Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

ĐHKT chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị toàn quốc về đào tạo theo mô hình CDIO

TS. Vũ Anh Dũng phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị
Trong hai ngày 23 và 24/8/2012, tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo CDIO toàn quốc "Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế: Mô hình CDIO". Tham dự Hội thảo có đại diện của Bộ GD&ĐT, chuyên gia quốc tế và gần 300 đại biểu đến từ 40 đại học, trường đại học trong cả nước. TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, chuyên gia về CDIO đã tham dự hội thảo.

Tại Hội nghị, các đơn vị đào tạo áp dụng CDIO trình bày các báo cáo, tham luận về thực tiễn, những đúc kết trong việc tiếp nhận và áp dụng CDIO tại cơ sở để phát triển chương trình đào tạo. Đại diện của doanh nghiệp cũng đã trao đổi về nhu cầu nhân lực phục vụ chiến lược phát triển những ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia.

Tại đây, TS. Vũ Anh Dũng đại diện cho Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã có bài tham luận chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm của Trường ĐHKT - ĐHQGHN trong việc áp dụng cách tiếp cận CDIO vào xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo; đánh giá chuẩn đầu ra theo cách tiếp cận CDIO trong từng môn học. Tham luận cho thấy: Đối với mỗi môn học, ngoài việc thu thập thông tin đánh giá của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên, mức độ phù hợp và tính hợp lý của môn học, mục đích của việc khảo sát còn nhằm lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về cấp độ đạt được của sinh viên (theo tự đánh giá của sinh viên) về kiến thức, kỹ năng, thái độ so với chuẩn đầu ra (CĐR) của các môn học đã công bố; từ đó hình thành cơ sở dữ liệu hữu ích phục vụ công tác rà soát, điều chỉnh mục tiêu và nội dung môn học, phương pháp giảng dạy để nâng cao tính thiết thực và hiệu quả của môn học trong khung chương trình đào tạo.
Tham luận chia sẻ kinh nghiệm thiết thực, sâu sắc từ TS. Vũ Anh Dũng - người trực tiếp tham gia vào việc áp dụng cách tiếp cận CDIO để phát triển chương trình đào tạo tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN, đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự hội thảo.

CDIO, viết tắt của các từ Hình thành ý tưởng (Conceive) - Thiết kế (Design) - Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate), xuất phát từ ý tưởng của các khối ngành kỹ thuật thuộc Đại học Kỹ thuật Massachusetts (Mỹ) phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Mô hình CDIO dựa trên chuẩn đầu ra của mỗi ngành nghề, mỗi trường để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp. Mô hình CDIO trên thực tế là đào tạo theo nhu cầu xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và nhà sử dụng nguồn lực, thông qua điều tra khảo sát để xây dựng mục tiêu và nội dung đào tạo.

Trường ĐHKT - ĐHQGHN là trường tiên phong áp dụng CDIO trong toàn ĐHQGHN và cũng là một trong các trường tiên phong áp dụng cách tiếp cận CDIO cho một ngành ngoài ngành kỹ sư là ngành Kinh tế đối ngoại (có thể nói: trên thế giới). Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã triển khai nghiên cứu và áp dụng cách tiếp cận CDIO kể từ giữa năm 2009 với đề án “Xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO và áp dụng cho ngành Kinh tế đối ngoại chất lượng cao tại Đại học Quốc gia Hà Nội”. Đề án đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Đầu tháng 7/2010, Trường ĐHKT đã chính thức ban hành chuẩn đầu ra cho chương trình cử nhân KTĐN CLC theo cách tiếp cận CDIO và bắt đầu tiến hành tích hợp chuẩn đầu ra này trong đề cương 22 môn học cốt lõi của chương trình. Tiếp đó, Trường đã tiến hành xây dựng ngân hàng đề thi cho 22 môn học này. Có thể nói, cho tới thời điểm này Trường ĐHKT đã có những bước tiến xa trong việc áp dụng cách tiếp cận CDIO: Trường không chỉ dừng lại ở việc xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới khung chương trình mà còn tiến hành tích hợp chuẩn đầu ra vào khung chương trình và đề cương các môn học trong khung chương trình, tổ chức kiểm tra đánh giá việc đạt được của chuẩn đầu ra, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên…

Tại ĐHQGHN, việc áp dụng CDIO cho đào tạo những lĩnh vực ngoài công nghệ, kỹ thuật đã được triển khai từ năm 2010 và đã được Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và CDIO quốc tế công nhận. ÐHQGHN coi việc xây dựng chuẩn đầu ra cũng như hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội. ĐHQGHN đã xây dựng văn bản hướng dẫn xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO. Hiện nay, tất cả các chương trình đào tạo đại học và sau đại học tại ĐHQGHN đã triển khai đổi mới theo hướng dẫn và cách tiếp cận CDIO. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN nói riêng trên tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội.


Đại biểu đến từ 40 đại học, trường đại học trên cả nước đã tham gia hội nghị.


Phương Anh

FullName Email
Address Security code DQUIQD
Content