Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2020

Sáng ngày 17/6/2020, tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách; GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam; Các vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam; Đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.

 PGS.TS. Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN phát biểu chào mừng tại hội thảo

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Phạm Bảo Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách nhiều năm qua đã công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam - một sản phẩm khoa học uy tín, có đóng góp lớn cho việc họạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Phó Giám đốc tin tưởng rằng, Báo cáo năm nay sẽ tiếp tục là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hình thành chính sách để nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

 PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định: Với chiến lược trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng hàng đầu cả nước, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học tiêu biểu của Trường. Với Báo cáo năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ có một thảo luận cởi mở về điểm mạnh điểm yếu của thuế quan Việt Nam và đề xuất các chính sách cụ thể cho Nhà nước. Thay mặt Nhà trường, tôi xin gửi lời cảm ơn đến nhóm tác giả, Viện FNF đã nỗ lực làm việc để có được Báo cáo thường niên ngày hôm nay.
 GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là một sản phẩm khoa học chất lượng nhiều năm nay, nhiều chính sách quản lý kinh tế được hình thành dựa trên Báo cáo và giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều bước tiến. Chúng tôi rất vui mừng vì sự hợp tác thành công này và sẽ tiếp tục hợp tác để các năm sau có được những sản phẩm chất lượng hơn nữa.

 
  TS. Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng VEPR trình bày tại hội thảo

Sau các phần phát biểu của đại biểu, TS. Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng VEPR đã thay mặt nhóm tác giả trình bày tổng quan về kinh tế thế giới năm 2019 và tổng quan kinh tế Việt Nam và triển vọng năm 2020. Theo đó, ông khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn chứng kiến các dấu hiệu tích cực trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 của Việt Nam đạt 7,02%, vượt mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Kinh tế và thương mại thế giới đã bộc lộ những dấu hiệu chững lại trong năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn cầu từ đầu năm 2020. Kinh tế thế giới tiếp tục trải qua nhiều khó khăn với những rủi ro từ địa chính trị, sự khó đoán định liên quan đến tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác, đặc biệt căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng sau các ảnh hưởng của đại dịch. Dự báo thương mại, đầu tư và tăng trưởng toàn cầu tiếp tục thu hẹp đáng kể trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo những hướng hoàn toàn mới. Giãn cách xã hội và làm việc từ xa có thể thay đổi thói quen làm việc của nhân loại và mang đến các động lực mới cho tăng trưởng dưới những hình thức mới.

Nhìn chung, nền kinh tế chứng khiến không ít những thành tựu, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra cho năm. Tuy nhiên, những thành công này đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu kinh tế còn thiếu vững chắc vơi khu vực doanh nghiệp tư nhân ở dưới mức tiềm năng và phải chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước. Chính sách tài khóa không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách không nhiều chuyển biến và khối tài sản nhà nước ngày càng thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang thiếu đệm tài khóa để đối phó với các cú sốc bên ngoài.

 PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR trình bày tại hội thảo

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Đức Thành, PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR đã thay mặt nhóm tác giả trình bày về đặc điểm của thu ngân sách Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, nhằm làm nổi bật những xu thế thay đổi của nguồn thu thuế dưới sức ép hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Xét về cơ cấu thu thuế, tỷ trọng thuế gián thu trong tổng thu thuế đã tăng mạnh lên mức hơn 60%, còn thuế trực thu đã giảm xuống mức dưới 40% (mặc dù tăng mạnh về số tuyệt đối). Điều này đã làm giảm tính luỹ tiến của hệ thống thuế của Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính khiến thuế trực thu suy giảm, là mức lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh trong giai đoạn gần đây. Đồng thời, sự cạnh tranh về thuế suất trong khu vực cũng đòi hỏi Việt Nam giảm thuế suất thuế thu nhập DN. Điều này tạo ra nguy cơ xói mòn cơ sở tình thuế. Việc nguồn thu suy giảm khiến chính sách tài khóa bị thu hẹp không gian chính sách, cả từ phía thu và chi. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần có những cải cách trong cả môi trường kinh doanh lẫn hệ thống thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo khu đệm tài khóa và cải thiện tính minh bạch, công bằng và lành mạnh cho hệ thống thuế.

PGS.TS. Phạm Thế Anh cũng tiếp tục trình bày về các nội dung sức ép cạnh tranh thuế trong khối ASEAN: Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp; Ưu đãi chi qua thuế ở Việt Nam trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp; Trốn và tránh thuế ở Việt Nam trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp; Triển vọng kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách. Nhóm tác giả đưa ra dự kiến, chỉ số CPI trung bình cả năm dao động từ 3,5 đến 4%.

 PGS.TS Nguyễn Anh Thu điều hành phiên thảo luận

Sau phần trình bày của hai chuyên gia là phần thảo luận của các nhà khoa học, phần này do PGS.TS Nguyễn Anh Thu điều hành.
Nhóm chuyên gia phản biện có sự góp mặt của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế Bộ Tài chính; PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng khả năng dự phòng tài khoá của nước ta không cao, bằng chứng do ảnh hưởng của dịch Covid mà Chính phủ đề nghị chưa tăng lương công chức, viên chức từ ngày 1/7/2020. Ngược lại, số người phải trả thuế tài sản không cao, thậm chí có tỉnh chưa đến 1% nhưng khi đề cập đến vấn đề thu thuế thì đại bộ phận người dân phản đối.
TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng nên minh bạch hơn về thuế ở nước ta, người dân cần được biết nhiều thông tin hơn về thuế từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu có thể nên có một báo cáo về tài khoá bền vững, chi tiết vào nhiều vấn đề hiện nay còn chưa rõ, nhiều cách hiểu. 
 TS. Cấn Văn Lực phản biện tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Wojciech Gerwel - Đại sứ Ba Lan đã chia sẻ kinh nghiệm về chống trốn thuế ở Ba Lan, theo đó 3 năm gần đây, Chính phủ Ba Lan đã thu thêm được 50% thuế doanh nghiệp, 40% VAT, từ nguồn thu này, Ba Lan đầu tư vào một chương trình phúc lợi xã hội quy mô toàn quốc, vì vậy cho thấy được ý nghĩa sâu sắc của việc thu thuế minh bạch, đầy đủ đó chính là một việc làm cần thiết với các quốc gia.
Sau đó, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã đặt câu hỏi cho nhóm tác giả, tuy vậy vì thời gian có hạn nên nhóm tác giả sẽ nhận câu hỏi qua email và sẽ có hồi đáp sớm nhất.
Đây là Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam lần thứ 12 của Viện VEPR, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Báo cáo được các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế đặc biệt quan tâm bởi hàm lượng khoa học độ xác tín cao. Trong tương lai, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục đầu tư để có những sản phẩm khoa học ứng dụng chất lượng cao, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế Việt Nam.
 Đại sứ Ba Lan chia sẻ về kinh nghiệm chống trốn thuế ở Ba Lan
 
 Các cơ quan báo chí phỏng vấn Phó Hiệu trưởng ĐHKT, Viện trưởng VEPR PGS.TS Nguyễn Anh Thu
____________
TIN LIÊN QUAN:

Nguyễn Công - Phạm Diệp

FullName Email
Address Security code RVGQHB
Content