Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Trải nghiệm hình thức học mới, sinh viên ĐHKT thêm tự tin và năng động

Đại dịch Covid-19 là dịch bệnh mà không ai trên toàn cầu ngờ tới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Để nhanh chóng ứng phó và giảm thiểu những tác động xấu đển quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tạo dựng môi trường học mới để giảng viên, sinh viên vừa giữ được an toàn sức khỏe, sinh viên vừa đảm bảo chất lượng học tập và rèn luyện cũng như trau dồi, tích lũy thêm được nhiều kỹ năng mềm.

Thay đổi để thích nghi

Đầu tháng 3/2020, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp khiến cho nhiều trường đại học phải triển khai kế hoạch học online. Đối với Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, việc học online bắt đầu từ ngày 16/3. Trước đó, Trường đã “lên dây cót” cho cả giảng viên lẫn sinh viên bằng việc truyền thông để sẵn sàng tiếp nhận một hình thức học tập mới phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống đường truyền internet, cải tiến khả năng cộng tác trong lớp học và trong trường qua ứng dụng Microsoft Teams, xây dựng hệ thống bài giảng online, hướng dẫn cán bộ - giảng viên - sinh viên - học viên làm quen và sử dụng thành thạo ứng dụng này để dạy - học và làm việc online.

Sau hơn một tháng trải nghiệm hình thức học tập mới, đa phần giảng viên và sinh viên đều nhận thấy học trực tuyến là phù hợp nhất, hiệu quả nhất và đảm bảo mục tiêu một học kỳ không bị trễ mà vẫn an toàn cho sức khoẻ của thầy và trò trong bối cảnh phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19.

TS. Nguyễn Thế Kiên - Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển chia sẻ: Trước diễn biến của dịch Covid-19, thì học online được coi là giải pháp hữu hiệu. Điều thú vị thứ nhất là sinh viên có thể tham gia lớp học ở bất kỳ đâu, chỉ cần có kết nối mạng. Thứ hai, những sinh viên vì lý do cá nhân không thể tham gia trực tiếp buổi học thì hoàn toàn có thể học lại thông qua video bài giảng của thầy cô trên hệ thống.

Một giờ học online do TS. Nguyễn Thế Kiên - Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển "đứng lớp"
 

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu - Giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng:Với việc học online này, tôi thấy thầy cô làm việc vất vả hơn nhiều so với giảng dạy trên lớp học truyền thống, ví dụ soạn slide bài giảng phải chi tiết hơn, soạn câu hỏi trắc nghiệm và bài tập cho sinh viên thực hành cũng cần tỉ mỉ hơn. Kinh nghiệm rút ra là bài giảng cần chạy liên tục, nếu giải lao, sinh viên mất thời gian đăng nhập lại khá lâu và giảng viên phải nói nhiều hơn”.

PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng chia sẻ: “Trong thời dịch bệnh này, mỗi giảng viên chúng tôi đều phải nỗ lực gấp 3 so với mức bình thường để buổi học online trở nên hấp dẫn hơn, đỡ buồn chán hơn, đỡ áp lực hơn; phải đảm bảo theo sát đề cương, nội dung bài giảng đã được Trường phê duyệt mà vẫn phải đảm bảo giúp sinh viên vừa cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, vừa thích ứng với môi trường học tập online”.

Thấu hiểu và sẻ chia

Trong số hàng nghìn sinh viên ĐHKT trở về quê ngay sau khi có thông báo kéo dài thời gian nghỉ học do dịch bệnh, thì vẫn còn gần 50 sinh viên của Trường “bám trụ” lại ký túc xá do điều kiện mạng internet ở quê thiếu thốn, do nhà xa... Đây là những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Nhà trường và các đơn vị - tổ chức đoàn thể đã có nhiều sự động viên về tinh thần và vật chất cho các em cùng với hơn 200 sinh viên khác của Trường.

Thấu hiểu những khó khăn, hạn chế của việc học online, lãnh đạo Trường ĐHKT đã cho triển khai ứng dụng phần mềm Microsoft Teams và liên tục cập nhật, phổ biến những cải tiến ứng dụng để giảng viên - sinh viên - học viên sử dụng phần mềm này ngày càng hiệu quả hơn.

Ngoài việc đảm bảo tối đa nội dung và chất lượng học tập, Ban Giám hiệu Trường ĐHKT cùng các đơn vị trực thuộc đã và đang nỗ lực nghiên cứu sáng tạo để  mang tới nhiều hoạt động có giá trị gia tăng hữu ích nhằm  cung cấp, phát triển các kỹ năng mềm, kiến thức thực tiễn cho sinh viên trong khi vẫn đang phải hạn chế đến trường vì Covid-19. Điển hình là các chuỗi Seminar online của Khoa Tài chính Ngân hàng, khoá học Digital Marketing của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, khoá đào tạo “Yêu và Được yêu” nhằm đánh thức các tiềm năng, điểm mạnh của bản thân do Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế tổ chức, chuỗi Webinar của Khoa Kinh tế Chính trị, Talkshow 3C trong marketing của Viện Quản trị Kinh doanh...

 

 Buổii tọa đàm của sinh viên Khoa TCNH với PGS.TS. Ngô Đức Anh - Giảng viên Đại học Norfolk State, Hoa Kỳ


Trường ĐHKT và các đơn vị đào tạo đã và đang mời thêm nhiều diễn giả trong nước và quốc tế tham gia các giờ học/ tọa đàm trực tuyến với sinh viên và học viên. Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT: "Đây chính là việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược quốc tế hoá tại Trường ĐHKT, bất chấp những khó khăn của Covid-19 khiến rất nhiều các hội thảo, hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế đang bị gián đoạn". Sau những giờ giảng online và giao lưu với sinh viên Trường Đại học Kinh tế trong môn học Kinh tế quốc tế, thầy Rahul Bhandari - giảng viên Trường Đại học Toàn cầu O.P.Jindal, Ấn Độ đã chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với chất lượng sinh viên của Trường ĐHKT. Mặc dù tôi đưa ra các câu hỏi thảo luận hóc búa, các em đã có các câu trả lời vô cùng xuất sắc. Điều này chứng tỏ năng lực của sinh viên cũng như Nhà trường đã trang bị rất tốt kiến thức cho các em”.

 
 
Thầy Rahul Bhandari - Đại học Toàn cầu O.P.Jindal, Ấn ĐộPGS.TS Nguyễn Anh Thu (hàng trên, bên trái) và thầy Rahul Bhandari (hàng trên, bên phải) tại lớp học trực tuyển với sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐHKT
 

Để kết nối sinh viên và tăng thêm tương tác giữa sinh viên và Nhà trường, đồng thời áp dụng phong cách “học mà chơi, chơi mà học” Trường ĐHKT đã và sẽ tổ chức các cuộc thi online như thi tài năng, thi ảnh, thi tìm hiểu quy chế đào tạo, thi làm clip, thi kiến thức chuyên môn… Qua các cuộc thi, ngoài việc tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích, Trường sẽ tìm được “các tài năng tiềm ẩn”, đồng thời khuyến khích sinh viên phát huy năng khiếu, sở trường của mình.

 
Cảm xúc của một sinh viên ngay sau khi nhận được gói cước hỗ trợ học online từ Trường
Đồng cảm với khó khăn của những sinh viên đang ở lại học tập tại ký túc xá, nhóm cán bộ - giảng viên của Trường đã triển khai chiến dịch “Bữa sáng yêu thương” để làm bánh gửi tặng các em sinh viên của trường và sinh viên ĐHQGHN. Cô Phạm Thị Liên - Khoa Kế toán Kiểm toán tâm sự: “Khi lên kế hoạch và bắt tay vào làm, nhóm chỉ nghĩ đơn giản là mình cần làm gì đó cho các em để các em vơi đi nỗi nhớ nhà, để các em thấy mình luôn được yêu thương. Mỗi chiếc bánh trao đi là cả tấm lòng của rất nhiều người trong đó. Người góp của, người góp công, nhiều thầy cô không tham gia làm bánh được đã gửi quà giúp đỡ động viên các em. Các thầy cô luôn yêu và thương sinh viên của mình, mong các em luôn cố gắng phấn đấu học tập dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.”.

Học online đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu giãn cách xã hội

Thoáng nghĩ, hầu hết chúng ta đều cho rằng học online khó đảm bảo chất lượng và vì thế mà nên giảm học phí. Thực tế là về mặt chất lượng, ngay từ đầu đã được PGS.TS Lê Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo khẳng định: “Trường ĐHKT yêu cầu giảng viên lên lớp đầy đủ, đúng số giờ học, điểm danh chặt chẽ, đồng thời liên tục kiểm tra bài giảng, yêu cầu giảng viên kiểm tra thái độ và kiến thức sinh viên trong từng buổi học để làm sao đảm bảo chất lượng học online tương đương với học trực tiếp”. Và để đảm bảo chất lượng đường truyền internet phục vụ học tập, Trường đã hỗ trợ mỗi sinh viên  một gói cước 3G tốc độ cao. Ngoài ra, với tổng số tiền học bổng khuyến khích học tập 2,8 tỷ đồng được trao sớm hơn mọi kỳ cho thấy Trường đã thấu hiểu được sự khó khăn của sinh viên và mong muốn tiếp thêm động lực để các em đạt học bổng cao hơn nữa trong kỳ học online đặc biệt này.

 
Lãnh đạo Trường ĐHKT thăm hỏi sinh viên của trường ở lại ký túc xá
 

Theo ghi nhận từ thông tin phản hồi, một sinh viên chia sẻ băn khoăn: Hiện nay theo em thấy mọi người có vẻ đã bắt đầu quen với lịch làm việc học tập theo phương thức online vì vậy khi mà chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm học thì việc quay lại trường học offline là một việc khá “khó khăn”. Nếu các bạn là sinh viên từ các tỉnh thành khác lên học thì sẽ rất tốn chi phí đi lại, ăn ở; thậm chí việc di chuyển cũng vô cùng nguy hiểm. Giả sử, khi các bạn đã lên để bắt đầu đi học offline trên trường, mà dịch bùng phát lại thì có thể các bạn đó sẽ phải cách ly trên Hà Nội, tốn thêm chi phí ăn ở sinh hoạt dù không phải tới trường. Rồi không biết bao giờ mới chấm dứt lệnh cách ly để các bạn được về quê hay dịch bệnh lại khiến các bạn phải trọ thêm 2 - 3 tháng nữa trên Hà Nội. Trường hợp những bạn đã trả trọ trước đó thì phải lên Hà Nội tìm nhà trọ mới, bạn trọ mới hoặc không thì phải chịu một khoản tiền trọ khá lớn.

Những kiến nghị, chia sẻ, tâm sự của sinh viên cho thấy sinh viên ĐHKT đã thích nghi và cảm thấy việc học online như hiện nay khá hiệu quả đồng thời giúp đảm bảo sức khỏe cho sinh viên, hoặc ít nhất là sẽ không phải cách ly nếu như Hà Nội phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới.

Về việc đánh giá học tập cuối kỳ, Trường ĐHKT đã dựa trên kết quả khảo sát sinh viên, đa phần đều chọn hình thức bài lập lớn, nên kỳ học này, Nhà trường quyết định đánh giá học tập tất cả các môn bằng bài tập lớn. Hình thức bài tập lớn có một số ưu điểm vượt trội, trước hết đó là phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại, giúp sinh viên nhớ lâu và sâu kiến thức, đặc biệt là buộc sinh viên phải chủ động hoàn toàn và thực hiện bài tập từ đầu đến cuối.

Bên cạnh đó, sinh viên còn chia sẻ tới Nhà trường “Sinh viên từ các tỉnh thành lên để đến trường học thì khi di chuyển lên Hà Nội cũng có thể có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm từ những người khác, hoặc chính các bạn ấy cũng có khả năng mang tới nguy cơ lây nhiễm diện rộng bệnh đang ủ trong người. Hà Nội tuy không phải toàn thành phố nhưng vẫn đang nằm trong diện nhóm có nguy cơ mắc nhiễm cao”.

Ý kiến này cũng cho thấy không chỉ Trường mà từ sinh viên và gia đình các em vẫn cần rất cẩn thận và cảnh giác cao với dịch bệnh, dẫu sao sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất. Vậy nên, từ những chỉ thị, định hướng của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ý kiến của sinh viên thì học online vẫn đang có nhiều ưu điểm hơn học trực tiếp cho đến khi dịch bệnh thực sự được kiểm soát.

*

Có thể nói, dịch Covid-19 đã gây ra cho  chúng ta rất nhiều khó khăn và hệ lụy, song đây cũng  thách thức để mỗi thành viên của mái nhà UEB cùng phải nỗ lực vượt qua, luôn sáng tạo, thích nghi với hoàn cảnh, luôn có tâm thế, suy nghĩ tích cực, sát cánh hỗ trợ cùng nhau để không ngừng vươn lên phía trước.

Chắc chắn trong tương lai không xa, Viêt Nam sẽ chiến thắng dịch bệnh để thầy và trò Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN được gặp lại nhau trên giảng đường và tiếp tục nối dài những ước mơ học tập, xây dựng tương lai!


Văn Công

FullName Email
Address Security code CCEMWT
Content