Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Thông tin luận án tiến sĩ của NCS Cảnh Chí Dũng

1. Tên luận án: “Phát triển giảng viên theo yêu cầu đại học nghiên cứu: nghiên cứu điển hình tại Đại học Quốc gia Hà Nội”.

2. Tác giả: NCS. Cảnh Chí Dũng

3. Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh
4. Mã số: 62.34.05.01

5. Người hướng dẫn khoa học:

  • PGS.TS. Lê Quân
  • TS. Phan Chí Anh

6. Tên đơn vị đào tạo: Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

7. Tóm tắt một số nội dung chính

7.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
7.1.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của Luận án là phát triển giảng viên, với trọng tâm là tiêu chuẩn giảng viên, mô hình đánh giá và phân nhóm giảng viên theo yêu cầu của ĐHNC.

7.1.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian: Luận án giới hạn nghiên cứu điển hình tại ĐHQGHN. Việc thu thập dữ liệu để kiểm định tiêu chuẩn giảng viên, đánh giá và phân nhóm giảng viên được tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên tại một số đơn vị trực thuộc ĐHQGHN.

- Về thời gian: Luận án phân tích dữ liệu có liên quan đến phát triển giảng viên của ĐHQGHN từ năm 2008 đến hết tháng 03/2014. Khoảng thời gian này đảm bảo đủ dài để thấy được tính xu hướng trong phát triển.

- Về nội dung nghiên cứu: Với nội hàm phát triển NNL trong trường đại học, phát triển giảng viên gồm nhiều nội dung khác nhau. Trong giới hạn nghiên cứu của luận án, tác giả tập trung nghiên cứu: tiêu chuẩn giảng viên và mô hình đánh giá giảng viên theo yêu cầu của ĐHNC.

7.2. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu

7.2.1. Mục tiêu nghiên cứu

Để góp phần bổ sung vào lý thuyết phát triển NNL nói chung và phát triển giảng viên theo yêu cầu của ĐHNC nói riêng, nghiên cứu của Luận án này nhằm các mục tiêu:

- Xây dựng bộ tiêu chuẩn giảng viên theo yêu cầu của ĐHNC.

- Xây dựng và kiểm định mô hình lý thuyết về tác động giữa các nhóm tiêu chuẩn.

- Xây dựng mô hình đánh giá giảng viên trên cơ sở bộ tiêu chuẩn giảng viên theo yêu cầu của ĐHNC.

- Đề xuất cách thức phát triển giảng viên của ĐHQGHN theo yêu cầu của ĐHNC.

7.2.2. Câu hỏi nghiên cứu
Luận án tập trung trả lời các câu hỏi cụ thể sau

Câu 1: Phát triển giảng viên theo yêu cầu của ĐHNC cần áp dụng theo bộ tiêu chuẩn nào đối với giảng viên?

Câu 2: Sử dụng mô hình nghiên cứu nào để kiểm định các nhóm tiêu chuẩn và mối quan hệ giữa các nhóm tiêu chuẩn đó?

Câu 3: Sử dụng mô hình nào để đánh giá giảng viên trên cơ sở bộ tiêu chuẩn đã được kiểm định?

Câu 4: Áp dụng mô hình đánh giá giảng viên (mà luận án đã nghiên cứu, phát triển) vào đánh giá giảng viên của ĐHQGHN thì kết quả như thế nào? Trên cơ sở đó thì cơ chế/cách thức phát triển giảng viên như thế nào để giúp giảng viên ĐHQGHN đáp ứng yêu cầu của ĐHNC?

7.3. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với nghiên cứu định tính. Nghiên cứu định lượng được sử dụng qua các giai đoạn: thiết kế phiếu khảo sát; thu thập thông tin; phân tích dữ liệu với sự hỗ trợ của phần mềm AMOS 21.

Bảng câu hỏi được thiết kế theo thang đo Likert 7 điểm với các biến khác nhau. Các biến được lựa chọn dựa trên cơ sở kết quả của các nghiên cứu trước, các tiêu chuẩn của một số hệ thống xếp hạng đại học trên thế giới, kinh nghiệm thực tiễn của ĐHQGHN và một số trường đại học được xếp hạng trên thế giới. Sau khi thu được các câu trả lời, số liệu sẽ được mã hóa, làm sạch, và xử lý bằng phần mềm SPSS, AMOS 21 thông qua các bước như: thống kê mô tả; phân tích độ tin cậy của dữ liệu sử dụng hệ số tin cậy Cronbach Alpha nhằm loại bỏ các biến có hệ số tương quan giữa các biến và tổng nhỏ; sử dụng công cụ phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis - EFA) nhằm loại bỏ các biến có thông số nhỏ bằng cách kiểm tra hệ số tải nhân tố (Factor loading) và các phương sai trích được; phân tích nhân tố khẳng định (Confirmatory Factor Analysis - CFA) giúp kiểm định các biến quan sát đại diện cho các nhân tố tốt đến mức nào; và mô hình cấu trúc tuyến tính nhằm chỉ ra mối quan hệ giữa các biến tiềm ẩn với nhau cũng như kiểm định các giả thuyết của nghiên cứu.

Nghiên cứu cũng được thực hiện bằng nghiên cứu định tính: sử dụng khi lấy ý kiến chuyên gia về trọng số các tiêu chuẩn, cho điểm đánh giá giảng viên. Trên cơ sở bộ tiêu chuẩn và trọng số thu được, luận án tiến hành xây dựng mô hình ra quyết đa tiêu chuẩn mờ (fuzzy MCDM) để tiến hành đánh giá và phân nhóm giảng viên. Mô hình ra quyết định đa tiêu chuẩn bao gồm các bước chính: xác định tỷ lệ của các lựa chọn tương ứng với các tiêu chuẩn; xác định trọng số của các tiêu chuẩn; chuẩn hóa giá trị tỷ lệ của các lựa chọn đối với tiêu chuẩn khách quan; phát triển các hàm thành viên; giải mờ, xếp hạng và phân nhóm các lựa chọn.

7.4. Những đóng góp mới của Luận án:

Bên cạnh các đóng góp về mặt hệ thống hóa lý luận về ĐHNC, đặc điểm của ĐHNC, tiêu chuẩn giảng viên, mô hình đánh giá giảng viên,…Luận án có những đóng góp mới sau:

Thứ nhất, xây dựng bộ tiêu chuẩn giảng viên, điều kiện phát triển giảng viên theo yêu cầu của ĐHNC.

Thứ hai, đóng góp vào việc phát triển mô hình SEM (sử dụng phần mềm AMOS 21) trong việc phân tích, đánh giá và kiểm định bộ tiêu chuẩn giảng viên; điều kiện phát triển giảng viên; xác định mối quan hệ (tác động giữa nội bộ các biến tiềm ẩn: nhóm tiêu chuẩn và với biến điều kiện phát triển giảng viên).

Thứ ba, xây dựng mô hình mới (mô hình fuzzy MCDM) để đánh giá và phân nhóm giảng viên trên cơ sở bộ tiêu chuẩn đã được kiểm định; áp dụng cụ thể vào trường hợp của ĐHQGHN.

Thứ tư, đề xuất cách thức phát triển giảng viên của ĐHQGHN nhằm đáp ứng yêu cầu của ĐHNC (trên cơ sở bộ tiêu chuẩn, kết quả đánh giá và phân nhóm giảng viên).


Trường ĐHKT - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code PZGHBV
Content