Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Thông tin luận án tiến sĩ của NCS Phạm Mỹ Hằng Phương

Tên đề tài: Phân bổ ngân sách nhà nước cho các địa phương ở Việt Nam: Thực trạng và cơ chế

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Mỹ Hằng Phương

2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 11/01/1990

4. Nơi sinh: Thái Bình

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 4093/QĐ-ĐHKT ngày 16/12/2016

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Điều chỉnh tên đề tài luận án tiến sĩ theo quyết định số 3800/QĐ-ĐHKT ngày 18/12/2018

7. Tên đề tài luận án: Phân bổ ngân sách nhà nước cho các địa phương ở Việt Nam: Thực trạng và cơ chế

8. Chuyên ngành: Tài chính ngân hàng

9. Mã số: 9340201.01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: - PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn

                                                        - TS. Nguyễn Sơn

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Đề tài “Phân bổ ngân sách nhà nước cho các địa phương ở Việt Nam: Thực trạng và cơ chế” được thực hiện với mục đích xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả phân bổ Ngân sách nhà nước, áp dụng cho thực tiễn ở Việt Nam, từ đó xác định ưu điểm, nhược điểm và đề xuất giải pháp nâng cao kết quả phân bổ ngân sách nhà nước.

Thông qua quá trình nghiên cứu, bộ tiêu chí phân bổ ngân sách nhà nước được xây dựng bao gồm 3 tiêu chí: công bằng, hiệu quả và ổn định. Các tiêu chí này được đo lường thông qua các chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người mỗi địa phương, GDP bình quân đầu người mỗi địa phương, biến đổi của thu nhập. Các mô hình phù hợp để đánh giá bao gồm mô hình xác định chỉ số tái phân bổ, mô hình xác định chỉ số ổn định và mô hình xác định giá trị lan tỏa của ngân sách nhà nước được phân bổ.

Thông qua đánh giá thực trạng phân bổ ngân sách nhà nước, có thể nhận thấy một số điểm bất hợp lý còn tồn tại như sau. Thứ nhất, nguồn vốn Trung ương bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu tập trung nhiều vào khu vực khó khăn, như Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng những khu vực này chưa cho thấy sự nỗ lực tự chủ về nguồn thu trong suốt giai đoạn 2001 – 2015. Thứ hai, mặc dù nguồn vốn phân bổ như trên được cho là thỏa mãn tiêu chí công bằng, chia sẻ giữa các địa phương, nhưng đánh giá thông qua mô hình với chỉ số tái phân bổ cho thấy, hoạt động phân bổ không tác động lớn tới chênh lệch thu nhập của người dân các khu vực. Do đó, cần làm rõ khái niệm công bằng trong phân bổ ngân sách nhà nước để có quan điểm phân bổ phù hợp, chính xác hơn. Thứ ba, nguồn vốn bổ sung vào các địa phương có tác động tích cực tới tăng trưởng thu nhập của người dân, nhưng chỉ tập trung vào nhóm dân số giàu nhất, trong khi các nhóm dân số còn lại không nhận được giá trị có ý nghĩa thống kê. Thứ tư, hoạt động phân bổ cho thấy tác động tiêu cực lên hành vi tài khóa của chính quyền địa phương, khi bổ sung cân đối ngân sách nhà nước tác động tích cực tới chi ngân sách nhưng tiêu cực tới thu ngân sách địa phương.

Thực trạng nêu trên trong phân bổ ngân sách nhà nước bắt nguồn từ những hạn chế trong cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước ở nước ta, cụ thể: Thứ nhất, mục tiêu phân bổ ngân sách còn chưa rõ ràng. Thứ hai, tính tự chủ của chính quyền địa phương nhận vốn chưa cao. Thứ ba, còn tồn tại sự bất hợp lý giữa trách nhiệm chi tiêu và khả năng huy động nguồn lực của địa phương. Thứ tư, tính dự đoán của ngân sách chưa cao và kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Thứ năm, tính minh bạch trong phân bổ ngân sách chưa cao. Thứ sáu, cơ chế phân bổ còn thiếu tính khuyến khích và chưa mang lại hiệu quả. Thứ bảy, trách nhiệm giải trình còn thấp và thứ tám, việc áp dụng khuôn khổ chi tiêu công trung hạn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Nhằm xử lý những điểm yếu này, tác giả đưa ra một số giải pháp, kiến nghị chính sách như sau: Thứ nhất, tình trạng mục tiêu phân bổ ngân sách còn chưa rõ ràng và trách nhiệm giải trình chưa cao được gợi ý cải thiện thông qua cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra. Thứ hai, tăng cường tính tự chủ của chính quyền địa phương, nhà nước quản lý chất lượng kết quả chứ không đi sâu vào quy trình. Thứ ba, sự bất hợp lý giữa trách nhiệm chi tiêu và khả năng huy động nguồn lực của địa phương có thể được hạn chế thông qua dự toán ngân sách phù hợp với năng lực tài khóa của địa phương. Thứ tư, tính minh bạch trong phân bổ ngân sách được cải thiện thông qua các biện pháp về công bố thông tin, giám sát và hoàn thiện chu trình ngân sách. Thứ năm, nâng cao tính khuyến khích và hiệu quả phân bổ, thông qua hạn chế phân bổ vô điều kiện cho các địa phương khó khăn, tập trung hơn vào các khu vực trọng điểm. Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chi tiêu công trung hạn, giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tránh việc xây dựng kế hoạch mang tính quan liêu, đối phó của địa phương.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

- Luận án xây dựng khung phân tích đánh giá kết quả phân bổ Ngân sách nhà nước cho các địa phương, là nguồn tài liệu tham khảo có cơ sở khoa học đối với các cơ quan chính quyền trong công tác phân bổ ngân sách, cũng như các nhà khoa học nghiên cứu vấn đề liên quan.

- Luận án là tài liệu tham khảo trong giảng dạy các môn học liên quan tới lĩnh vực tài chính công, ngân sách và quản lý tài khóa.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

- Nghiên cứu tác động của phân cấp tài khóa và bổ sung ngân sách cho các địa phương tới hành vi tài khóa của chính quyền địa phương.

- Nghiên cứu mối quan hệ giữa công bằng và hiệu quả trong phân bổ ngân sách nhà nước cho các địa phương ở Việt Nam

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

TT

Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án

1

Pham P.M.H, Do V.L. Lo D.T, Regional redistribution and stabilization in Vietnam: Role of intergovernmental fiscal transfer, International Journal of Applied mathematics and Statistics, Vol. 58, Issue No.1, Year 2019, Page 12 – 27 – Tạp chí thuộc danh mục ISI

2

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Mỹ Hằng Phương, “Một số lý luận cơ bản về nguồn lực và các quan điểm về phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế thị trường”, Kỷ yếu hội thảo: Phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế: Mô hình lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, Đề tài KX.04.14/16-20 Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ngày 31 tháng 10 năm 2017.

3

Phạm Mỹ Hằng Phương, “Mô hình kinh tế cho phân bổ nguồn lực và các nhân tố ảnh hưởng đến phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế thị trường”, Kỷ yếu hội thảo: Phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế: Mô hình lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, Đề tài KX.04.14/16-20 Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ngày 31 tháng 10 năm 2017.

4

Phạm Mỹ Hằng Phương, “Nâng cao minh bạch tài chính thông qua chu trình ngân sách mở”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 29 tháng 10/2018

5

Phạm Mỹ Hằng Phương, “Nâng cao hiệu quả phân bổ vốn đầu tư phát triển cho các địa phương ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 28 tháng 10 năm 2018

6

Phạm Mỹ Hằng Phương, “Cơ chế phân bổ ngân sách trung ương cho địa phương: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25 tháng 09 năm 2018

7

Phạm Mỹ Hằng Phương, Nguyễn Thị Hải Yến, “Cải cách quản lý tài chính công thông qua áp dụng khuôn khổ chi tiêu công trung hạn”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17 tháng 06 năm 2018

 

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code YLOVVE
Content