Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Lượng hóa tác động của tham nhũng tới doanh nghiệp tư nhân trong nước

Xét về khía cạnh đạo đức và pháp luật, mọi hiện tượng tham nhũng đều đáng lên án, nhưng trong điều kiện nguồn lực và năng lực hữu hạn người làm quản lý chỉ có thể tập trung vào ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng gây thiệt hại kinh tế nặng nề nhất. Muốn vậy, trước hết cần có những nghiên cứu “lượng hóa” tác động kinh tế của tham nhũng một cách khách quan và chặt chẽ. Tuy nhiên, lâu nay ở Việt Nam mới chỉ có các thống kê mang tính mô tả, dẫn tới các khuyến nghị thiếu cụ thể, thậm chí sa vào “cảm tính”. Phải tới gần đây, lần đầu tiên Việt Nam mới có một số nghiên cứu công bố ISI của các tác giả trong nước lượng hóa tác động của tham nhũng và chất lượng thể chế cấp tỉnh tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, từ đó đặt cơ sở để xác định ưu tiên trong việc ra chính sách cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Khoảng trống học thuật trong nghiên cứu về tham nhũng và chất lượng thể chế

Có tới 66% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam than phiền về việc phải chi trả các nguồn phí không chính thức, và thậm chí lượng phí “bôi trơn” này có thể chiếm tới 10% doanh thu của doanh nghiệp1. Đây là những con số từ cuộc điều tra năng lực thể chế cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, thường xuyên được các chuyên gia kinh tế trong nước và giới truyền thông dẫn lại để minh chứng về việc hiệu quả doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ chất lượng yếu kém của thể chế cấp tỉnh. Tuy những con số trên đã cho thấy quy mô và tần suất các khoản trả phi chính thức của doanh nghiệp cho các hoạt động khác nhau nhưng mới chỉ dừng lại ở mức “thống kê mô tả” thuần tuý mà chưa thực sự “lượng hóa” được tác động của các yếu tố như chất lượng thể chế cấp tỉnh, loại hình và mức độ tham nhũng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
“Bởi vậy, có người đặt vấn đề ngược lại là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chịu tác động chủ yếu bởi đặc điểm và năng lực của chính doanh nghiệp, điều kiện thị trường, địa lý và cơ sở hạ tầng, còn yếu tố chất lượng thể chế có thể không có tác động. Ví dụ chất lượng thể chế của Lào Cai tốt hơn Hà Nội, nhưng nhìn chung doanh nghiệp vẫn muốn hoạt động ở Hà Nội hơn vì Lào Cai thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và thị trường nhỏ hẹp”, TS. Trần Quang Tuyến, (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề.
Trước đây, chúng ta chưa thể chỉ ra cụ thể mức độ và cơ chế ảnh hưởng của chất lượng thể chế và tham nhũng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào những con số thống kê như VCCI đã đưa ra, TS. Trần Quang Tuyến khẳng định. Đặc biệt, với những nước có chất lượng thể chế thấp thì tham nhũng đôi khi có thể mang lại tác động tích cực cho tăng trưởng và đầu tư của doanh nghiệp, như các nghiên cứu ở Trung Quốc và Indonesia đã lý giải2, rằng việc trả tiền hối lộ có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi đối mặt với các thủ tục hành chính quan liêu, các quy định không rõ ràng.
Những khoảng trống học thuật trong nghiên cứu về tham nhũng và chất lượng thể chế ở Việt Nam đã được làm rõ trong nghiên cứu “Tham nhũng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: Bằng chứng kinh tế lượng mới từ phân tích các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do TS. Trần Quang Tuyến làm trưởng nhóm thực hiện trong hai năm (2014 – 2016) do Đại học Quốc gia cấp kinh phí (với yêu cầu kết quả phải được công bố trên hai tạp chí trong danh mục ISI). Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của chất lượng thể chế cấp tỉnh và tham nhũng tới hiệu quả doanh nghiệp được đo bằng nhiều chỉ số khác nhau dựa trên phân tích dữ liệu từ các điều tra PCI hằng năm và Điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện. Nghiên cứu này chỉ tập trung vào phân tích tác động của tham nhũng tới doanh nghiệp ở lĩnh vực chế tạo vì các hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam.
Nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng thực nghiệm về tác động của tham nhũng, chất lượng thể chế cấp tỉnh tới năng suất và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phân tích từng loại hình tham nhũng và “đong” được cả tác động “hai mặt” của từng loại hình tới doanh nghiệp: những loại hình tham nhũng nào làm lợi hơn (tác động dương) cho doanh nghiệp, loại hình nào có hại (tác động âm) cho doanh nghiệp. Trong đó, một số khoản chi phí không chính thức để có được giấy phép và hợp đồng của chính phủ có tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp; còn việc trả tiền hối lộ cho các dịch vụ công cộng lại khiến các công ty đạt được hiệu quả tài chính cao hơn. Có thể thấy những phân tích này qua trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu: một mặt hoạt động hối lộ để có các hợp đồng của chính phủ sẽ làm giảm khả năng tham gia xuất khẩu nhưng ở chiều ngược lại, hành vi hối lộ về thủ tục hải quan lại giúp doanh nghiệp tăng khả năng xuất khẩu.
Mặc dù chỉ ra những tác động “dương” của tham nhũng tới một số khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp nhưng nghiên cứu này vẫn khẳng định, đối với tổng thể nền kinh tế và xã hội, tham nhũng gây ra sự phát triển thiếu bền vững trong dài hạn của Việt Nam, làm méo mó mô hình kinh doanh, làm hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp và gây sai lệch động cơ của doanh nghiệp, ví dụ sử dụng nguồn lực để hối lộ thay vì đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Phương pháp có tính ứng dụng cho các chính sách vĩ mô và vi mô
“Chỉ khi dựa vào phân tích hồi quy chúng tôi mới tính toán được tác động thực (net impact) là dương hay âm một cách có kiểm soát. Nghĩa là, cần có sự so sánh giữa các doanh nghiệp sau khi đã quy chúng vào những điều kiện giống nhau về cơ sở hạ tầng, về công nghệ, về đầu tư…, chỉ khác nhau là doanh nghiệp này hoạt động ở một tỉnh có chất lượng thể chế tốt, doanh nghiệp kia ở tỉnh có chất lượng thể chế kém, như vậy mới biết được thể chế có tác động thực sự tới doanh nghiệp như thế nào”, TS. Trần Quang Tuyến phân tích.
Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu vẫn có thể bị phản bác rằng: những doanh nghiệp đó có năng lực cạnh tranh yếu nên phải hối lộ, do đó hối lộ giúp họ “hưởng” lợi nhuận nhiều hơn. Trong trường hợp đó, yếu tố tham nhũng sẽ mang tính “nội sinh”, làm cho kết quả phân tích định lượng thiếu chính xác và kém tin cậy. “Chúng tôi phải ‘khử’ các biến nội sinh, nếu không làm được điều đó, nghiên cứu này sẽ… vứt đi, không thể được tạp chí quốc tế uy tín chấp nhận”, TS. Trần Quang Tuyến cho biết. Việc tiến hành hàng loạt các thao tác kỹ thuật loại yếu tố nội sinh nhằm của nghiên cứu đã được các phản biện quốc tế phản biện nghiêm ngặt, nhờ đó kết quả nghiên cứu đã được công bố trên hai tạp chí ISI theo phân ngành kinh tế học và kinh doanh3.
Việc phân loại và xếp hạng ưu tiên những hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp (trong số 10 chỉ số thành phần phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế ở các tỉnh có tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân theo PCI) đã đem lại hàm ý chính sách rõ ràng, mà căn cứ vào đó, nhà nước cần đặt mục tiêu, tập trung nguồn lực để cải thiện ngay. Chẳng hạn, các tỉnh có chỉ số về “chi phí thời gian” và “dịch vụ hỗ trợ khu vực tư nhân” thấp cần tập trung vào cải thiện ngay hai chỉ số này để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp tư nhân ở địa phương vì đây là hai chỉ số đã được đo lường là có mối quan hệ chặt chẽ nhất với năng suất của doanh nghiệp. Nghiên cứu đồng thời gợi ý rằng các biện pháp chống tham nhũng khác nhau cũng nên được áp dụng cho từng loại tham nhũng.
TS. Vũ Văn Hưởng, Học viện Tài chính, đồng tác giả của đề tài cho biết nghiên cứu này mới chỉ hạn chế trong phạm vi các doanh nghiệp sản xuất và sở hữu ngoài quốc doanh trong nước. Trong tương lai, nhóm sẽ mở rộng để xem xét tác động của tham nhũng tới các công ty lớn, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế khác như dịch vụ hoặc nông nghiệp, nhằm cung cấp hiểu biết rộng hơn về tác động của các loại tham nhũng tới hoạt động tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhận xét về nghiên cứu này, TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Các nghiên cứu như thế này có giá trị tham khảo đối với quá trình hoạch định chính sách ở nhiều nước. Tất nhiên, đó phải là các nghiên cứu được thực hiện chặt chẽ, có phản biện nghiêm túc. Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu điều tra phải đáng tin cậy, đảm bảo rằng doanh nghiệp trả lời khảo sát trung thực”.
Trong thực tế, TS. Trần Quang Tuyến cho biết, phương pháp phân tích kinh tế lượng vi mô với dữ liệu mảng (panel data) được áp dụng trong nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa với hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô, mà có thể áp dụng vào giải quyết những vấn đề rất cụ thể trong đời sống xã hội thường ngày. Ví dụ từ những năm 1970, khi Chính phủ Mỹ quyết định xây các lò đốt rác ở vùng Bắc Andover, Masachusetts, và hệ quả được cho là đã làm giảm giá các căn hộ có vị trí gần lò đốt rác4. Khi đó, các nhà kinh tế đã sử dụng phương pháp hồi quy để kiểm soát các biến số khác liên quan tới đặc điểm căn hộ và đặc biệt là kiểm soát giá nhà trước và sau khi xây dựng lò đốt rác. Căn cứ vào đó, chính phủ đã đưa ra được mức giá đền bù hợp lý so với đòi hỏi đền bù quá cao mà các hộ dân đưa ra ban đầu.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đã nhận được đơn đặt hàng của nhóm các doanh nghiệp tư nhân về việc sử dụng phương pháp nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của các dự án nhà ở giá trung bình thấp tại một số đô thị lớn. Họ cũng yêu cầu kết quả nghiên cứu phải được bố quốc tế hai bài tạp chí ISI hoặc Scopus để có thẩm định quốc tế”, TS. Trần Quang Tuyến nói.
------
1Trong nghiên cứu này, tham nhũng được định nghĩa là việc doanh nghiệp trả các khoản phí phi chính cho các công/viên chức trong các hoạt động khác nhau của doanh nghiệp như thuế, hải quan, cấp phép,... (Xem thêm báo cáo PCI của VCCI).
2Xem chi tiết nghiên cứu của Rock và Bonnett (2004)tại:http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0305750X04000440
3Kết quả nghiên cứu được công bố trên Journal of Business EthicsEstudios De Economia. Cả hai tạp chí trong danh mục ISI (SSCI) theo phân ngành kinh tế & kinh doanh.
4Xem thêm Jeffrey M Wooldridge (2013) “Introductory Econometrics: A modern approach”, Cengate Learning, Mason, USA, trang 454-457.
 
Nhóm nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến, TS. Vũ Văn Hưởng và các cộng sự có nhiều công bố trên các tạp chí quốc tế về khoa học xã hội uy tín, được xếp thứ hạng cao. Có thể kể tới một số nghiên cứu tiêu biểu gần đây như: “Lost in transition? Declining returns to education in Vietnam” [Lợi tức từ giáo dục ở Việt Nam đang suy giảm] đăng trên European Journal of Development Research, 2017; “Does Economic Inequality Affect the Quality of Life of Older People in Rural Vietnam?” [Bất bình đẳng kinh tế liệu có ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam?] đăng trên Journal of Happiness Studies,2017; “Corruption, Types of Corruption and Firm Financial Performance: New Evidence from a Transitional Economy” [Tham nhũng, các loại hình tham nhũng và hiệu quả tài chính doanh nghiệp: những phát hiện mới từ một nền kinh tế chuyển đổi] đăng trên Journal of Business Ethics, 2016; “Farmland loss and livelihood outcomes: a micro-econometrics analysis of household surveys in Vietnam” [Mất đất và kết quả sinh kế: phân tích kinh tế lượng vi mô từ khảo sát hộ gia đình ở Việt Nam] đăng trên Journal of the Asia Pacific Economy, 2014. 

 


Theo Tia Sáng

FullName Email
Address Security code NIIGPH
Content