Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Không nên coi nhẹ công bố trong nước

Tạp chí Khoa học của ĐHQGHN
Các bài báo được công bố trên các các tạp chí quốc tế uy tín, có hệ số ảnh hưởng cao là các bài báo có chất lượng, có phát hiện quan trọng, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta coi nhẹ việc xuất bản ở các tạp chí Việt Nam, cần có đánh giá công bằng với tất cả công bố trên tất cả các loại tạp chí, không tuyệt đối hóa tạp chí ISI, Scopus và quốc tế. Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN xin giới thiệu bài viết của Phó Giám đốc ĐHQGHN GS.TS Nguyễn Hữu Đức về vấn đề này.

Chỉ số ảnh hưởng của tạp chí hay số trích dẫn của bài báo
Bắt đầu từ thiên niên kỷ mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản trực tuyến, bộ môn trắc nghiệm khoa học (scientometrics) đã đưa ra được một số khái niệm và chỉ số mới hỗ trợ cho cộng đồng khoa học và các nhà quản lý có các phương pháp đo lường, đánh giá năng suất và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, các bảng xếp hạng uy tín của tạp chí (Journals Impact Factors, Scimago…), xếp hạng của các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học (Scimago, ARWU, THE, QS…) cũng được công bố hàng năm. Theo xu thế chung của thế giới, cộng đồng khoa học nước ta cũng đã từng bước hội nhập. Bắt đầu từ việc khuyến khích công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI, Scopus; đến việc sử dụng chỉ số ảnh hưởng của tạp chí (Impact Factor – IF) và phân nhóm Q1-Q4 cho các tạp chí để đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu, để xét giải thưởng; và cả việc sử dụng chỉ số h-index để đánh giá uy tín nhà khoa học… Các cách tiếp cận trên đều dựa trên một chỉ số cơ bản – số lần một bài báo được trích dẫn (cited times). Chất lượng bài báo là nền tảng, làm nên chất lượng của tạp chí, uy tín của cá nhân, tập thể… Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập hiện nay, các tiêu chí đôi lúc đang được vận dụng một cách phân khúc và hướng ngoại một chiều. Uy tín bài báo nhiều khi chỉ được đánh giá đơn giản bằng IF của tạp chí nước ngoài, "thơm lây" theo uy tín của tạp chí. Trong lúc chưa có giải pháp giải quyết triệt để bất cập này, một vấn đề khác đã đặt ra là liệu các bài báo cùng có một số lượng trích dẫn như nhau, nhưng được đăng từ tạp chí trong nước có đáng ghi nhận và khích lệ không?

Nghịch lý của chỉ số ảnh hưởng của tạp chí và số trích dẫn của bài báo

Trong suy nghĩ của mọi người, các bài báo được công bố trên các các tạp chí uy tín, có IF cao là các bài báo có chất lượng, có phát hiện quan trọng. Về cơ bản thì điều này không sai, vì các tạp chí ấy có hệ thống phản biện là các chuyên gia khoa học hàng đầu thế giới, trình độ chuyên môn xuất sắc, thông tin cập nhật, đặc biệt có trách nhiệm xã hội và đạo đức khoa học rất cao. Họ có đủ khả năng để đánh giá tính mới và giá trị khoa học của công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, các ví dụ thống kê sau đây từ nguồn Scopus cho thấy một nghịch lý rất đáng xem xét.

Tạp chí Nature (và Nature group) là hệ thống tạp chí có uy tín hàng đầu. IF có thể lên đến 38-40, nhưng thống kê cho thấy: năm 2010, hệ thống tạp chí này xuất bản 5.494 bài báo nghiên cứu (article), bài báo có trích dẫn cao nhất lên đến 3.969 lần. Tuy nhiên, số lượng bài có số lượng trích dẫn dưới 6 lần trong vòng hơn 6 năm qua có đến 2000 bài, trong đó có 1.340 bài không được trích dẫn lần nào. Cũng trong năm 2010, Tạp chí Physical Review B cũng xuất bản 6.072 bài nghiên cứu. Bài có số trích dẫn cao nhất là 789 lần, nhưng cũng có 200 bài không có trích dẫn nào. Còn số bài có trích dẫn dưới 6 lần cũng chiếm đến 1250 bài. Số liệu thống kê cho tác giả của bài báo này cho thấy có 112 bài báo từ nguồn ISI/Scopus, trong đó vẫn có 11 bài vẫn chưa được ai trích dẫn, dù các bài đó đều đăng ở các tạp chí có IF trong khoảng 2-3 cả.

Cần quan tâm đến chỉ số trích dẫn của bài báo và có đánh giá công bằng với tất cả công bố trên tất cả các loại tạp chí, không tuyệt đối hóa tạp chí ISI, Scopus và quốc tế. Việc trích dẫn minh bạch của cộng đồng bao giờ cũng đem lại các đánh giá phù hợp cho giá trị khoa học của công trình.

Tình trạng này thật ra rất khó tránh khỏi vì phản biện các công trình nghiên cứu khoa học rất khó khăn, còn phải được kiểm nghiệm bởi thực tiễn và đặc biệt chịu thách thức bởi một nghịch lý khác: kết quả nghiên cứu nếu được cho là mới thì vấn đề đúng sai và tầm ảnh hưởng của nó chưa ai biết chắc. Ngược lại, nếu quả quyết kết quả ấy là đúng, là quan trọng thì cũng có nghĩa là vấn đề phát hiện ấy đã cũ. Nói như vậy để chúng ta cẩn trọng khi nhận xét, đánh giá các công trình khoa học và việc bài báo được nhận đăng mới chỉ là vòng thẩm định đầu tiên.

Trích dẫn của các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học của Việt Nam

ĐHQGHN vừa vận hành hệ thống V-CitationGate (Vietnam Citation Gateway - https://vcgate.vnu.edu.vn/). Hệ thống này là cơ sở dữ liệu (CSDL) các bài báo đăng trên các tạp chí của Việt Nam. Thống kê chỉ số trích dẫn đầu tiên cho 52 tạp chí có trang web chuẩn mực cho thấy trong giai đoạn 2006-2016 có tổng số 24.228 bài báo với tổng cộng 7.126 lần trích dẫn. Trong đó, số trích dẫn từ các tạp chí trong nước chỉ có 729 lần, còn lại là trích dẫn từ các tạp chí quốc tế. Đặc biệt, số trích dẫn từ các tạp chí ISI/Scopus là 3378 (chiếm 48%), xem bảng 1. Như vậy, có thể thấy là một số tạp chí của Việt Nam đã thu hút, tuyển chọn và công bố được khá nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng, được công đồng khoa học quan tâm và trích dẫn nhiều. 14 tạp chí đã có các bài được trích dẫn trên 10 lần. Trong đó có bài báo "Silver nanoparticles: synthesis, properties, toxicology, applications and perspectives" của nhóm tác giả Trần Quang Huy đăng trên tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology có 257 trích dẫn. Hoặc nữa, bài báo "Nonlinear postbuckling of eccentrically stiffened functionally graded plates and shallow shells" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương đăng trên tạp chí Vietnam Journal of Mechanics có 40 lần trích dẫn và bài báo "Qualification and optimality conditions for dc programs with infinite constraints" của tác giả N. Dinh và đồng nghiệp đăng trên tạp chí Acta Mathematica Vietnamica cũng có tới 38 lần trích dẫn…

 
Chỉ số trích dẫn của một số tạp chí Việt Nam giai đoạn 2006-2016 

Tiếc rằng, thông tin về các trích dẫn như vậy cho các tạp chí Việt Nam rất ít được quan tâm và nếu có (như được đưa ra ở đây) thì sẽ được đối xử ra sao? Bài báo có 40 lần trích dẫn của Tạp chí Cơ học Việt Nam sẽ được so sánh thế nào với bài báo đăng trên tạp chí Nature hoặc các tạp chí khác nhưng không có trích dẫn nào?

Một lời kết mở

Các công trình khoa học cần được đánh giá một cách đầy đủ cả theo phương pháp chuyên gia và phương pháp trắc lượng. Trong đó, phương pháp trắc lượng phải tích hợp đầy đủ các thông số về cả uy tín của tạp chí và tầm ảnh hưởng của công trình. Không nên trao gửi tất cả cho IF mà phải xác định chỉ số trích dẫn của bài báo là một chỉ báo quan trọng. Trong quá trình hội nhập quốc tế về xuất bản, chỉ số IF là một thước đo đầu tiên, cần khuyến khích và phát triển. Tuy nhiên, về tổng thể cần quan tâm đến chỉ số trích dẫn của bài báo và có đánh giá công bằng với tất cả công bố trên tất cả các loại tạp chí, không tuyệt đối hóa tạp chí ISI, Scopus và quốc tế. Việc trích dẫn minh bạch của cộng đồng bao giờ cũng đem lại các đánh giá phù hợp cho giá trị khoa học của công trình. Quan điểm như vậy cũng sẽ tạo điều kiện để phát triển các tạp chí trong nước.

Cộng đồng khoa học là những người vừa được tiếp cận với kết quả mới, vừa là người nhận xét và sử dụng. Chính cộng đồng này sẽ hưởng ứng (trích dẫn) với kết quả đó hay cho bài báo đó vào quên lãng.

Trong thế giới số, các xuất bản online, nhất là các tạp chí có quyền truy cập mở (open access) đang có lợi thế lớn trong việc gia tăng số lượng đọc giả. Chính các đọc giả có trình độ chuyên môn cao, đang trực tiếp nghiên cứu trong lĩnh vực đó là các phản biện uy tín nhất. Theo cách đó, đã bắt đầu xuất hiện xu hướng các nhà khoa học coi website cá nhân là các tạp chí riêng để tự xuất bản công trình nghiên cứu của mình trên đó, công bố nhanh nhất kết quả nghiên cứu của mình đến với cộng đồng. Lúc đó, cộng đồng khoa học là những người vừa được tiếp cận với kết quả mới, vừa là người nhận xét và sử dụng. Chính cộng đồng này sẽ hưởng ứng (trích dẫn) với kết quả đó hay cho bài báo đó vào quên lãng.

 
Để công bằng với các bài báo xuất bản trên các tạp chí trong nước, một mặt các tạp chí phải thực hiện việc xuất bản online thật chuyên nghiệp để bài báo không những được nhận diện trực tiếp của đọc giả mà còn phải được nhận diện cả về kỹ thuật (index, DOI…). Mặt khác cũng cần phát triển bộ môn trắc nghiệm khoa học (bibliometrics hoặc/và scientometrics) có đủ khả năng phân tích các chỉ số trích dẫn cho các bài báo đó, không để khoa học Việt Nam "áo gấm đi đêm" mãi. Hệ thống V-CitationGate đang tiên phong thực hiện sứ mệnh đó. Rất mong sự chia sẻ và ủng hộ của cộng đồng khoa học Việt Nam. 

Phó Giám đốc ĐHQGHN GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Tạp chí Tia sáng

FullName Email
Address Security code KSISFP
Content