Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Mùa đông về trên vùng cao Thanh Hóa

Những cuốn vở mới mang lại niềm vui nho nhỏ tới các em học sinh vùng cao
Đêm nằm trong chăn ấm khi vừa trở về từ chuyến đi tình nguyện “Mùa đông ấm 2015 - tỉnh Thanh Hóa” vừa qua tôi vẫn không sao quên được câu nói của em học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú ấy: “Đêm mùa đông gió lùa không sao ngủ được.”

Sau những ngày tập kết đồ quyên góp và thực hiện đóng thùng, phân loại, đúng 5h sáng ngày 26/11/2015, đoàn chúng tôi có mặt để chuyển đồ lên xe ô tô chuẩn bị tới xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cả đoàn đi có 2 xe, một xe bán tải trở đồ và một xe 16 chỗ chở người nên rất dễ lạc nhau trên những cung đường hiểm trở. Sau 6 tiếng di chuyển, Đoàn đã tới huyện Quan Sơn để nghỉ trưa.

Tôi nhớ lần đầu đặt chân tới trường cấp 1 cơ sở 2 tại bản Pha, học sinh nơi đây có điều kiện cơ sở vật chất kém hơn rất nhiều so với các bạn cơ sở chính phía dưới xã. Tới nơi, các em đã mặc đồng phục gọn gàng để chào đón chúng tôi. Những phần quà và những tập vở lần lượt lần lượt được trao cho các em. Dường như trên đây để mua được những tập vở đẹp như vậy là không thể.

Cũng trong ngày đó, chúng tôi tới trường Phổ thông Dân tộc bán trú, tôi không biết phải dùng từ ngữ nào để miêu tả sự khó khăn của các em nơi đây. Theo lời kể của các cô, những chỗ ngủ nơi các em nghỉ lại qua đêm là những căn nhà lợp bằng mái lá cọ, vách tường là nan tre đan với nhau. Mấy em nhỏ thì thầm với tôi: “Rét lắm chị ạ, đêm mùa đông gió lùa không sao ngủ được, chăn đắp bên trên thì gió lùa khe sàn, đắp bên dưới thì gió lùa qua nan tre, nhiều đêm không ngủ được cho tới sáng.”

Thương các em tôi không sao cầm được nước mắt, chỉ biết hy vọng rằng với số ít chăn ấm Đoàn trường mang lên sẽ giúp đỡ được các em phần nào. Năm nay chúng tôi nhận được một số áo khoác mới, lấy từng chiếc mặc cho các em, nhìn các em cười mà mình cũng vui lây. Chắc mấy em cũng lâu lắm rồi chưa được mặc áo mới. Khi chia tay, có những em nhỏ bám tay tôi như không muốn cho về; những nụ cười vui sướng ấy có lẽ không bao giờ tôi quên được.

Tạm chia tay các em đến trường mầm non, tôi lại tiếp tục đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Nếu trường mầm non miền xuôi được ví như câu chuyện cổ tích với cổng trào to đẹp, tường vẽ tranh ảnh nhiều màu, nhà ngói cao đẹp và bên trong trang trí rất dễ thương, thì tôi lại thấy trường mầm non miền cao là nhà mái lá với nền đất vùng cao, những khu vui chơi làm bằng nguyên liệu của núi rừng và học sinh thì chỉ có vài em.
Các cô giáo trên này cho biết, ngày nắng thì sân trường rất bụi, ngày mưa thì trơn trượt và rất bẩn. Họ cũng muốn lớp học sạch sẽ nhưng điều kiện như vậy thì không biết làm thế nào. Có lẽ tôi đã quá quen với những cơ sở vật chất đẹp đẽ ở dưới miền xuôi nên khi nhìn những hình ảnh này thì vô cùng xúc động. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tới trường mầm non là được chơi trò xếp hình, búp bê, nhưng những em nhỏ trên đây lấy vỏ dừa làm đồ chơi, quả cây rừng làm đồ hàng, hay chỉ những trò xích đu được các cô dựng lên từ tre rừng.
3 ngày tại Thanh Hóa, được giúp đỡ và tặng quà các em khiến tôi thấy hết sức ý nghĩa. Nếu như có cơ hội, tôi nhất định sẽ trở lại nơi đây để thăm các em một lần nữa. Điều kiện cơ sở vật chất tại các trường học còn quá thiếu thốn; tôi hy vọng rằng, trong lần trở lại, những phòng học khang trang và những khu bán trú với mái ngói sẽ được các nhà hảo tâm xây nên.
Một điều mà tôi vẫn luôn cảm phục những người thầy, người cô, người cán bộ nơi đây, có những người từ miền xuôi lên công tác nhưng chưa bao giờ họ nghĩ mình sẽ bỏ lại Tam Thanh. Ý chí của họ mạnh mẽ như những câu thơ:

“Sống trên đá không chê đá gập gềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”…


_______________
Thông tin liên quan:
Hơn 150 triệu đồng dành cho “Mùa đông ấm 2015”


Phạm Trang (CLB Tình Nguyện BHVC)

FullName Email
Address Security code PZJHDI
Content