Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Tọa đàm Hoá giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (thứ 2, từ trái sang phải) tham dự Tọa đàm trực tuyến
Chiều ngày 22/1/2015, Tọa đàm trực tuyến “Hóa giải thách thức từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN” đã được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã được mời tham dự với tư cách là chuyên gia kinh tế.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 nhằm tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có kỹ năng. Bốn trụ cột của AEC bao gồm: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Một khu vực phát triển kinh tế đồng đều; và Một khu vực hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.

Cùng với các cơ hội, Việt Nam cũng gặp phải không ít những thách thức như hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN với mẫu mã phong phú, đa dạng, chất lượng tốt; lao động kỹ thuật cao; dịch vụ thương mại phong phú, giá rẻ... Nếu không có sự đầu tư, đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh thì Việt Nam sẽ có nguy cơ trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hoá cho các nước trong khu vực.

Tham gia AEC, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều bước chuẩn bị tốt để hội nhập xét theo biểu đánh giá hội nhập của ASEAN (ASEAN Scorecard). Trao đổi về sự chuẩn bị của Việt Nam trong việc tham gia vào AEC, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trên thang điểm 10 thì sự chuẩn bị phần vĩ mô đạt trên 5 điểm, trong khi đó sự chuẩn bị của doanh nghiệp chỉ ở mức dưới 5 điểm.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhận định: “Theo đánh giá của chúng tôi, các cơ quan, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, trong việc chuẩn bị cho hội nhập, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự nhuần nhuyễn”.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng dù đã muộn nhưng cần phải tuyên truyền, cảnh báo để doanh nghiệp nhận thức rõ những thách thức trước mắt, nhắc nhở các doanh nghiệp về việc hội nhập đã cận kề. Tham gia vào AEC cũng sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. "Cạnh tranh cao cũng tạo ra cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp thay đổi nhận thức, nếu được chuẩn bị tốt thì khả năng hội nhập sẽ mạnh mẽ hơn" PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.

Đánh giá về những cơ hội, thách thức khi gia nhập AEC, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hàng hóa, dịch vụ, công nghệ của các nước ASEAN có chất lượng cao hơn so với trong nước. Việt Nam có ít kinh nghiệm và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp cho hội nhập chưa cao, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đang phải cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức do bất ổn kinh tế vĩ mô trong những năm trước. Ngành chịu sự cạnh tranh mạnh nhất là lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng. Một ví dụ cụ thể là hiện nay một số doanh nghiệp của Thái Lan đã và đang tiếp cận mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu của Việt Nam lại đang có xu hướng dùng nhiều hàng ngoại hơn. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh về di chuyển lao động chất lượng, lao động có kỹ năng dẫn đến nguy cơ chảy máu chất xám…

Đặc biệt, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng nhấn mạnh đến thách thức bắt nguồn từ các nước ASEAN+ và dẫn ra ví dụ về trường hợp một doanh nghiệp cao su tại Đà Nẵng cho rằng họ không sợ cạnh tranh với các nước ASEAN mà sợ các nước ASEAN+. Như vậy, tham gia vào AEC sẽ mang đến cho Việt Nam cả những cơ hội và thách thức.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực hội nhập kinh tế khu vực ASEAN và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Phần trao đổi của ông tại diễn đàn đã nhận được sự quan tâm và trao đổi của nhiều bạn đọc và các cơ quan báo chí. Chi tiết xem thêm tại:

- Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Hoá giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN
- Thời báo kinh tế Sài Gòn Online:
Khoảng 80% doanh nghiệp không biết gì về AEC
- Báo An Giang:
Việt Nam đã sẵn sàng để tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN
- Báo Công thương:
Chuẩn bị gì cho doanh nghiệp tham gia AEC?

- Báo Dân trí:
Cộng đồng AEC: Nhà nước cần nhưng doanh nghiệp chưa vội
- Báo Tuổi trẻ:
Hoá giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN
- Diễn đàn cạnh tranh quốc gia:
“Cơ hội lớn nhất và quyết định là cơ hội cải cách”
- Báo Kinh tế và dự báo: 80% doanh nghiệp Việt Nam thờ ơ với hội nhập
- Báo Doanh nhân Sài Gòn online:  Gia nhập AEC: Cơ hội lớn, thách thức nhiều
- Báo Dân trí: Cộng đồng AEC: Nhà nước cần nhưng doanh nghiệp chưa vội


Nguyễn - Anh (tổng hợp)

FullName Email
Address Security code EUBHAA
Content