Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Khoa Kế toán Kiểm toán "lên dây cót" trước thềm năm học mới

Sẽ có nhiều phương pháp giảng dạy mới lần đầu tiên được áp dụng trong năm học 2020 - 2021 tại Khoa KTKT
Nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy chuẩn bị cho năm học mới sắp sửa diễn ra, đội ngũ giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có buổi trao đổi về phương pháp giảng dạ hiệu quả đối với các môn chuyên ngành thuộc chứng chỉ Quốc tế về Tài chính Kế toán và Kinh doanh (CFAB), sáng ngày 10/8/2020 trên ứng dụng Zoom.

Tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn có TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán (KTKT), TS. Nguyễn Thị Hương Liên - Phó chủ nhiệm khoa, TS. Đỗ Kiều Oanh - Chủ nhiệm Bộ môn Kế toán, TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, ThS. Khiếu Hữu Bình, ThS. Đỗ Quỳnh Chi, ThS. Nguyễn Hoàng Thái và đặc biệt là hai giảng viên trẻ TS. Bùi Phương Chi và ThS. Nguyễn Thị Phương Anh.
Giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, đặc biệt là các môn thuộc chứng chỉ Quốc tế CFAB luôn là một thách thức đối với giảng viên để làm sao truyền tải được khối lượng kiến thức lớn với nhiều câu hỏi khó cho sinh viên. Do vậy, mặc dù vẫn đang trong thời gian nghỉ hè nhưng các giảng viên giáo của Khoa Kế toán Kiểm toán đã bắt đầu công việc chuẩn bị bài giảng để có thể mang lại những giờ học chất lượng và hấp dẫn cho sinh viên.
Bên cạnh kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy của mỗi giảng viên thì việc trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các giảng viên cũng là điều rất cần thiết và đặc biệt hữu ích với các giảng viên mới. Vì vậy, buổi seminar chuyên môn với sự tham dự của các giảng viên Khoa KTKT được điều hành bởi TS. Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ nhiệm Khoa đã được tổ chức gồm hai nội dung chính. Nội dung của phiên thứ nhất là dự giảng, đánh giá phương pháp giảng dạy của giảng viên mới - TS. Bùi Phương Chi. Lựa chọn môn học “Business, Technology & Finance” chuẩn bị giảng kỳ tới. TS. Bùi Phương Chi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài giảng và giảng thử trước các giảng viên trong khoa. Sau bài giảng của mình, TS. Bùi Phương Chi đã nhận được rất nhiều góp ý xây dựng từ các giảng viên trong khoa, từ việc làm rõ mục tiêu bài học, phân bổ thời lượng tiết học hợp lý, hỗ trợ giải thích nội dung khó bằng tiếng Việt đến tăng cường các hoạt động thảo luận nhóm và tương tác với sinh viên nhiều hơn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của một buổi học.


TS. Bùi Phương Chi thực hiện bài giảng môn Business, Technology & Finance

Nội dung phiên thứ hai của buổi seminar tập trung thảo luận và chia sẻ phương pháp giảng dạy các môn CFAB hiệu quả, đặc biệt là khi triển khai dạy online các môn học này. CFAB được biết đến là chứng chỉ quốc tế về Tài chính Kế toán và Kinh doanh danh giá trên thế giới, hiện đang được tích hợp trong chương trình đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao theo Thông tư 23 của Khoa Kế toán Kiểm toán, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác với Viện Kế toán Công chứng Anh & xứ Wales (ICAEW). Việc giảng dạy các môn CFAB là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ giảng viên của Khoa bởi các yêu cầu về kỹ năng sư phạm, thiết kế bài giảng và ứng dụng thực tiễn của các môn CFAB đều phức tạp hơn so với chương trình giảng dạy truyền thống, đòi hỏi phương pháp tiếp cận linh hoạt và sáng tạo hơn từ các giảng viên. Làm thế nào để vừa nâng cao hiệu quả giảng dạy, vừa tạo động lực học tập mạnh mẽ cho sinh viên trong mỗi buổi học là nội dung thảo luận xuyên suốt trong phiên thứ hai của buổi sinh hoạt.
Các giảng viên khoa Kế toán Kiểm toán nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy các môn CFAB
Kế toán vốn là một môn chuyên ngành với rất nhiều thuật ngữ và nghiệp vụ hạch toán phức tạp. Để có thể truyền đạt đầy đủ kiến thức cũng như giải thích cặn kẽ tất cả các câu hỏi của sinh viên trong quá trình giảng dạy, các giảng viên tham dự buổi sinh hoạt đều cho rằng cần thiết phải linh hoạt uyển chuyển trong việc sử dụng ngôn ngữ giảng dạy, đặc biệt trong bối cảnh tồn tại sự chênh lệch về khả năng ngoại ngữ tiếng Anh của sinh viên.
Đối với những phần kiến thức chuyên môn khó, sinh viên lần đầu tiếp cận, giảng viên cần dựa vào tình hình thực tế để khảo sát ý kiến người học về ngôn ngữ sử dụng để giải thích các câu hỏi. Nếu số lượng sinh viên không nắm bắt được nội dung bài học là lớn thì cần phải linh động chuyển ngữ tiếng Việt để đảm bảo sinh viên thẩm thấu được nội dung bài giảng. Bên cạnh đó, do thời lượng mỗi buổi học các môn CFAB thường diễn ra trong khoảng thời gian khá dài (4 tiết học liên tục), giảng viên cần thể hiện tốt vai trò là người giữ lửa trong suốt thời gian lên lớp với những hoạt động cụ thể như thiết kế bài giảng sinh động hơn, đảm bảo thời lượng học và giải lao phù hợp với khả năng tập trung của người học; thay đổi hình thức kiểm tra truyền thống sang nền tảng công nghệ như quizizz, kahoot; yêu cầu sinh viên tự tổng hợp nội dung bài bằng sơ đồ tư duy sau mỗi chương; tăng thời lượng thuyết trình, hoạt động nhóm nhiều hơn và đặc biệt cần thường xuyên cập nhật, liên hệ các tình huống thực tiễn để minh họa cho việc giảng dạy kiến thức lý thuyết.

Bên cạnh đó, các giảng viên tham dự seminar còn thảo luận về phương pháp giảng dạy trực tuyến là phương pháp đã được áp dụng trong học kỳ vừa qua và có thể sẽ tiếp tục được triển khai nếu tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Nhằm tăng tương tác với sinh viên khi giảng dạy kế toán trực tuyến, ThS. Khiếu Hữu Bình đã chia sẻ về công cụ giảng dạy mang tên Wacom Intuos. Đây là một bảng vẽ điện tử có kết nối bluetooth được rất nhiều giảng viên sử dụng đánh giá cao về tính hữu dụng trong việc hỗ trợ tương tác với người học trên màn hình máy tính, mọi sự diễn giải thông thường được thực hiện trên bảng viết ở lớp học đều có thể được thực hiện trên công cụ này.

Ngoài ra, do đặc thù của việc học trực tuyến, hình thức đánh giá điểm chuyên cần của sinh viên cũng được các giảng viên thảo luận sôi nổi. TS. Đỗ Kiều Oanh - Chủ nhiệm Bộ môn Kế toán cho rằng thay vì kiểm tra sĩ số bằng hình thức truyền thống, giảng viên có thể yêu cầu mỗi sinh viên trả lời tối thiểu một câu hỏi bất kỳ trong quá trình diễn ra môn học, căn cứ vào đó để đánh giá mức độ tập trung và điểm chuyên cần cho sinh viên. ThS. Nguyễn Hoàng Thái chia sẻ đối với sinh viên nỗ lực học tập nghiêm túc, giảng viên có thể biểu dương các sinh viên đó trên nền tảng trực tuyến như tặng “sao”, tặng “nút like” và biểu dương bằng điểm số được cộng trực tiếp vào điểm thành phần của sinh viên.

ThS. Nguyễn Hoàng Thái chia sẻ kinh nghiệm giảng online bằng cách phân nhóm học tập và biểu dương online

Kết thúc buổi sinh hoạt, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán đã ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp của các giảng viên trong Khoa và đề xuất các bộ môn, các nhóm giảng dạy chuyên ngành tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kịp thời hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình giảng dạy. Trong thời gian tới, các buổi sinh hoạt chuyên môn của khoa sẽ được duy trì đều đặn để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy tại Khoa Kế toán Kiểm toán trong thời gian tới./.

Phương Anh

FullName Email
Address Security code HPCXBN
Content