Sinh viên Trường ĐH Kinh tế tham dự Diễn đàn Quốc tế tại Đức: Nếu UEB cho mình cơ hội – Tại sao mình không tỏa sáng?

UEBers - Minh Khánh và Quỳnh Chi sẽ kể bạn nghe về hành trình trải nghiệm và tỏa sáng tại nước Đức - Xứ sở của những tòa lâu đài –  trong chuyến tham dự Diễn đàn Sinh viên Quốc tế lần thứ 10 (ISF) do Trường Đại học Paderborn tổ chức.



Bước chân ra thế giới rộng lớn để vẫy vùng, để học hỏi, để khám phá… có lẽ là khao khát của nhiều bạn trẻ. Những cơ hội ấy, kiếm tìm nơi đâu? Ngỡ xa mà lại rất gần – Trong chính ngôi trường đại học mà hằng ngày chúng ta gắn bó, nơi truyền thụ tri thức, rèn luyện kỹ năng với những người thầy tâm huyết, những người bạn dễ thương… và cũng là nơi mang tới những chiếc “chìa khóa” để mỗi sinh viên mở cánh cửa bước ra thế giới.

Không chỉ đem đến môi trường năng động, sáng tạo với chương trình học mang tính ứng dụng thực tiễn, đa dạng hoạt động về nghiên cứu học thuật, ngoại khóa bổ ích, sôi động… Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) đang không ngừng đẩy mạnh hợp tác, trao đổi với nhiều trường đại học lớn trên thế giới, tạo môi trường học tập quốc tế, cho sinh viên cơ hội học hỏi, khám phá, giao lưu văn hóa, kiến thức, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ….

Mỗi năm, các hội nghị, diễn đàn, các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế ngắn/dài hạn đều được UEBers “săn đón”, với mong muốn trở thành những “member” tiếp theo trên hành trình trải nghiệm, mở rộng “nhãn quang”, đem hình ảnh sinh viên Việt Nam tài năng đến với bạn bè thế giới.

I. Khi ước mơ gắn liền với mục tiêu và nỗ lực…

Nguyễn Minh Khánh (Lớp QH 2019E KTQT) và Đặng Quỳnh Chi (Lớp QH 2021E KTQT) ngay từ những năm đầu tiên của đại học đã ấp ủ trong mình hoài bão, khát khao được đặt chân đến những vùng trời mới. Để trở thành những “ứng cử viên” sáng giá giành tấm vé đến với Diễn đàn Sinh viên Quốc tế lần thứ 10 (ISF 2022) và Khóa học mùa hè tổ chức tại Trường Đại học Paderborn, Đức, Khánh và Chi đã đưa ra mục tiêu cụ thể và nỗ lực từng ngày trau dồi cho bản thân những kiến thức, kỹ năng, tiếng Anh cùng tâm thế tự tin, năng lượng.

Diễn đàn Sinh viên Quốc tế (International Students Forum - ISF) tạo cơ hội cho sinh viên từ các quốc gia chia sẻ kiến thức và trao đổi quan điểm về các chủ đề thu hút sự quan tâm chung, có tầm quan trọng toàn cầu. ISF được thành lập vào năm 2004, với các thành viên là Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc), Đại học Oita (Nhật Bản), Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc), Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (Việt Nam), và Đại học Paderborn (Đức), và các trường đại học khác với tư cách khách mời.

“Mình có thói quen lập cho bản thân một kế hoạch học tập cụ thể theo lộ trình để có được kết quả học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, mình luôn dành thời gian trống tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường, các câu lạc bộ và nhiều cuộc thi về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp. Thông qua đó, mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm, phát triển tư duy, kỹ năng lãnh đạo, làm việc tập thể, giúp bản thân đổi mới, dần trở nên năng động, tự tin hơn rất nhiều” – Minh Khánh chia sẻ. 

Chính vì sự sôi nổi, nhiệt huyết và biết cách tận dụng tối đa, hiệu quả quỹ thời gian của tuổi trẻ, Khánh đã gặt hái cho mình nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và hoạt động. Cô bạn đạt giải Nhất Nghiên cứu khoa học cấp Trường (2022), Co-Founder sáng lập dự án khởi nghiệp website ứng dụng Du lịch bản địa Bandia the local, Top 20 dự án khởi nghiệp xuất sắc cuộc thi Business Challenges mùa 5... Đây có lẽ chính là bước đệm để Minh Khánh thực hiện mục tiêu lớn hơn – Đại diện trường đại học tham dự các diễn đàn sinh viên quốc tế.

Chia sẻ về lý do lựa chọn chương trình này sau khi tiếp cận thông tin qua email từ Phòng NCKH - HTPT của Nhà trường, Khánh bày tỏ: “Mình vẫn luôn mong muốn được tham gia các chương trình giao lưu quốc tế để mở mang tầm mắt, kết nối với nhiều bạn bè nước ngoài, nhất là khi chương trình đó được tổ chức tại Đức – nơi mà mình đã sinh sống khi còn nhỏ và luôn hy vọng được quay trở lại sau 16 năm. Đó là những lý do thôi thúc mình cố gắng giành được cơ hội quý giá này”.

Nối tiếp những thành tích đáng nể của sinh viên Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế (FIBE) - Khoa có sinh viên đi trao đổi và tham dự các chương trình quốc tế nhiều nhất tại UEB - Đặng Quỳnh Chi (lớp QH-2021-E KTQT) với sự cố gắng, chăm chỉ, quyết tâm cùng cá tính năng động, hoạt bát đã giúp cô bạn thành công rinh “tấm vé” tới Đức tham dự ISF 2022.

Được biết, Quỳnh Chi có thành tích học tập đáng nể với GPA 3.76/4, IELTS 7.0, là một “Scholarship Hunter” khi giành được nhiều học bổng giá trị. Không chỉ có kết quả học tập tốt, Chi còn là thành viên tích cực của nhiều câu lạc bộ, tham gia các hoạt động lớn nhỏ của FIBE và Nhà trường. Chia sẻ về lý do lựa chọn đăng ký tham dự Diễn đàn Sinh viên Quốc tế lần này tại Đức, Quỳnh Chi bày tỏ: “Mình lựa chọn Đức bởi qua tìm hiểu, mình thích văn hóa, phong cảnh, đồ ăn nơi đây… đặc biệt, đây sẽ là cơ hội lớn để mình tiếp xúc với các bạn đến từ nhiều quốc gia, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để hoàn thiện bản thân hơn nữa”.

Chi cũng cho biết, trong quá trình làm visa, bản thân cũng gặp một số khó khăn nhưng luôn có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía Nhà trường, thầy cô và gia đình để mọi việc được diễn ra một cách suôn sẻ nhất.

II. Bước ra trường quốc tế, chúng mình không…. “run”!

Diễn đàn Sinh viên Quốc tế lần thứ 10 tổ chức với mục đích: Tăng cường trao đổi sinh viên giữa các trường đại học tham gia; Xây dựng và phát triển mạng lưới học thuật giữa các trường đại học; Thảo luận về các thách thức và xác định các cơ hội trong toàn cầu hóa, đổi mới và bền vững. Khi tới tham dự, sinh viên từ tất cả các trường đại học phải chuẩn bị một bài thuyết trình với chủ đề: “Globalization, Innovation, and Sustainability: Past, Present, and Future” (Toàn cầu hóa, Đổi mới và Bền vững: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai).

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cùng với các sinh viên của UEB - Minh Khánh (áo be), Quỳnh Chi (áo trắng) tại Diễn đàn SVQT ISF 2022

Có khoảng 30 sinh viên đến từ 5 quốc gia như Trường đại học Paderborn - Đức, Trường đại học Oita - Nhật Bản, Trường đại học Chiang Mai – Thái Lan, Trường đại học Shenzhen - Trung Quốc và Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN –  Việt Nam. “Buổi Hội nghị diễn ra trong không khí sôi nổi nhưng không kém phần trang trọng. Với bầu không khí như vậy, khi đến lượt phần trình bày của nhóm mình, mình cảm thấy hơi hồi hộp một chút, nhưng cảm giác đó biến mất ngay sau khi mình bắt đầu thuyết trình.” – Quỳnh Chi chia sẻ về cảm xúc.

Không gian của buổi hội nghị, nơi các sinh viên từ các trường đại học sẽ lần lượt giới thiệu, thuyết trình bài nghiên cứu của mình 

Đến với diễn đàn này, UEBers đã lựa chọn chủ đề “Impact of EVFTA on Vietnam's import and export”. Đây là một đề tài về EVFTA, nói về xuất nhập khẩu của Việt Nam trước và sau khi Hiệp định này có hiệu lực, từ đó chỉ ra những cơ hội, thách thức trong tương lai. Nhóm đã cùng nhau thảo luận, xây dựng khung đề tài, rồi dựa theo khung để phân chia công việc, tìm kiếm nội dung, tổng hợp, chỉnh sửa và làm powerpoint trình bày. 

Sau khi thuyết trình, một bạn sinh viên Đức đã đặt câu hỏi cho nhóm rằng: Mình chưa bao giờ nghe về EVFTA và cũng chưa từng nghĩ một hiệp định thương mại như thế sẽ ảnh hưởng lớn tới một nước đang phát triển như Việt Nam. Vậy Chính phủ Việt Nam đã làm thế nào để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường? Trước câu hỏi đó, nhóm đã tự tin để giải thích chi tiết về các chính sách của Việt Nam cho các doanh nghiệp non trẻ, cũng như các chính sách để Chính phủ chọn lọc kỹ hơn những doanh nghiệp FDI có ý định thâm nhập vào Việt Nam. 

Minh Khánh bày tỏ sự hài lòng với bài thuyết trình của team: “Cả nhóm đã hoàn thành rất tốt phần trình bày của mình, thậm chí cũng đặt nhiều câu hỏi phản biện cho các sinh viên nước khác. Mặc dù là lần đầu tham dự hội nghị sinh viên quốc tế này, nhưng chúng mình không hề cảm thấy run hay quá lo lắng, ngược lại vô cùng hào hứng, mong đợi”.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tự tin thuyết trình tại Diễn đàn sinh viên Quốc tế ISF 2022

“Các bạn sinh viên tham dự hội nghị đều rất thân thiện, gần gũi và vui vẻ với nhau trước giờ G, tuy nhiên khi bước lên bục thuyết trình, các bạn ấy trở nên nghiêm túc và tự tin. Mình học hỏi được từ các bạn sự hoạt bát, khả năng thuyết trình và giao tiếp tiếng Anh lưu loát. Trong khi trò chuyện với các bạn, mình đã giới thiệu về Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN – một trong những ngôi trường đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam, cũng như chia sẻ với các bạn về ẩm thực ở Hà Nội… các bạn quốc tế vô cùng hứng thú, bày tỏ hy vọng sẽ có dịp đến UEB để giao lưu và trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn tại thủ đô của Việt Nam.” – Quỳnh Chi cho hay.

Với sự thể hiện xuất sắc trong lựa chọn đề tài nghiên cứu, tự tin trong thuyết trình, phản biện, các sinh viên UEB cùng các sinh viên quốc tế tham dự hội nghị đã nhận được giấy chứng nhận từ đơn vị chủ trì – Trường Đại học Paderborn, Đức.

Minh Khánh nhận chứng nhận sau khi tham gia Diễn đàn sinh viên Quốc tế ISF 2022
Quỳnh Chi nhận chứng nhận sau khi tham gia Diễn đàn sinh viên Quốc tế ISF 2022

Bên cạnh hội nghị trao đổi về học thuật, Minh Khánh và Quỳnh Chi cũng được tham gia các hoạt động hấp dẫn khác như: Bữa tiệc giao lưu văn hóa - văn nghệ; Tham quan những địa điểm tuyệt vời tại Düsseldorf - thủ phủ của bang Nordrhein-Westfalen - Trung tâm kinh tế phía Tây của nước Đức: Viện bảo tàng, nhà thờ, khu chợ phố cổ, thưởng thức những món ăn đặc trưng, đậm hương vị “đường phố”…

“Trong tiệc giao lưu, mỗi sinh viên đại diện các quốc gia sẽ có một tiết mục để giới thiệu đến thầy cô và bạn bè quốc tế. Mình ấn tượng nhất với tiết mục của các bạn Nhật Bản khi mặc trang phục truyền thống, nhảy vòng quanh khu tổ chức tiệc. Các bạn ấy đã mời mọi người tham gia nhảy cùng, không khí náo nhiệt, sôi động và tràn ngập tiếng cười. Team UEB chúng mình cũng đã chuẩn bị một tiết mục nhảy và hát, sau đó giới thiệu về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam tới thầy cô, bạn bè quốc tế. Chúng mình cũng đem đến một món quà đặc biệt dành tặng cho các bạn nước ngoài làm kỷ niệm, đó là những con chuồn chuồn tre đậm chất dân gian của nước ta”. – Minh Khánh chia sẻ.

Gương mặt tươi vui, rạng rỡ của các sinh viên và thầy cô tham dự bữa tiệc giao lưu, trong khuôn khổ diễn đàn ISF 2022

Tại bữa tiệc, TS. Nguyễn Quốc Việt đã đại diện đoàn Việt Nam tham dự ISF 2022 gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Paderborn, Đức đã tổ chức một diễn đàn ý nghĩa cho sinh viên quốc tế nói chung, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng đến tham dự, để cùng nhau chia sẻ, học hỏi và hiểu biết thêm về những giá trị, văn hóa, cũng như những kiến thức kinh tế bổ ích.

TS. Nguyễn Quốc Việt cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, những thế hệ sinh viên tiếp theo của UEB sẽ tiếp tục có cơ hội tham gia diễn đàn này, đồng thời qua đó, các trường đại học cũng sẽ gắn kết, phát triển bền chặt hơn mối quan hệ hợp tác.

III. Trải nghiệm đặc biệt trong khóa học mùa hè thú vị

Khóa học mùa hè tiếp tục mang đến nhiều trải nghiệm và kỷ niệm đẹp đối với UEBers. Tại đây, các sinh viên được tham gia một loạt bài giảng về các khía cạnh như ngôn ngữ, lịch sử, kinh tế cấu trúc chính trị, chính sách môi trường và vai trò của Đức - với tư cách là quốc gia thành viên lớn nhất trong Liên minh châu Âu và một trong những nền kinh tế thương mại tích cực nhất. 

“Mình thích nhất là khóa học tiếng Đức và phương pháp giảng dạy của các thầy cô. Thầy cô luôn  chú trọng vào việc tương tác trong lớp, để sinh viên được tự do đưa ra ý kiến cũng như làm việc và thảo luận nhóm, phát huy tối đã năng lực tư duy, mạnh dạn nói lên suy nghĩ, ý kiến của bản thân.” – Quỳnh Chi tâm sự sau khi nhiều trải nghiệm khóa học mùa hè ở Đại học Paderborn.

Quỳnh Chi (áo đen ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng các bạn sinh viên trong khóa học mùa hè thú vị

Chi cũng cho biết, sau khi kết thúc khóa học, bản thân có hiểu biết sâu hơn về Liên minh Châu Âu và nước Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Khóa học giúp cô bạn bước đầu tiếp cận với ngôn ngữ Đức khi có thể nói những câu cơ bản. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm của Chi cũng được cải thiện tích cực.

Khoảnh khắc vui vẻ trong khi họp nhóm, thảo luận và giao lưu cùng các bạn sinh viên quốc tế của Quỳnh chi sau mỗi giờ lên lớp

“Tối qua bạn ngủ có ngon không?” – Có lẽ là câu mà Chi nhớ nhất khi được hỏi về ấn tượng với thầy cô nào trong quá trình tham gia khóa học mùa hè tại Paderborn Uni. Chi tiết lộ, đó là câu hỏi của Giáo sư Stefan Jungblut – Thầy giáo dạy các kiến thức về Liên minh châu Âu và nước Đức vào mỗi buổi sáng khi lên lớp. “Mình cảm nhận được sự tâm huyết của thầy trong giảng dạy, bởi ánh mắt của thầy lúc nào cũng rực sáng, cách thầy truyền tải bài học và các thông điệp luôn cho thấy rõ sự đam mê, tận tâm và yêu nghề. Ngoài ra thầy cũng chu đáo và thân thiện với tất cả sinh viên, đặc biệt, Thầy chia sẻ rằng đã từng đến Việt Nam trước đó, và vô cùng “mê” Phở!” – Quỳnh Chi hào hứng kể.

Quỳnh Chi chụp ảnh cùng Giáo sư Stefan Jungblut, Đại học Paderborn trong khóa học mùa hè

“Chuyến đi để lại cho mình thật nhiều kỷ niệm đẹp, có thêm những người bạn mới, hiểu biết hơn về thế giới bao la rộng lớn, cũng như yêu thích đi du lịch và khám phá hơn. Trong thời gian tới, mình sẽ không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn về lĩnh vực kinh tế, ngoại ngữ hay kỹ năng giao tiếp để tiếp tục thực hiện những chuyến đi quốc tế trong tương lai khi có cơ hội!” – Chi hào hứng bày tỏ niềm hy vọng.

Quỳnh Chi có một khóa học với nhiều trải nghiệm thú vị cùng với những người bạn mới đến từ các quốc gia

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với mạng lưới đối tác hơn 60 trường đại học trên khắp thế giới, không chỉ đem đến một môi trường học tập năng động, sáng tạo, đẳng cấp quốc tế, mà còn tạo ra những cơ hội quý giá các để sinh viên bước ra thế giới, khám phá và hoàn thiện bản thân. 

Bạn đã sẵn sàng trở thành UEBers tiếp theo đến với môi trường học tập đa văn hóa, “tận thu” tri thức và trải nghiệm ở một vùng đất mới hay chưa?

UEB còn rất nhiều “tấm vé” đi tới năm châu đợi sinh viên chinh phục, hãy cứ ước mơ và cố gắng trong học tập, rèn luyện, bạn nhé! “Trái ngọt” sẽ luôn dành tặng cho những nỗ lực xứng đáng!


Ngọc Thúy - UEB Media