Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

R-Talk 5: Xử lý số liệu và cách viết trong NCKH

Tiếp nối các hoạt động nằm trong Dự án Hỗ trợ sinh viên ĐHKT nghiên cứu khoa học (NCKH), chiều 11/3/2014, chương trình R-Talk 5 với chủ đề: “Xử lý số liệu và cách viết trong nghiên cứu khoa học” được tổ chức tại phòng 806VU, Giảng đường Việt Úc, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhóm nghiên cứu sinh viên đến từ các trường khối kinh tế trên địa bàn Hà Nội.

Tới tham dự chương trình R-Talk 5, về phía Trường ĐHKT có chị Trần Thị Thu Hưởng - Phó Bí thư Đoàn Trường ĐHKT, chị Trần Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Trường ĐHKT (CSS), anh Phạm Duy Khánh - Cán bộ CSS; về phía khách mời có sự tham gia của TS. Hoàng Khắc Lịch - Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐHKT và chị Lý Thu Thảo, Giải Nhì Diễn đàn Sinh viên Châu Á năm 2014.

Trong thời lượng của chương trình, TS. Hoàng Khắc Lịch đã chia sẻ và hướng dẫn sinh viên các kỹ thuật quản lý dữ liệu trong phần mềm STATA (phần mềm do StataCorp phát triển, được đánh giá có khả năng xử lý dữ liệu mạnh mẽ và tiện ích vượt trội trong nghiên cứu kinh tế lượng và thống kê). Bên cạnh đó, TS. Hoàng Khắc Lịch còn chia sẻ với sinh viên về những sai lầm thường mắc phải khi trình bày công trình CNKH của mình như sự nhầm lẫn giữa mục đích và mục tiêu, phương pháp nghiên cứu và phương pháp luận, cũng như các lưu ý về mặt hình thức để giúp công trình hoàn thiện hơn. Đây đều là những nội dung rất thiết thực đối với các nhóm nghiên cứu sinh viên trong thời điểm hạn nộp công trình đang tới gần.

Các khách mời trả lời câu hỏi của sinh viên trong phần Q&A

Tiếp nối chương trình, khách mời sinh viên Lý Thu Thảo đã có những chia sẻ  cởi mở với sinh viên về những lưu ý khi xây dựng mục lục, hình thức trích dẫn cũng như những khó khăn mà chị đã gặp phải vào thời điểm này năm trước và không quên dành những lời động viên cho các nhóm nghiên cứu năm nay. Những chia sẻ tâm huyết của hai khách mời thực sự đã truyền cảm hứng và khích lệ rất lớn tinh thần của các nhóm nghiên cứu trong chặng đường còn lại của mùa NCKH năm học 2014-2015.

Như thường lệ, trong phần trao đổi, thảo luận (Q&A) của chương trình R-Talk 5, các câu hỏi của sinh viên đều xoay quanh chủ đề của chương trình như việc trình tự xử lý dữ liệu, trích dẫn trong nghiên cứu, cách viết trong các chương… đã được các khách mời giải đáp chi tiết. Do thời lượng chương trình có hạn nên các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp trong chương trình sẽ được RCES trả lời thông qua hộp thư hỗ trợ trực tuyến đồng hành cùng mùa nghiên cứu năm nay (rces.info@gmail.com).

Chia sẻ về cảm nhận của mình, sinh viên Nguyễn Thị Bích (QH-2013-E-KTPT) cho biết: “Đây là năm đầu tiên mình thực hiện NCKH, do vậy mình đã gặp phải một số khó khăn trong việc xử lý số liệu và chạy mô hình định lượng. Tuy nhiên, sau chương trình, mình nghĩ nhóm mình đã có thể tự tin hơn trong việc giải quyết vấn đề này, cũng như sẵn sàng bắt tay vào viết công trình. Mình thấy chương trình R-Talk 5 hôm nay rất bổ ích, hy vọng RCES sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình R-Talk tiếp theo trong thời gian tới”.

Các khách mời chụp ảnh kỷ niệm với sinh viên

Chỉ còn hơn một tháng nữa vòng bảo vệ công trình của 6 khoa Trường ĐHKT sẽ diễn ra. Để giúp các nhóm nghiên cứu sinh viên chuẩn bị tốt nhất cho vòng báo cáo này, Cộng đồng sinh viên kinh tế NCKH (RCES) và Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên (CSS) sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức chương trình R-Talk 6 với chủ đề “Hiệu chỉnh và báo cáo công trình” và chương trình "DEFENSE TRIAL 2015 - Bảo vệ thử công trình trước mùa báo cáo NCKH năm 2015" vào đầu tháng 4/2015. Để theo dõi các thông tin mới nhất về các chương trình của dự án, vui lòng truy cập tại địa chỉ: http://facebook.com/RCES.info.
____________________

Thông tin liên quan:

- R-Talk 1:Khởi động Dự án Hỗ trợ sinh viên kinh tế NCKH
- R-Talk 2: NCKH sinh viên - Những bước đi đầu tiên!
- R-Talk 3:
Tiếp tục đồng hành cùng sinh viên ĐHKT
- R-Talk 4: Webinar R -Talk 4: NCKHSV - Bước tiếp con đường


Thanh Quyên - Minh Tuyết (RCES)

FullName Email
Address Security code IERHEN
Content