Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về phương pháp nghiên cứu khoa học giảng viên

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy của giảng viên theo hướng hội nhập quốc tế, ngày 2/7/2010, Khoa Kinh tế quốc tế đã tổ chức Seminar về “Phương pháp nghiên cứu khoa học của giảng viên”.

Seminar có mặt đầy đủ các giảng viên trẻ đã có thời gian học tập và tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu tại nước ngoài cũng như những giảng viên có kinh nghiệm lâu năm về nghiên cứu, giảng dạy của Khoa Kinh tế quốc tế.
PGS.TS. Hà Văn Hội - Phó CNK Kinh tế quốc tế đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đào tạo đại học, sau đại học đồng thời giới thiệu quá trình xây dựng và phát triển cũng như định hướng nghiên cứu của Khoa đặc biệt trong bối cảnh trường đặt mục tiêu phát triển thành trường đại học nghiên cứu.
Trải qua kinh nghiệm tham gia giảng dạy & nghiên cứu tại Đại học Cambridge, TS. Vũ Anh Dũng,  Chủ nhiệm Khoa Kinh tế quốc tế đã có bài thuyết trình sâu về phương pháp nghiên cứu Case Study. Để làm rõ hơn về phương pháp nghiên cứu một cách khoa học, logic và thống nhất. TS. Vũ Anh Dũng đã đề xuất một trường hợp nghiên cứu điển hình gồm các nội dung: Đại cương về nghiên cứu, Lập kế hoạch nghiên cứu, Chuẩn bị thu thập thông tin, Thu thập thông tin, Chuẩn bị xử lý thông tin; Xử lý và phân tích thông tin, Viết báo cáo kết quả nghiên cứu.
Theo TS. Vũ Anh Dũng, việc xây dựng một Case sudy  là rất cần thiết,  góp phần hệ thống hóa, bổ sung, nâng cao nội dung nghiên cứu gắn liền với các phần mềm thống kê, phân tích thông dụng để đảm bảo có được sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn. Các chương của nghiên cứu phải được kết cấu theo một quy trình nghiên cứu khoa học: Lựa chọn đề tài, tổng quan các nghiên cứu đã có, xác định rõ vấn đề nghiên cứu, xây dựng giả thuyết, xây dựng đề cương nghiên cứu, thu thập dữ liệu, xử lý và phân tích dữ liệu, giải thích kết quả và viết báo cáo.
Từ góc độ tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại trong giảng dạy và nghiên cứu, ThS. Nguyễn Việt Khôi, Giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế đã có bài báo cáo về xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trực tuyến cho giảng viên. ThS. Nguyễn Việt Khôi nhấn mạnh khi có hệ thống máy tính nối mạng, giảng viên có cơ hội giới thiệu một khối lượng tài liệu tham khảo quan trọng cho người học như các loại văn bản pháp luật trong nước và quốc tế, các quy định của nhà nước, các bài nghiên cứu, cơ sở dữ liệu trực tuyến…
Mạng internet sử dụng vào giảng dạy trực tiếp là nơi cung cấp thông tin phong phú, cập nhật, toàn diện và sẵn có cho bài giảng. Đây là nguồn tài nguyên đồ sộ và vô cùng quý giá mà cả người dạy và người học có thể tiếp cận dễ dàng và phát triển ý tưởng. Tiếp đó, ThS. Nguyễn Việt Khôi giới thiệu cách xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến thông qua mạng internet, vấn đề kết nối, truy xuất, cập nhật dữ liệu và lượng thông tin cho dữ liệu cá nhân của từng giảng viên. Có thể nói hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên mạng là sự bổ sung hữu hiệu cho bài giảng để làm gia tốc quá trình giảng dạy, giảm thiểu tình trạng thực hiện bài giảng đơn điệu, gia tăng sự hứng thú và hình thành thái độ tích cực của người học
Trong phần tiếp theo, các đại biểu đã nghe một báo cáo thực tế ngắn gọn của TS. Nguyễn Thị Kim Chi – Giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế về kết quả nghiên cứu của đề tài cấp ĐHQGHN “Chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI”. Bài báo cáo kết quả nghiên cứu gồm bốn phần cơ bản: Tổng quan và định hướng nghiên cứu, Thiết kế nghiên cứu; Thu thập và phân tích dữ liệu; Viết báo cáo đề tài. Việc kết hợp xem xét chủ trì đề tài báo cáo cho một nghiên cứu cụ thể đồng thời nghe các đại biểu góp ý và trao đổi về nghiên cứu thực tế này càng làm cho các giảng viên nắm rõ hơn tiến trình triển khai nghiên cứu cũng như bố cục, kết cấu của một đề tài nghiên cứu mẫu. Phần trao đổi này cũng đặt ra 1 câu hỏi: về lâu dài nên chăng Nhà trường cần biên soạn một giáo trình về phương pháp nghiên cứu khoa học kinh tế dùng chung cho các hệ đào tạo của Trường?
Buổi Seminar kết thúc với sự tán đồng và đánh giá cao về hiệu quả của toàn thể cán bộ, giảng viên trong Khoa. Những kết quả thu được từ  buổi Seminar góp phần khẳng định Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng trường đại học nghiên cứu điển hình trong lĩnh vực kinh tế.

Tin: Bảo Ngọc (Khoa KTQT) Ảnh: Mạnh Tuấn

FullName Email
Address Security code FQWVAS
Content