Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Sát sao và tỉnh táo

TS. Nguyễn Đức Thành
Việc giá xăng tăng, giá điện tăng, chỉ số lạm phát tháng 2 tăng cao, xấp xỉ 2%... khiến lạm phát cao có nguy cơ quay trở lại. Lạm phát tăng trở lại thì gây khó khăn cho môi trường kinh doanh, khó khăn cho những nhà hoạch định và điều hành chính sách. Bởi vậy, đòi hỏi phải có sự điều hành sát sao và tỉnh táo hơn nữa. Chúng tôi đã trao đổi với Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành về vấn đề này.

- Giá điện, giá xăng tăng có tác động đến lạm phát hay không, thưa Ông?
- Đây là các mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với người dân và doanh nghiệp. Vì vậy phải thận trọng khi tăng giá. Thời gian qua, mặc dù lạm phát cao nhưng giá điện không biến động mạnh. Tuy nhiên, không thể không tăng giá điện, nếu tất cả các yếu tố giá cứ từ từ tăng trong nhiều năm qua. Theo tôi, trong năm nay, giá điện khó có thể tránh khỏi không tăng giá, và tăng vào thời điểm hiện nay, khi lạm phát chưa lộ ra thì sẽ có lợi. Khoảng độ giữa năm 2010 hoặc cuối tháng 9, lúc đó lạm phát tích lũy đã khá cao rồi thì việc tăng giá điện có thể sẽ có rủi ro do sự khuếch đại từ yếu tố tâm lý.
- Xăng tăng giá, rồi giá điện cũng sẽ tăng, cộng với việc nới lỏng tỷ giá và các tác động của các chính sách tài khóa tiền tệ kích thích trong năm ngoái... Ông có lo ngại rằng các yếu tố này rất có thể cộng hưởng khiến lạm phát tăng cao ngay từ giữa năm hay không?
- Đó là một khó khăn của kinh tế vĩ mô. Về chỉ tiêu này, nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô năm ngoái - khá ổn. Còn năm nay sẽ có những sự tích tụ của chính sách tín dụng nới lỏng của năm trước và vì thế phải thắt chặt tín dụng như hiện nay. Nhưng cái giá của sự thắt chặt là lãi suất cao, môi trường kinh doanh khốc liệt. Thời điểm này, khi đã qua được giai đoạn khó khăn thì đã đến lúc phải để một số mặt hàng quan trọng tăng giá theo khuynh hướng chung, vì các mặt hàng này phải kìm nén để bình ổn kinh tế vĩ mô trong một thời gian dài. Các mặt hàng trước đây chưa tăng giá thì bây giờ tăng. Cộng với các yếu tố tăng giá khác sẽ tạo sự cộng hưởng khiến lạm phát năm nay sẽ không thấp hơn so với năm ngoái. Đó là một bất lợi. Kiềm chế được lạm phát bằng năm trước hoặc thấp hơn là lý tưởng. Lạm phát tăng trở lại thì gây khó khăn cho môi trường kinh doanh, khó khăn cho những nhà hoạch định và điều hành chính sách. Bởi vậy, đòi hỏi phải có sự điều hành sát sao và tỉnh táo hơn nữa.
- Theo Ông, năm nay cách thức triển khai các biện pháp ngăn chặn lạm phát nên như thế nào?
- Cuối năm trước và đầu năm nay, tỷ giá tăng lên, giá xăng tăng, giá điện cũng sẽ tăng. Đây là thời điểm giới chính sách tranh thủ các dư địa trong lĩnh vực của mình. Bởi mức giá chung chưa tăng trở lại, ai cũng muốn chiếm lĩnh phần dư địa còn lại để không gặp phản ứng gay gắt của xã hội. Năm nay thì các dư địa để đưa ra các chính sách không còn nhiều. Chúng ta phải đối mặt với thâm hụt ngân sách; tích lũy nợ để tài trợ ngân sách trong khi lãi suất cao sẽ bất lợi. Có nghĩa là chi phí cho chính sách lúc này rất là cao. Đến thời điểm này, khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cũng rất khó bởi vì lãi suất đã cao rồi.
- Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng khoảng 3%, mà mục tiêu QH đề ra là 7%. Điều này cho thấy những tháng còn lại cuối năm nay sẽ là những tháng khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát phải không, thưa Ông?
- 7% là mức mà chúng ta mong muốn trong bối cảnh hiện nay để ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên nhìn vào thực trạng của nền kinh tế như thế này thì rất có thể đến hếát quý I lạm phát đã chiếm đến một nửa chỉ tiêu lạm phát năm nay. Việc kiểm soát lạm phát ở 3 quý sau sẽ rất khó. Lạm phát là biến động, rất nhạy cảm và có thể dao động, tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn. Nó phụ thuộc vào tương tác giữa xã hội với các chính sách của nền kinh tế. Tôi cho rằng mức cơ bản của lạm phát năm nay sẽ dao động ở mức 10% (chưa có yếu tố tâm lý khuếch đại lên). Còn sai số do tâm lý thì khó nói trước.
- Lạm phát theo tâm lý hay tình trạng nâng giá “tát nước theo mưa”- điều này chúng ta nói rất nhiều nhưng giải quyết rất khó, thưa Ông?
- Yếu tố tâm lý trong kinh tế thị trường, về cơ bản là không kiểm soát được. Nhưng không phải ai cũng tăng giá được. Có rất nhiều doanh nghiệp, nhiều người kinh doanh rất sợ tăng giá, vì tăng giá lên có thể mất khách hàng - đó là những doanh nghiệp không có quyền lực thị trường. Còn những doanh nghiệp có quyền lực thị trường thì có điều kiện làm điều đó và đấy chính là những người tát nước theo mưa. Trong điều kiện như vậy thì những doanh nghiệp có điều kiện thị trường cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Và chúng ta phải nhìn nhận rằng, đây là vấn đề mang tính chất cấu trúc của thị trường. Việc giám sát cũng chỉ mang tính chất là tạm thời, tâm lý và là ngắn hạn. Còn thực chất để giải quyết bền vững thì phải tác động đến cấu trúc của ngành đó. Chính sách vĩ mô cần được thông tin minh bạch, rõ ràng để không nuôi dưỡng những tin đồn, làm suy giảm lòng tin. Tin đồn là môi trường để các tác nhân kinh tế thao túng gây ra những méo mó của thị trường như là giá cả.
- Vâng xin cám ơn Ông!


Tiến Đức thực hiện ( Người đại biểu Nhân dân - 01/3/2010]

FullName Email
Address Security code SYTIFX
Content