Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Đề án CDIO nghiệm thu của Trường ĐHKT đạt loại Xuất sắc

Ngày 19/1/2010, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi nghiệm thu Đề án “Xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (Conceive, Design, Implement and Operate) và áp dụng cho ngành Kinh tế đối ngoại Chất lượng cao tại ĐHQGHN” do TS. Vũ Anh Dũng - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế trình bày.

Tham gia buổi nghiệm thu có GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và lãnh đạo các Khoa, các phòng ban trong Trường.
Mở đầu buổi đánh giá nghiệm thu, TS. Vũ Anh Dũng thay mặt nhóm đề án đã trình bày 6 nội dung chính được nghiên cứu:

  • Bản chất của cách tiếp cận CDIO để xây dựng chương trình đào tạo;
  • Kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO ở một số trường đại học trên thế giới;
  • Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế đối ngoại theo cách tiếp cận CDIO;
  • Xây dựng khung chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế đối ngoại theo cách tiếp cận CDIO;
  • Hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình đào tạo của nhân chất lượng cao ngành Kinh tế đối ngoại theo cách tiếp cận CDIO;
  • Hướng dẫn tạm thời về xây dựng chương trình đào tạo đại học theo cách tiếp cận CDIO ở ĐHQGHN.

Tiếp đó các thành viên Hội đồng đánh giá và nghiệm thu đề án đã nhận xét, thảo luận về các nội dung đã thực hiện được so với các nội dung đã đề ra trong đề án, chất lượng của từng nội dung và tiến độ hoàn thành. Tất cả các ý kiến đều đánh giá rằng mặc dù việc phát triển và xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO là một đề án nghiên cứu rất khó và mới mẻ ở Việt Nam, tuy còn một số lỗi kỹ thuật và một số hạn chế nhỏ nhưng Trường ĐHKT nói chung và nhóm đề án nói riêng đã thực hiện rất bài bản, đáp ứng xuất sắc về mặt chất lượng nội dung, phương pháp, đảm bảo đúng tiến độ rất chặt chẽ được đặt ra. Với nội dung 1 và 2, kết quả nghiên cứu đã tổng hợp, làm rõ được bản chất của cách tiếp cận CDIO để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, đồng thời cũng chỉ ra tính khả thi của việc áp dụng cách tiếp cận này cho các ngành khác ngoài ngành kỹ sư như nhiều trường đại học trên thế giới hiện nay đang làm. Với kết quả nghiên cứu ở các nội dung 3, 4 và 5 thì đây sẽ là bước xây dựng tiền đề cơ sở tốt để áp dụng cho ngành Kinh tế đối ngoại của Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Kết quả nghiên cứu của nội dung 6 được xem như là cơ sở khoa học và được Hội đồng đề nghị chuyển giao sang Ban Đào tạo ĐHQGHN để chỉnh sửa cải thiện và ban hành theo đúng qui định.
Sau phiên làm việc nghiêm túc, lắng nghe ý kiến nhận xét đánh giá của từng thành viên và tham khảo ý kiến đánh giá (qua việc gặp mặt trao đổi trực tiếp với một số thành viên của hội đồng trước đó và qua email) của PGS. TS. Hồ Tấn Nhựt là chuyên gia về cách tiếp cận CDIO tại ĐH California State University, Northridge, Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá và thống nhất đề nghị nghiệm thu đề án, xếp loại Xuất sắc. Hội đồng cũng kiến nghị ĐHQGHN chỉ đạo và hỗ trợ Trường ĐHKT trong việc triển khai các giai đoạn tiếp theo của cách tiếp cận CDIO.

TS. Vũ Anh Dũng thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày đề án.

TS. Vũ Anh Dũng thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày đề án.


Tin: Bảo Ngọc (K.KTQT) Ảnh: Thùy Dung

FullName Email
Address Security code LUVJCH
Content