Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và những kinh nghiệm quốc tế

Sau hơn 50 thành lập, ASEAN đã thể hiện là một tổ chức liên kết khu vực thành công, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực và quốc tế. Trong đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC được coi là một trụ cột quan trọng và đạt được nhiều thành tựu so với hai trụ cột còn lại của Cộng đồng ASEAN (bên cạnh Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội).

Tuy nhiên, trong bối cảnh đầy biến động của thế giới những năm gần đây, các hình thức hội nhập trên thế giới cũng như AEC không chỉ phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức hơn, mà thậm chí còn phải xem xét điều chỉnh cả về mục tiêu, nội dung, lộ trình, đặc biệt là mô hình và thể chế hoạt động. Trong bối cảnh đó, cuốn sách chuyên khảo “Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Bối cảnh và kinh nghiệm quốc tế” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn và PGS.TS. Nguyễn Anh Thu đồng chủ biên có mục đích cung cấp những kinh nghiệm quốc tế cho quá trình hiện thực hóa AEC cũng như nhận diện bối cảnh quốc tế và những thách thức đặt ra đối với AEC.

Một trong những thách thức lớn nhất của AEC là nó sẽ tồn tại như thế nào và quan trọng hơn cả là làm thế nào để AEC có thể cạnh tranh được với nhiều liên kết kinh tế khác? AEC là sự lựa chọn số một của cả khối ASEAN và khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên đến nay có thể vẫn không phải là sự lựa chọn ưu tiên nhất của nhiều nước ASEAN riêng lẻ trong tiến trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, sức ép từ bên ngoài cũng là điều kiện để các nước ASEAN phải nhìn lại tiến trình hội nhập và có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp để nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Xét về phương diện hội nhập kinh tế khu vực, đây là kết quả của sự gắn kết các nền kinh tế của từng quốc gia với kinh tế khu vực và thế giới bằng cách xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy sự tự do di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn. Kết quả tích cực của hội nhập kinh tế khu vực là tạo lập thương mại hay sự gia tăng về mức độ thương mại giữa các quốc gia. Phạm vi hội nhập diễn ra ở cả cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu. Hiện nay các quốc gia trong khu vực đang gia nhập từng nấc thang hội nhập kinh tế khu vực như: Thỏa thuận ưu đãi thương mại (PTA), Khu vực mậu dịch tự do (FTA), Liên minh hải quan (CU), Thị trường chung (CM) và Liên minh kinh tế - tiền tệ (EU)… Có thể nói hội nhập kinh tế khu vực hiện nay được phát triển rất đa dạng, với nhiều cấp độ khác nhau. Về phạm vi và nội dung cam kết, các tiến trình hội nhập khu vực ngày càng toàn diện hơn, tiến tới các FTA thế hệ mới.

AEC được coi là kết quả nỗ lực bền bỉ của các nước thành viên nhằm đạt được nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích về hội nhập tài chính. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng hội nhập tài chính giữa các nước ASEAN là khác nhau, đặc biệt là giữa hai nhóm nước phát triển và nước kém phát triển.

Kinh nghiệm của các nước phát triển có thể giúp ích cho Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực. Chẳng hạn, Thái Lan có mức độ sẵn sàng để tự do hóa tài chính tương đối ngang bằng so với các nước ASEAN-5. Trên thực tế, 3 ngân hàng thương mại lớn của Thái Lan đã thiết lập mạng lưới các nước ASEAN để khẩn trương chuẩn bị cho việc thành lập AEC. Trong lĩnh vực hợp tác tiền tệ và tài chính, Thái Lan đã đưa vai trò chủ động của mình trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể tự do hóa tài khoản vốn và khu vực tài chính I và II để tạo ra môi trường có hỗ trợ nhiều hơn cho hội nhập tài chính trong AEC. Những kinh nghiệm đó mang lại bài học cho Việt Nam trong quá trình hội nhập tài chính của mình, bao gồm: Các ngân hàng thương mại cổ phần phải có kế hoạch cụ thể và từng bước vững chắc cả về nguồn lực tài chính và năng lực quản lý để chuẩn bị cho việc mở rộng sang các nước có thị trường tài chính phát triển; Đẩy nhanh tái cơ cấu, nâng cao tính minh bạch và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tài chính nói riêng và khả năng cho nền kinh tế nói chung; Ngân hàng Nhà nước cần chủ động trong việc lên kế hoạch tổng thể cho việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn và dịch vụ tài chính.  

Trong bối cảnh có nhiều biến động, nhiều xung lực mới, khu vực và thế giới đang phát triển theo những xu hướng mới như: Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; Khoa học công nghệ tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong sự phát triển; Tương quan sức mạnh giữa các cường quốc tiếp tục thay đổi nhanh và khác thường; Các nước đang phát triển trở thành động lực chính trong tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế toàn cầu; Xu hướng đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu ở các nền kinh tế đang phát triển; Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển xét trên tổng thể vẫn nổi trội song thế giới và khu vực vẫn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn với những thay đổi mất cân bằng… Trong đó, xu thế nở rộ các hiệp định thương mại tự do trong khu vực châu Á đã đặt ra một số thách thức đối với AEC. Đặc biệt, RCEP và TPP (đây là những hiệp định thương mại tự do đa phương ở cấp độ cao nhất) được coi là có tác động hỗ trợ, giúp ASEAN gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ thế giới, nói cách khác là tham gia vào “công xưởng thế giới” nói chung và “công xưởng châu Á” nói riêng do các cường quốc dẫn dắt.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia tham gia đồng thời cả RCEP và TPP cùng với Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Malaysia, Brunei. Trong bối cảnh các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc sử dụng các hiệp định thương mại tự do như một công cụ tăng cường ảnh hưởng về kinh tế và chính trị tại các khu vực, điều này đang đặt ra cho Việt Nam nhiều vấn đề như:

(1) Cân đối lợi ích khi Việt Nam tham gia RCEP và TPP: Bên cạnh việc tận dụng những nguồn lợi do các hiệp định này đem lại, Việt Nam cần đặt ra những ưu tiên không thể nhân nhượng nhằm đảm bảo cân đối về mặt kinh tế, chính trị, xã hội…

(2) Việt Nam không nằm ngoài xu thế đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương trên thế giới. Do đó, Việt Nam cần phải lựa chọn, xây dựng cơ chế kiểm soát hữu hiệu hệ thống các quy định nhằm tránh sự chồng chéo giữa các cam kết với các nước, đồng thời có những biện pháp linh hoạt để thích ứng tốt nhất với mỗi hiệp định nhằm tranh thủ lợi ích tối đa cho mục tiêu phát triển đất nước.

(3) Việt Nam cần tranh thủ tận dụng những ưu tiên trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, hậu cần kho vận của các hiệp định trên mang lại để cải thiện năng lực, cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đảm nhận tốt hơn vai trò của mình trong AEC.

Nhìn chung, trong cuốn sách này, nhóm tác giả đã cung cấp một số xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và các kinh nghiệm hội nhập của một số khu vực trên thế giới (chẳng hạn như EU, NAFTA, MERCOSUR và châu Phi…) nhằm đưa ra một bức tranh tương đối tổng thể về các tiến trình hội nhập ở các khu vực và ở các cấp độ khác nhau. Đồng thời, cuốn sách mô tả tiến trình hội nhập cụ thể trong AEC và kinh nghiệm của một số nước ASEAN điển hình hướng tới AEC (như Thái Lan, Philippines trong lĩnh vực hội nhập tài chính và logistics). Bối cảnh quốc tế mới, đặc biệt là những khó khăn, thách thức cũng như những tác động của bối cảnh này tới AEC (như chủ nghĩa song phương và đa phương trên thế giới, sự nở rộ của các hiệp định thương mại tự do khu vực châu Á và các tiến trình hội nhập hiện nay trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương...) cũng được nhóm tác giả phân tích nhằm cung cấp kinh nghiệm cho AEC và Việt Nam để tiến tới hội nhập kinh tế khu vực một cách sâu rộng hơn.

 

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu (Đồng chủ biên)

Số trang: 256

Loại bìa: Bìa mềm

Giá: 50.000

Khổ: 16cm x 24 cm

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm xuất bản: 2016

______________
LIÊN HỆ:
Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: (84-24)37547506 + 703 (Ms. Ngọc Anh)
Email: phongtcxb@vnu.edu.vn
Website: http://ueb.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch


FullName Email
Address Security code ZRVVKA
Content