Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Một ngày ở Gia Lâm - sinh viên Kinh tế Phát triển có chuyến thực tế bổ ích

Nhằm mục đích tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và các kỹ năng thực hành cho sinh viên, ngày 15/7/2020 Khoa Kinh tế Phát triển Trường Đại Học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức chuyến đi thực tập - thực tế trên địa bàn huyện Gia Lâm cho sinh viên của Khoa.

Trải nghiệm trong mỗi chuyến đi thực tập, thực tế là mỗi lần sinh viên ngành Kinh tế Phát triển được học hỏi, trau dồi và trải nghiệm thêm những điều mới. Đây cũng là một hoạt động hết sức cần thiết để sinh viên được quan sát thực tế tại các đơn vị, các doanh nghiệp, được ứng dụng, tập làm những công việc thực tế tại các đơn vị, sinh viên được trao đổi, học hỏi thêm từ những kinh nghiệm thực tế nhằm nâng cao được kiến thức cho mình.

Điểm đầu cho chuyến đi thực tế, Khoa Kinh tế Phát triển tổ chức đến thăm trụ sở UBND huyện Gia Lâm. Tại đây sinh viên được nghe bà Lê Thị Thu Hằng - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm giới thiệu sơ bộ về “Tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2015- 2020”.

  Bà Lê Thị Thu Hằng giới thiệu sơ bộ về “Tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2015- 2020”
Ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm cũng chia sẻ rất nhiệt tình với sinh viên về những kinh nghiệm thực tiễn, bài học thực tế, các hoạt động kinh tế của Huyện trong những năm gần đây. Qua đó sinh viên ngành Kinh tế Phát triển được hiểu biết thêm về hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế từng bước gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện.

Cùng ngày, sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển đã được đến hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn Huyện đó là mô hình hợp tác xã sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.

 
 Ông Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Gia Lâm với sinh viên ngành Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế

Tại UBND xã Văn Đức, ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã đã trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về Xây dựng mô hình rau VietGAP, cách quản lý, quy hoạch vùng sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm, cách quản lý tem nhãn, thương hiệu... và đưa sinh viên đi thăm quan, trải nghiệm mô hình trồng rau an toàn trên địa bàn xã. "Không ngờ quy trình sản xuất rau VietGAP lại chặt chẽ và nhiều yêu cầu như thế, không đơn giản như em nghĩ rau chỉ thu hoạch từ đồng ruộng đi lên" một sinh viên chia sẻ.

Bên cạnh đó sinh viên được đến thăm mô hình quản lý kinh tế trong làng nghề và mô hình doanh nghiệp xuất khẩu của Công ty gốm sứ Quang Vinh. Tại đây bà Hà Thị Vinh - Tổng giám đốc đã có những chia sẻ về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế trong làng nghề Bát Tràng. Đại diện công ty chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn về xuất khẩu các mặt hàng hóa ra các nước trên thế giới. cách khắc phục sau ảnh hưởng của đợt dịch bệnh Covid19. Qua đó, sinh viên ngành KTPT được hiểu biết thêm về những vấn đề và thách thức của nền kinh tế khi bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Sinh viên Nguyễn Quốc Thành chia sẻ: Thực tập thực tế giúp chúng em có cái nhìn chân thực và cụ thể hơn về kinh tế xanh, kinh tế làng nghề. Qua thực tập thực tế, sinh viên được tiếp cận kiến thức đa chiều không chỉ từ giảng viên mà còn từ chủ doanh nghiệp, chính quyền cơ sở và cả những người công nhân, nông dân. Thực tập, thực tế còn giúp chính sinh viên chúng em gắn kết hơn trong lớp. Em hy vọng rằng, trong thời gian tới môn học nào cũng phải có ít nhất một chuyến đi thực tập - thực tế, điều này rất có ích cho sinh viên chúng em.

Trong những năm tới, Khoa Kinh tế Phát triển tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác với các công ty, tổ chức trong và ngoài nước nhằm duy trì hoạt động đưa sinh viên đi thực tập - thực tế. Nhờ vậy, sinh viên ngành KTPT được phát triển bản thân trong một môi trường năng động và hội nhập.


Nguyễn Nhàn

FullName Email
Address Security code HKBDIA
Content