Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Thriive Hà Nội - Dự án vì cộng đồng

Bà Đào và các hộ nghèo nuôi ong
Ngày 4/5/2018, Dự án Thriive Hà Nội do Trung tâm Nghiên cứ Kinh tế Phát triển thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã cùng với Công ty Ong miền núi tổ chức buổi tổng kết lớp học dạy nuôi ong và theo dõi tình hình nuôi ong tại 34 hộ dân tại xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, Công ty Ong miền núi của bà Lưu Thị Đào sản xuất mật ong nhưng do thiếu vốn đầu tư nên đã trình bày ý tưởng sản xuất kinh doanh của mình đến dự án Thriive Hà Nội, nhận thấy tiềm năng phát triển của công ty, dự án Thriive Hà Nội đã cho công ty bà Đào vay lần một. Sau đó, công ty tiếp tục muốn mở rộng sản xuất kinh doanh và được dự án cho vay tiền lần 2. Qua hai lần vay vốn, công ty Ong miền núi đã đi vào hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Hoạt động trả số tiền của công ty được tính bằng cách công ty sẽ tặng các sản phẩm của công ty cho các hộ nghèo, dạy và tạo công ăn việc làm cho các vùng khó khăn, và hoạt động tặng các đồ dùng nuôi ong và truyền nghề cho bà con xã Dân Hòa, huyện Kỳ Phong chính là nằm trong quá trình trả nợ của công ty.

 
 
 
Các học viên của lớp 

Đại diện ban điều phối dự án và đại diện công ty đã có buổi tổng kết lớp học cho 34 hộ dân xã Dân Hòa cũng như thăm một số gia đình nuôi ong và khảo sát việc nuôi ong đã đem lại lợi ích kinh tế như thế nào cho bà con. Nhiều hộ gia gia đình với sự truyền dạy tỉ mỉ của các chuyên gia đến từ công ty đã phát triển đàn ong lên rất lớn, từ 1 2 tổ đã lên gần 20 tổ sau 1 năm, nhiều hộ còn bỏ cả nuôi lợn, nuôi gà truyền thống để chuyển sang nuôi ong lấy mật.

Điểm nổi bật của nuôi ong tại Kỳ Sơn đó là không tốn nhiều công chăm sóc, các loại hoa cho lấy mật đa dạng đặc biệt không phun thuốc trừ sau lên cây cho hoa. Các loại hoa chủ yếu ở khu vực này là nhãn và quất hồng bì. Tuy nuôi ong không tốn nhiều chi phí nhưng đòi hỏi kỹ thuật khá cao nếu không chúng sẽ bay hết, nên việc công ty phổ biến kỹ thuật nuôi là vô cùng cần thiết, đặc biệt vào mùa rét nếu không biết cách ủ ấm thì ong sẽ bay hết vào rừng.

Được biết, với khoảng 10 tổ ong nuôi tốt sẽ cho thu từ 40 đến 50 triệu đồng một năm, giá bán một lít mật ong nguyên chất là 200 nghìn đồng, việc tiêu thụ với bà con nông dân cũng khá dễ do nằm sát đường quốc lộ 6. 

 
Nhiều hộ gia cảnh vẫn khó khăn quyết tâm sẽ vươn lên nhờ nghề nuôi ong 

Thay mặt cho chính quyền xã Dân Hòa, ông Nguyễn Chí Lừng, trưởng xóm 3 nói: Chúng tôi vô cùng cảm ơn công ty Ong miền núi, Dự án Thriive Hà Nội đã đem dự án nuôi ong về đây để giúp bà con nông dân thoát nghèo, có kế sinh nhai. Đây là lần đầu tiên dự án về quê hương chúng tôi đã đem lại một màu sắc mới, sức sống mới cho làng quê, chúng tôi hứa sẽ chăm sóc đàn ong thật tốt để không phụ tấm lòng của công ty và dự án, khi nào công ty và dự án về thăm chắc chắn cả xã Dân Hòa này sẽ chỉ có ong và mật ong ở mọi nơi mà thôi.

 
Nhiều hộ gia đình đã có kế sinh nhai mới 

Bà Lưu Thị Đào, đại diện công ty cho rằng, việc giúp đỡ các hộ dân ở đây là nằm trong chu trình của dự án Thriive đó là doanh nghiệp hướng tới cộng đồng, hướng tới các hộ nghèo với mục đích cuối cùng là giảm nghèo trên mọi miền đất nước, vì vậy công ty cảm thấy rất tự hào khi đem lại nụ cười hạnh phúc cho người dân, đồng thời công ty cũng gửi lời cảm ơn đến dự án Thriive thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với công ty thực hiện các hoạt động cộng đồng ý nghĩa này. Trong thời gian tới, công ty sẽ nỗ lực nhiều hơn để tiếp tục đi hỗ trợ cộng đồng ở các nơi, để đất nước chúng ta không ai bị bỏ lại ở phía sau.

 

Thriive Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Tổ chức Thriive (Hoa Kỳ) từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển và giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 141 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.634 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi…


Nguyễn Công

FullName Email
Address Security code XGTCUQ
Content