng đầu tại các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản…, có năng lực tốt về ngoại ngữ và công bố quốc tế. Nhiều giảng viên trẻ có năng lực công bố quốc tế cao, thể hiện thông qua nhiều bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu thế giới.
Trong năm học qua, Trường ĐHKT đã chú trọng điều chỉnh và phát triển cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà trường theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Nhà trường đã xây dựng chính sách thu nhập đãi ngộ người lao động dựa trên cơ sở tăng lương và thu nhập cho viên chức và người lao động, đảm bảo tương xứng với năng suất lao động và mức độ đóng góp của từng cá nhân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của viên chức, người lao động.
Năm học 2021-2022 là dấu mốc quan trọng với Trường ĐHKT trong công tác kế hoạch tài chính với việc nguồn lực tài chính phát triển mạnh và bền vững, tiên phong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính trong các trường đại học thuộc ĐHQGHN. Nhà trường đã hoàn thành xây dựng phương án tự chủ tài chính tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thương xuyên của nhà trường, hoàn thành xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho 06 chương trình đào tạo được kiểm định, đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua và ban hành; triển khai và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thu học phí, quản lý và thanh quyết toán các đề tài NCKH, từ đó công tác kế toán được thực hiện nhanh gọn và khoa học.
Đánh giá cao những thành tựu đạt được trong năm học qua, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN, Thành viên Hội đồng Trường ĐHKT - ĐHQGHN cho biết, Trường ĐHKT là đơn vị luôn đi tiên phong trong các hoạt động của ĐHQGHN. Nổi bật là việc các CTĐT đều được kiểm định trong nước, một số CTĐT đang thực hiện kiểm định ACBSP. Nhà trường cũng tiên phong trong việc áp dụng mô hình quản trị đại học hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, môi trường làm việc năng động, quyết liệt. Để thực hiện thành công các chiến lược phát triển, nhà trường cần tạo môi trường và chính sách cởi mở để thu hút nhân tài, các nhà khoa học xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của UEB nói riêng và ĐHQGHN nói chung.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội nghị, với sự nỗ lực, tâm huyết và đóng góp của toàn thể viên chức, người lao động trong các lĩnh vực, Trường ĐHKT đang ngày càng phát triển, khẳng định được thương hiệu UEB trong nước và quốc tế. Nhà trường đã có nhiều chính sách để giảng viên, người lao động có cơ hội phát triển bản thân, tăng thu nhập, khuyến khích sáng tạo; có các chính sách hỗ trợ tài chính để sinh viên, học viên rộng mở cơ hội học tập (Quỹ hỗ trợ “Đồng hành kiến tạo tương lai” với gói tài trợ vay vốn cho sinh viên đóng học phí tổng trị giá 50 tỷ đồng, các quỹ học bổng khuyến khích học tập, học bổng ngoài ngân sách...); có nhiều đổi mới theo hướng quốc tế trong chương trình, phương pháp đào tạo, hỗ trợ sinh viên, nâng cấp cơ sở vật chất để mang đến môi trường học tập ngày càng chất lượng cho các công dân toàn cầu trong tương lai. Trong năm học tiếp theo, với sự đồng lòng của toàn thể viên chức, người lao động, nhà trường sẽ quyết tâm đạt được những mục tiêu và chiến lược đã đề ra, đưa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB-VNU) ngày một phát triển bền vững.
Ngoài ra, các đại biểu tại hội nghị đã nghe và thảo luận các tham luận về “Tự chủ và đổi mới cơ chế tổ chức” của TS. Hoàng Khắc Lịch – Thư ký Hội đồng Trường, Trưởng phòng TCNS, tham luận “Đẩy mạnh công bố quốc tế” của PGS.TS Nguyễn An Thịnh – Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐHKT – ĐHQGHN.
Một nội dung quan trọng trong Hội nghị là tiến hành Bầu Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2022 - 2024 với chức năng đảm bảo thực hiện quyền giám sát, kiểm tra của viên chức, người lao động trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật, nghị quyết của Hội nghị viên chức, người lao động và những quy định của Nhà trường liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động, của tập thể và Nhà nước.
Tại Hội nghị, tập thể nhà trường và các cá nhân đã vinh dự được nhận các danh hiệu thi đua do đã có những thành tích xuất sắc nổi bật trong quá trình thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng.
Một số hình ảnh tại Hội nghị viên chức, người lao động, Tổng kết và triển khai kế hoạch năm học mới 2022-2023 của Trường ĐHKT - ĐHQGHN:
10 THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐHQGHN NĂM HỌC 2021-2022 - Vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba: Thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cờ thi đua; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Năm thứ 2 liên tiếp Trường ĐHKT dẫn đầu ĐHQGHN về thi đua khen thưởng;
- Bộ nhận diện thương hiệu của Trường ĐHKT và website phiên bản mới được đưa vào vận hành; Chiến lược truyền thông, marketing tuyển sinh hiệu quả góp phần tăng chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế lên trên 245%.
- Nguồn lực tài chính phát triển mạnh và bền vững, tiên phong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính trong các trường đại học thuộc ĐHQGHN (Nguồn thu tăng trên 128%; là một hai trường đầu tiên (Trường ĐHKT, Trường ĐHCN) trong các trường đại học được ĐHQGHN được giao tự chủ 100% chi thường xuyên giai đoạn 2022-2026).
- Chất lượng quản lý, chuyên môn được khẳng định thông qua kết quả kiểm định trong nước và quốc tế (Cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng (chu kỳ 2) với kết quả công nhận được đánh giá cao; 100% các CTĐT cử nhân (đủ điều kiện kiểm định) được công nhận đạt chuẩn chất lượng; Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 kiểm định ACBSP các chương trình đào tạo cử nhân).
- Hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình đào tạo liên kết quốc tế (Đạt 245% tổng chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó cử nhân Troy: 196/90 chỉ tiêu, cử nhân USF: 245/90 chỉ tiêu); Chất lượng tuyển sinh đại học được nâng cao (Điểm trúng tuyển top 3 các trường đào tạo về kinh tế khu vực phía Bắc với điểm trung bình là 9,08; chỉ tiêu nhập học đạt 107,8% chỉ tiêu).
- 100% các chương trình đào tạo cử nhân được điều chỉnh theo định mức kinh tế kỹ thuật; Chủ động ban hành điều chỉnh toàn bộ các chương trình đào tạo sau đại học ngay khi có quy chế đào tạo mới được ban hành.
- Quốc tế hóa các sản phẩm khoa học công nghệ tiếp tục được phát huy (Công bố quốc tế đứng top đầu trong ĐHQGHN thuộc khối xã hội nhân văn; Các hội thảo quốc tế được tổ chức thường xuyên, chuyên nghiệp: Diễn đàn kinh tế thương mại Việt - Anh, Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, Hội thảo thường niên về hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế...).
- Tiên phong đổi mới xây dựng, ban hành chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển hoạt động khoa học công nghệ (Trường ĐHKT đã ban hành và hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển tiềm lực Khoa học công nghệ).
- Tiên phong trong các trường thuộc ĐHQGHN chuyển đổi mô hình tự chủ hướng tới phát triển bền vững (Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2021-2026 được ĐHQGHN phê duyệt, hoàn thiện đề án tổng thể về đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐHKT - ĐHQGHN).
- Không gian, môi trường làm việc và học tập được đồng bộ và hiện đại hóa, tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở vật chất giảng đường cho năm học mới (100% giảng đường, văn phòng làm việc của phòng ban và khoa viện được cải tạo đồng bộ và đẳng cấp; Đưa vào sử dụng khu vực không gian sáng tạo nghệ thuật - tầng 5 E4, phòng sinh hoạt cộng đồng - 803; Triển khai đầu tư mở rộng giảng đường E5…).
|