Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Mở ra hướng hợp tác lâu dài, hiệu quả với CHLB Đức

Cuộc hội đàm đạt được thống nhất duy trì trao đổi thông tin, tạo tiền đề cho các hợp tác cụ thể, lâu dài và hiệu quả.
Ngày 28/2/2012, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã diễn ra buổi hội đàm giữa Đoàn Nghị sĩ Ủy ban Kinh tế - Lao động - Giao thông, Nghị viện Bang Sachsen (CHLB Đức) lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang và lãnh đạo Nhà trường.

Tại đây, Trường ĐHKT - ĐHQGHN vinh dự đón Ngài Carsten Meyer Wiefhausen, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam; ông Frank Micheal Heidan - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Lao động và Giao thông Bang Sachsen; ông Thomas Schmidt - Phó Chủ tịch Nghị viện Bang Sachsen và các Nghị sĩ Bang Sachsen, cùng với tùy viên kinh tế và hợp tác quốc tế của Đại sứ quán. Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND và cán bộ Văn phòng UBND tỉnh đã đến làm việc tại cuộc hội đàm.
Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường, lãnh đạo Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh tế Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Nước ngoài và Phòng Nghiên cứu & Hợp tác Phát triển tham dự.
Mở đầu phiên làm việc, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã nhiệt liệt chào mừng đoàn công tác đồng thời giới thiệu về Trường ĐHKT - ĐHQGHN, nêu rõ định hướng cũng như năng lực đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của Nhà trường. Đến nay, trường đã có nhiều dự án nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Chính phủ, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án nghiên cứu nhận được tài trợ của các tổ chức quốc tế. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh 4 lợi thế của Nhà trường với tư cách là đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, đó là: (1) Tính tự chủ cao; (2) Nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách; (3) Môi trường đào tạo liên ngành (kinh tế, xã hội, tự nhiên…) và (4) Có mạng lưới các đối tác rộng rãi. Với định hướng nghiên cứu chất lượng cao, Nhà trường luôn tích cực tìm kiếm, phát triển các mối quan hệ đối tác trong và ngoài nước.
Đại diện lãnh đạo một trong các đối tác quan trọng của Trường là tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh hoan nghênh chuyến làm việc của đoàn Nghị sĩ và cung cấp một số thông tin giới thiệu cơ bản cùng bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: là một tỉnh nằm ở cực Bắc của Việt Nam, với đặc thù địa hình phức tạp, Hà Giang vẫn được xem là một tỉnh kém phát triển của đất nước. Qua đây, ông đánh giá cao những hoạt động hợp tác cụ thể của Trường ĐHKT đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển chung của tỉnh và hy vọng chuyến viếng thăm của đoàn gặt hái nhiều thành công.
Sau phần giới thiệu của lãnh đạo Trường ĐHKT và tỉnh Hà Giang, ông Frank Micheal Heidan - Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, Lao động & Giao thông bang Sachsen đã chia sẻ một số thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của CHLB Đức cũng như khẳng định mối quan hệ, hợp tác truyền thống giữa hai nước Đức - Việt Nam. Bang Sechsen có 4,3 triệu dân, có ngành công nghiệp công nghiệp ô-tô, chế tạo máy, khai thác mỏ và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển ở trình độ cao. Ông hy vọng sau buổi hội đàm, các bên sẽ đưa ra được nhiều cơ hội hợp tác. Với tư cách là Nghị sĩ bang Sachsen, ông mong muốn đóng góp vào sự phát triển và định hướng chất lượng của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Phía Nghị viện Bang Sachsen cũng cung cấp thông tin về chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác Bộ Khoa học và Giáo dục Bang Sachsen trong thời gian này. Trong khuôn khổ chuyến đi, Bộ trưởng Bang Sachsen đã ký biên bản hợp tác ghi nhớ trên nhiều lĩnh vực với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nói về lý do chọn Việt Nam để công tác lần này, ông Thomas Schmidt chia sẻ, hai nước Đức - Việt Nam đã có truyền thống quan hệ tốt đẹp, đây là dịp để hai nước nói chung và các tổ chức, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp nói riêng tìm kiếm và phát triển cơ hội hợp tác. Các Nghị sĩ đều bày tỏ quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các địa phương cần nhiều hỗ trợ như Hà Giang, và dành thời gian chia sẻ cơ hội hợp tác về các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, y tế, môi trường, đào tạo nghề, công nghiệp sản xuất phần mềm… Với tư cách là nhà hoạch định chính sách, phía Đức đề nghị Trường Đại học Kinh tế và lãnh đạo tỉnh Hà Giang đưa ra những đề xuất phù hợp để phát triển các dự án và triển khai kế hoạch hỗ trợ cụ thể.
Đại diện lãnh đạo Trường ĐHKT, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ CHLB Đức đã và đang dành cho Việt Nam nói chung cũng như những triển vọng tốt đẹp về cơ hội hợp tác giữa hai bên. Theo đó, Trường ĐHKT sẽ đóng vai trò điều phối đề xuất, triển khai các dự án và đầu mối thông tin cho tỉnh Hà Giang trong hợp tác ba bên. Phía Trường ĐHKT chia sẻ quan tâm đến các chương trình hợp tác trong giáo dục như trao đổi giảng viên, sinh viên, trao đổi các sản phẩm khoa học, phối hợp thực hiện các hội thảo quốc tế, các chương trình nghiên cứu ứng dụng, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực…
Hướng tới triết lý hợp tác đôi bên cùng có lợi, các đối tác coi đây là bước đầu mở ra những hoạt động cụ thể, từ đó mở rộng quy mô và phạm vi hợp tác. Kết luận tại phiên làm việc, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm, nhấn mạnh mong muốn hợp tác về các lĩnh vực nghiên cứu, trao đổi giảng viên, sinh viên, cùng hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu môi trường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai bên thống nhất sẽ duy trì trao đổi thông tin, tạo tiền đề cho các hợp tác cụ thể, lâu dài và hiệu quả.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN vinh dự đón Ngài Carsten Meyer-Wiefhausen (phải), Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam đến thăm và làm việc.


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn phát biểu giới thiệu về Trường ĐHKT - ĐHQGHN, nêu rõ định hướng cũng như năng lực đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của Nhà trường.


Phía Đức chia sẻ lý do chọn Việt Nam cho chuyến công tác và đánh giá cao định hướng chất lượng của Trường ĐHKT - ĐHQGHN.


Tại đây, các Nghị sĩ bang Sachsen và lãnh đạo Trường ĐHKT đã trao tặng một số quà lưu niệm, đánh dấu phiên làm việc đầu tiên và thành công.


Thùy Dung

FullName Email
Address Security code TCFPTF
Content