Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển - Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm đặc thù thuộc chương trình nghiên cứu trọng điểm về “Kinh tế và chính sách vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” do Trường Đại học Kinh tế − Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEB) chủ trì dưới sự bảo trợ của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), và do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế thực hiện hàng năm. Ấn phẩm này sẽ tiếp tục đưa đến cho độc giả − vốn đã quen thuộc với chuỗi Báo cáo này trong hơn một thập kỷ qua - thấy được những câu trả lời đáng tin cậy, những thảo luận gợi mở với nhiều quan điểm mới mẻ về một số vấn đề căn bản của kinh tế Việt Nam.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020, với tựa đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển”, được thực hiện trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang chịu những tác động nặng nề do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Sự chuyển hướng thương mại, dòng vốn đầu tư và đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, khiến viễn cảnh thế giới trở nên bất trắc hơn bao giờ hết, đồng thời đặt khu vực Đông Nam Á trước những thách thức lớn. Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài; hệ thống thuế của Việt Nam có thể bị bào mòn nhanh chóng dưới áp lực cạnh tranh quốc tế. Vì thế, Báo cáo năm nay, bên cạnh tập trung nhận định, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, sẽ đi sâu vào phân tích và đánh giá hệ thống thuế tại Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới, từ đó chỉ ra các cơ hội, thách thức của hệ thống tài khóa trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Cụ thể, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm có thể kể đến bao gồm: (i) Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA và IPA) đã được hoàn tất kí kết và thông qua, và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2020; (ii) Tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh; (iii) Chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp nhờ nhu cầu tiêu thụ và sản xuất suy giảm trên thế giới; (iv) Cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời tận dụng các FTAs, lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, quản lý môi trường lỏng lẻo của Việt Nam; (v) Môi trường lạm phát ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn hơn bao giờ hết. Sự bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai kèm theo các rủi ro về phong tỏa kéo dài và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, sự xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ. Ngoài ra, nền tảng vĩ mô trong nước còn yếu, chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, như: thâm hụt tài khóa cao, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe tuy đã được cải thiện nhưng còn yếu của hệ thống ngân hàng – tài chính; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI; thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ; môi trường thể chế, kinh doanh vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Những nhược điểm này, nếu không sớm được cải thiện, sẽ không chỉ cản trở sự hồi phục trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng xấu tới sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. 

Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả đã đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch, gồm: kịch bản cơ sở và kịch bản bất lợi. Cả hai kịch bản nêu trên đều được xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách hoàn toàn ở trong nước cho đến hết năm 2020. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải xây dựng được các phương án phòng chống bệnh dịch đi kèm sản xuất, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động. Tầm quan trọng của phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực nên được đặt ngang hàng với công cuộc phòng chống dịch bệnh. Các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai do tác động của giãn cách xã hội nên được ưu tiên hàng đầu và cần phải được triển khai nhanh chóng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn khi chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác nặng nề nhất, và có thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng của các chính sách hiện tại. Khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội cần phải được cải thiện, đảm bảo nhanh và đúng đối tượng, minh bạch và tạo được niềm tin của người dân. 

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự phân loại và tập trung hơn. Việc khoanh/ ngưng hoặc miễn giảm các chi phí tài chính như lãi vay và tiền thuê đất nên được áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp phải dừng hoạt động; các chính sách hoãn đóng BHXH, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT nên được thực hiện với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn hoạt động, nhưng phải có các tiêu chí rõ ràng về các mức độ hỗ trợ để tránh cào bằng, dàn trải. Còn lại, đối với nhóm các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, thì nên khuyến khích tín dụng, hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành bởi họ là nhóm gánh đỡ cho nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn này.

Ngay cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới. Do vậy, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.

Ngoài ra, Việt Nam nên dành một phần nguồn lực tài chính công để khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua các chính sách tín dụng/ ưu đãi thuế đầu tư. Tức là, những doanh nghiệp nào thực hiện đầu tư trong năm nay hoặc năm sau thì trong tương lai sẽ được nhận lại một khoản/ tỷ lệ thuế nhất định theo số vốn đầu tư. Chính sách này có thể thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư để hưởng ưu đãi, và nó cũng có thể hướng các dòng vốn đầu tư vào những lĩnh vực Chính phủ mong muốn như cung ứng năng lượng sạch, phát triển hạ tầng sản xuất, hay hoàn thiện chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất quan trọng trong nước như dệt may, chế biến nông sản,… Dòng vốn tư nhân sẽ tìm đến những lĩnh vực hiệu quả nhất và tạo sức lan tỏa lớn cho nền kinh tế.

Cuối cùng, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn hiện tại trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách có tầm nhìn dài hạn hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/ nhập khẩu cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện môi trường thể chế kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.

 
Thông tin về ấn phẩm:

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, PGS.TS. Phạm Thế Anh (Đồng chủ biên)

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24 cm

Số trang: 480

Giá bìa: 168.000

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

ISBN: 978-604-324-963-3

___________

LIÊN HỆ:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: (84-24) 37547506 + 703 (Ms. Ngọc Anh)

Email: phongtcxb@vnu.edu.vn

Website: http://ueb.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch


Phòng TCXB

FullName Email
Address Security code DZWCUL
Content