Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN hợp tác đa diện với một đại học nổi tiếng của Đức

Trong tháng 9, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã làm việc với lãnh đạo của ĐH Tổng hợp Goettingen, Đức và đặt nền móng hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng hợp tác về nghiên cứu

Hợp tác về nghiên cứu

Sau khi tham quan khuôn viên Trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Goettingen và cảm nhận môi trường học tập tại đây, buổi chiều PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã có cuộc làm việc với Giáo sư Fabian Froese (người phụ trách các chương trình hợp tác của Trường Đại học Tổng hợp Goettingen với các trường đại học trong khu vực Châu Á, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và kinh doanh Châu Á).

Hai trường vốn có một số hợp tác từ trước trong lĩnh vực trao đổi nghiên cứu sinh, cụ thể là hiện đang có 2 nghiên cứu sinh của Trường ĐHTH Goettingen đang học tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, dự kiến đến hết tháng 10 mới trở về Đức. Hai bên đều là đại học nghiên cứu ứng dụng hàng đầu trong nước nên lãnh đạo hai trường đặc biệt quan tâm về hợp tác nghiên cứu.

 
 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê  làm việc với Giáo sư Fabian Froese 

Cụ thể, tổ chức hội thảo quốc tế do Trường ĐHKT sẽ chủ trì tổ chức hội thảo, tiếp đón các đoàn, và hỗ trợ về mặt hậu cần. Bên cạnh đó, kết hợp tổ chức hội thảo với các trường đại học khác ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… (những đối tác đã hợp tác lâu năm với Trường ĐHTH Goettingen). Dựa vào việc tổ chức Hội thảo quốc tế, Trường ĐHKT có thể kết hợp các hoạt động Study tour, City tuor để giảng viên, học viện tìm hiểu văn hoá Việt Nam.

Trong hoạt động nghiên cứu, hai bên thống nhất kết nối các nhà khoa học giữa 2 trường nói riêng và các nhà nghiên cứu ở các nước khác để thực hiện các hoạt động hợp tác nghiên cứu chung (ví dụ: các nhà nghiên cứu của Trường ĐHKT có thể tham gia phân tích dữ liệu và thống kê xã hội học...). Trong đó, tập trung vào 3 hướng nghiên cứu chính đó là Kinh tế phát triển, Kinh tế nông nghiệp và Quản trị nguồn nhân lực. Ngoài ra, Hiệu trưởng ĐHKT đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghiên cứu với các Khoa của Trường ĐHTH Goettingen và tìm kiếm thêm các nguồn đầu tư từ Đức vào cơ sở vật chất tại Láng (Hòa Lạc) trên cơ sở hợp tác với Trường ĐHTH Goettingen.

Bắt đầu trao đổi sinh viên, học viên

Hai trường hiện chưa có chương trình trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ của nhau. Vì thế, nhận thấy đây là một mặt hợp tác vô cùng quan trọng của trường đại học trong bối cảnh quốc tế hoá, lãnh đạo hai trường đã thống nhất thiết lập việc trao đổi sinh viên và thực hiện công nhân tín chỉ của giữa 2 trường. Thời gian trao đổi thông thường từ 3 đến 6 tháng.

Hai trường cũng thống nhất thiết lập trao đổi từ 2 đến 4 sinh viên có thể sang học tập tại Trường ĐHTH Goettingen (thông thường sẽ thực hiện vào kỳ mùa đông), do các môn học ở cấp đại học giảng dạy bằng tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 15%. Kết hợp tổ chức các hoạt động trao đổi sinh viên với sinh viên trao đổi đến từ các nước khác, tạo môi trường học tâp đa văn hóa.

Không chỉ trao đổi bậc đại học, bậc sau đại học cũng sẽ trao đổi học viên. Cơ hội trao đổi học viên cao hơn do số lượng môn học trong chương trình cao học chiếm từ 25 đến 30% tổng số lượng môn học. Hoạt động này có thể được xúc tiến sau khi thiết lập hoạt động trao đổi sinh viên ở cấp độ đại học.

Ở cấp trao đổi nghiên cứu sinh, hiện nay đã thực hiện theo khuôn khổ dự án KITFEM và tiếp tục duy trì hoạt động này, hiện tại đang có hai nghiên cứu sinh đang học tập tại Trường ĐH Kinh tế là Bigit và Diter.

Tăng cường giao lưu giữa các giáo sư

Gặp mặt và trao đổi với Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Prof. Dr. Thomas Kneib (Chủ nhiệm bộ môn Thống kê và Kinh tế lượng), PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã nhắc lại những nội dung đã trao đổi với giáo sư Fabian Froese và sẽ đề xuất trong cuộc họp Khoa Kinh tế và Kinh doanh sẽ diễn ra trong tháng 10.2018, để đẩy nhanh tiến độ hợp tác giữa hai bên.

 

Tiếp đó, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê Hiệu trưởng ĐH Kinh tế đã gặp mặt và trao đổi với Giáo sư Stephan Klasen (Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Phát triển), là một trong 40 nhà kinh tế học hàng đầu trên thế giới theo xếp hạng của Handelsblatt, một tạp chí uy tín của Đức. Tại buổi gặp mặt vào trao đổi, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê mong muốn có một sự hợp tác giữa các giáo sư của hai trường trong thực hiện các đề tài quốc tế, bởi lẽ sự hợp tác giữa các nhà khoa học đến từ nhiều nước sẽ giúp đề tài có được lượng tri thức tổng quan, khách quan hơn.

Giáo sư Stephan Klasen hoàn thành luận án tiến sĩ của mình tại Đại học Harvard và giữ một loạt các vị trí tại World Bank, Giáo sư tại Trường King’s College thuộc Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) và Đại học Munich. Ông cũng là Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Ibero-America, thành viên của Ủy ban Liên hiệp quốc về chính sách phát triển, Chủ tịch Mạng lưới nghiên cứu phát triển Châu Âu (EUDN) và là thành viên của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) trong kỳ báo cáo đánh giá thứ 5. Hướng nghiên cứu chính của ông tập trung vào các vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng, môi trường và giới tính, đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển. Ông cũng đã thực hiện các dự án nghiên cứu về Việt Nam.

 
 

Kết thúc 2 ngày làm việc, ĐH Tổng hợp Goettingen và Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã đặt một nền móng mới cho sự hợp tác của hai bên ở tất cả các lĩnh vực, từ hội thảo quốc tế, trao đổi sinh viên, hợp tác giữa các nhà khoa học đến ý tưởng hình thành các khoá học ngắn hạn. Với sự hợp tác này, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN càng làm sâu sắc hơn chủ trương quốc tế hoá giáo dục của mình, biến môi trường học tập tại Việt Nam như một môi trường học tập tại Châu Âu - nơi được biết đến có nền giáo dục phát triển. Đây cũng là tín hiệu tốt cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh khi cơ hội được đi trao đổi ngày càng mở rộng, dần dần người học sẽ ít nghĩ đến khái niệm đi du học hơn khi có một cái nhìn khác về nền giáo dục Việt Nam.


Văn Công

FullName Email
Address Security code TINNTH
Content