Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Hội thảo Quản trị rủi ro tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 23/8/2016, Khoa Tài chính - Ngân hàng (TCNH), Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học cấp Trường nhằm trao đổi chuyên đề “Quản trị rủi ro tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam”, kết hợp với báo cáo tiến độ định kỳ đề tài cấp tỉnh “Thực trạng tác động của cụm, khu công nghiệp đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên”.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời có ông Vũ Xuân Thắng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên viên phụ trách chuyên môn của các phòng ban thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên. Về phía Trường ĐHKT - ĐHQGHN có PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng; PGS.TS. Trần Anh Tài - Chủ nhiệm Khoa Kế toán - Kiểm toán, TS. Trần Thế Nữ - Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán - Kiểm toán cùng các cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh hai khoa.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú thay mặt Ban tổ chức nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của hội thảo đồng thời nêu bật điểm mới của hội thảo lần này là sự kết hợp giữa buổi trao đổi chuyên đề của nghiên cứu sinh (NCS) và báo cáo tiến độ định kỳ của đề tài cấp tỉnh. Hội thảo được chia làm 2 phiên: Phiên thứ nhất, nhóm đề tài cấp tỉnh trình bày về “Thực trạng tác động của cụm, khu công nghiệp (KCN) đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên”; Phiên thứ hai, NCS Trịnh Thị Phan Lan trình bày về “Quản trị rủi ro tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam”.

 PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú phát biểu khai mạc hội thảo


Tại phiên thứ nhất, TS. Trần Thế Nữ thay mặt nhóm đề tài trình bày khái quát về thực trạng tác động của cụm, KCN đến sự phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Hưng Yên. Đây là báo cáo tiếp nối của Hội nghị sơ kết đã diễn ra tại tỉnh Hưng Yên ngày 23/12/2015. Tại đây, nhóm đề tài đưa ra những tác động của cụm, KCN đến doanh nghiệp, người lao động bên trong, doanh nghiệp bên ngoài, bộ phận dân cư quanh KCN.
Theo nhóm đề tài, các cụm, KCN đã tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của người lao động. Ngoài ra, họ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được đào tạo và có nguồn thu nhập ổn định… Hoạt động của cụm, KCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, nhóm đề tài cũng nhận thấy hoạt động của cụm, KCN chủ yếu mang tính cá thể nhiều hơn, chưa quan tâm tới việc xây dựng chuỗi nhằm phát triển bền vững và hỗ trợ cộng đồng. Vì vậy, các cụm, KCN đã làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, kèm theo đó là sự du nhập văn hóa nhiều vùng, miền khác nhau, mất ổn định xã hội…
Qua đây, nhóm đề tài đã đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện những tác động tiêu cực tại các cụm, KCN của tỉnh. Điểm đặc biệt của báo cáo lần này, nhóm đề tài đã bổ sung thêm những kinh nghiệm từ đợt điều tra khảo sát tại tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiên cứu nhận được sự đánh giá cao từ Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cùng các cán bộ, giảng viên trong hai khoa.

TS. Trần Thế Nữ - đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo


Trong phiên thứ hai của hội thảo, NCS Trịnh Thị Phan Lan (Khoa TCNH) đã trình bày nghiên cứu về “Quản trị rủi ro tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam”. Theo NCS, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - chính trị toàn cầu năm 2008 cùng với sự mất thanh khoản của hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới; đồng thời tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản cao, tỷ lệ nợ xấu tăng cùng với làn sóng M&A mạnh mẽ và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công ty mua bán nợ thì vấn đề quản trị rủi ro tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam cần được quan tâm chú trọng.

Ảnh 3: NCS Trịnh Thị Phan Lan trình bày báo cáo


Trong khuôn khổ đề tài, tác giả cũng đã đưa ra những phương pháp nghiên cứu chủ yếu như: lựa chọn mô hình kinh tế lượng để tính toán ERM (tuyến phòng thủ của doanh nghiệp) dựa trên mức độ thực hiện TT 210, phương pháp nghiên cứu tại bàn, khảo sát bằng bảng hỏi và phương pháp chuyên gia.

Kết quả nghiên cứu đã tổng kết được một số ưu, nhược điểm của quản trị rủi ro tài chính tại các doanh nghiệp Việt Nam. Theo tác giả, hầu hết các doanh nghiệp có ý thức tiếp cận và chủ động quản trị rủi ro tài chính dù mức độ quan tâm còn khác nhau, bước đầu đáp ứng TT210 nhưng văn hóa quản trị rủi ro chưa thấm nhuần trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết chưa có phòng quản trị rủi ro riêng biệt, công tác đo lường và đánh giá tác động của rủi ro tài chính hiện nay là khâu yếu nhất trong quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp Việt Nam… Từ đó, tác giả đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản trị rủi ro trong các doanh nghiệp tại Việt Nam như nhóm giải pháp tiền đề, nhóm giải pháp về thực thi quản trị rủi ro, nhóm giải pháp hoàn thiện mô hình đánh giá tác động. Kèm với đó là điều kiện thực hiện các giải pháp.

Các khách mời góp ý cho các báo cáo nghiên cứu tại hội thảo

Nhận xét về đề tài, các giảng viên đưa ra gợi ý nên đề xuất doanh nghiệp ứng dụng ERM vào quản trị rủi ro tài chính. Ngoài ra, có một số ý kiến cho rằng tác giả nên chỉ rõ mục tiêu nghiên cứu của đề tài để từ đó đưa ra những câu hỏi nghiên cứu sâu hơn.

Buổi thảo luận giữa cán bộ giảng viên và NCS diễn ra khá sôi nổi và những đóng góp tích cực mang tính xây dựng sẽ giúp NCS hoàn thiện thêm nghiên cứu của mình trước khi bảo vệ cấp Nhà nước.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các Lãnh đạo và cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, các giảng viên và NCS đã đến tham dự và chia sẻ góp phần hoàn thiện cho các đề tài nghiên cứu. Hội thảo kết thúc thành công một lần nữa khẳng định phong trào nghiên cứu khoa học của Khoa TCNH ngày càng lớn mạnh và có những đổi mới vượt bậc về chất lượng của các đề tài nghiên cứu.


Tin: Xuân Thu, Ảnh: Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code UTEAPM
Content