Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Nghiệm thu đề án “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012”

Tại buổi nghiệm thu đề án (Ảnh: Đỗ Chiêm)
Sáng ngày 31/10/2012, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã bảo vệ đề án nghiên cứu “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012”. Đề tài thuộc danh mục đề án nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp ĐHQGHN do TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm chủ trì.

Hội đồng nghiệm thu gồm có 7 thành viên, trong đó Chủ tịch hội đồng là GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN; Ủy viên phản biện là TS. Đinh Quang Ty - Vụ trưởng, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận TW. Các ủy viên Hội đồng nghiệm thu gồm có ông Trương Đình Tuyển - chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia; bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); PGS.TS Phạm Hồng Tung, Trưởng ban KHCN - ĐHQGHN; TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT và TS. Nguyễn Đăng Minh - Trưởng phòng NCKH & HTPT, Trường ĐHKT. 
TS. Nguyễn Đức Thành đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt các kết quả đạt được của đề án. Ngoài việc tổng kết toàn bộ kết quả của đề án dưới dạng sách, xuất bản bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh, nhóm nghiên cứu còn chiết xuất các kết quả nghiên cứu đặc sắc để xuất bản các bài báo trên những tạp chí chuyên ngành kinh tế hàng đầu tại Việt Nam.
Sau khi nghe nhóm nghiên cứu trình bày, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đưa ra ý kiến nhận xét về đề án. Nhìn chung, Hội đồng đánh giá đề án là một công trình khoa học đồ sộ; kết quả nghiên cứu mang tính khách quan, khoa học, dựa trên nguồn số liệu đa dạng và đáng tin cậy. Báo cáo năm nay với chủ đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” là sự tiếp nối rất hợp lý của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011: “Nền kinh tế trước ngã ba đường”; đồng thời đi đúng vấn đề nóng hổi và trả lời được nhiều câu hỏi của giới hoạch định chính sách cũng như toàn xã hội về quá trình tái cơ cấu hiện nay ở Việt Nam. Một số Ủy viên hội đồng cũng chia sẻ báo cáo đã nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của các học giả có uy tín trong và ngoài nước và có sức ảnh hưởng nhất định đến xã hội.
Những thành viên Hội đồng đã có dịp theo sát nhóm nghiên cứu từ khi còn ở dạng đề cương cho tới khi có các sản phẩm trung gian và cuối cùng là sản phẩm hoàn thiện dưới dạng sách đều đánh giá cao tinh thần cầu thị và nỗ lực hoàn thiện; đồng thời bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện và dần khẳng định thương hiệu của chuỗi báo cáo.
Các thành viên Hội đồng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu cố gắng hài hòa giữa tính thường niên, giải quyết vấn đề nóng hổi của từng năm với việc đưa ra một bức tranh tổng thể dài hạn, phản ánh xu thế phát triển của nền kinh tế, và hướng tới các sản phẩm khoa học mang tính hàn lâm cao như bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Các thành viên Hội đồng cũng khuyến khích nhóm tác giả để nỗ lực hơn nữa, đưa chuỗi ấn phẩm Báo cáo thường niên kinh tế Việt nam từ vị trí được công nhận như hiện nay trở thành tài liệu trích dẫn đáng tin cậy và cơ sở để hoạch định chính sách của các cơ sở hoạch định chính sách hàng đầu tại Việt Nam.
Sau hai giờ thảo luận và đưa ra các ý kiến nhận xét, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu 100% tán thành nghiệm thu Đề án Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 xếp loại Xuất sắc.

Tin: Dương Vân Nga (VEPR)

FullName Email
Address Security code OHYDQX
Content