Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Chất lượng giáo dục đại học: Quan điểm và giải pháp

Toàn cảnh hội thảo
Đây là nội dung của khóa tập huấn do Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 31/3 và 1/4/2014 với sự tham gia giảng dạy của PGS.TS Lê Đức Ngọc - Giám đốc Trung tâm Kiểm định - Đo lường và đánh giá chất lượng Giáo dục (CAMEEQ) thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (VIPUA).

Khóa tập huấn dành riêng cho các giảng viên chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đại học cho phù hợp với thời đại phát triển và bùng nổ thông tin ngày nay.

Tham dự buổi khai mạc khóa tập huấn có TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), PGS.TS. Hoàng Văn Hải  - Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh, cùng toàn thể các giảng viên của chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế Trường ĐHKT.

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, TS. Vũ Anh Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới dạy và học để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Vai trò của người thầy cần thay đổi từ truyền bá kiến thức sang quản lý và tổ chức quá trình học của sinh viên.

Trong ngày đầu tiên, PGS.TS. Lê Đức Ngọc trình bày và thảo luận cùng các học viên chủ đề quan niệm về chất lượng giáo dục đại học. Theo ông Ngọc, sự bùng nổ thông tin đã làm thay đổi mục tiêu giáo dục truyền thống, mà cốt lõi là  chuyển từ chủ yếu đào tạo kiến thức sang chú trọng hơn đến việc đào tạo kỹ năng mềm và năng lực. Điểm này cũng đã dẫn đến yêu cầu từng người cần phải học, học nữa và học mãi, tạo dựng nên một xã hội học tập. Hoạt động giáo dục chuyển từ lấy người dạy làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm.

PGS.TS. Lê Đức Ngọc - giảng viên của khóa tập huấn

Đồng thời trong bài giảng của mình, PGS.TS Lê Đức Ngọc đã phân tích, so sánh các cấp độ về năng lực và chỉ ra những điểm cần đổi mới đối với giáo dục đại học cũng như đưa ra các thang bậc chất lượng là mục tiêu để dạy, học và kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.


Với cách truyền đạt gần gũi và cởi mở, khóa tập huấn đã thu hút được sự chăm chú lắng nghe và thảo luận sôi nổi của học viên. Điều băn khoăn lớn nhất của học viên là làm thế nào để xác định rõ vai trò của người thầy và người học, làm thế nào để sinh viên nâng cao tính sáng tạo? Theo
PGS.TS Lê Đức Ngọc, người thầy cần phải học khoa học giáo dục. Việc dạy nhận thức và dạy tư duy là vấn đề mấu chốt để truyền tải và hướng dẫn cho sinh viên.


Buổi tập huấn thứ hai, PGS.TS. Lê Đức Ngọc đưa ra một số gợi ý về các giải pháp thực hiện: đổi mới về nội dung chương trình đào tạo, đổi mới trong cách dạy và đổi mới phương pháp học với việc thực hành các kỹ năng tự học cơ bản. Khóa tập huấn đã khẳng định việc kiểm tra đánh giá thời nay là một hoạt động dạy và học đặc thù, và là xu thế không thể đảo ngược.


Qua hai buổi tập huấn, PGS.TS. Lê Đức Ngọc cũng giúp cho các giảng viên Trường ĐHKT xác định rõ hơn việc đổi mới căn bản, toàn diện kiểm tra đánh giá là khâu cốt lõi, khâu đột phát đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục - đào tạo và là một nhiệm vụ vô cùng cấp thiết đối với thầy và trò Trường ĐHKT nói riêng, hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung. Với mong muốn, giảng viên Trường ĐHKT luôn là đội ngũ tiên phong đối với việc tiếp cận và áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các khóa học, các lớp tập huấn ngắn hạn bổ ích cho các giảng viên.


Nha Đam

FullName Email
Address Security code ADTILB
Content