Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Nghiên cứu sinh vừa phải làm khoa học tốt vừa phải giảng hay

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu tại khóa học
Đây là yêu cầu của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê tới các nghiên cứu sinh đang theo học tại trường trong khóa học ngắn hạn “Nâng cao năng lực nghiên cứu quốc tế” kéo dài 4 ngày, kết thúc ngày 20/1/2019.

Khóa học Nâng cao năng lực nghiên cứu quốc tế do Trường ĐH Kinh tế mở ra nhằm mục đích cung cấp cho nghiên cứu sinh các phương pháp, trường phái và định hướng nghiên cứu khoa học. Tham gia đứng lớp có các nhà khoa học/ các giảng viên nổi tiếng như PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS Trần Xuân Bách, PGS.TS Hoàng Văn Hải, PGS.TS Hà Văn Hội, PGS.TS Trần Đức Hiệp, TS. Đinh Thị Thanh Vân, TS. Hoàng Khắc Lịch, TS. Trần Quang Tuyến… Đây là các nhà khoa học có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế và từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án.

Mỗi giảng viên đứng lớp lại lựa chọn cho mình một chuyên đề riêng để trình bày với nghiên cứu sinh, như PGS.TS Hoàng Văn Hải cho rằng nghiên cứu sinh tập trung vào việc xác định đề tài và đặt tên đề tài chuẩn xác như vậy là đã thành công được 50%. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng, đã học nghiên cứu sinh thì phải sáng tạo ra cái mới, tuyệt đối không được sao chép bất cứ điều gì trừ các số liệt thống kê, nếu như sao chép trí tuệ thì trên thế giới sẽ không còn ai nghĩ và sáng tạo nữa.

 
PGS.TS Hoàng Văn Hải (đứng hàng đầu, thứ ba từ phải sang) và các nghiên cứu sinh 

Về phía mình, TS. Đinh Thị Thanh Vân đặc biệt nhấn mạnh đến đặc điểm của một đề tài tốt đó là đề tài phải có phạm vi giới hạn, có tính mới và độc đáo, xử lý vấn đề trọn vẹn và trình bày chặt chẽ, dễ hiểu. Bà cho rằng, tuy là đề tài nghiên cứu sinh nhưng vẫn phải có giới hạn cụ thể vì nếu không sẽ tràn lan không tập trung vào vấn đề, điều quan trọng nhất là phải giải quyết được vấn đề khoa học chứ không phải chỉ nêu ra và nêu giải pháp chung chung.

 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, TS. Đinh Thị Thanh Vân và các nghiên cứu sinh 

PGS.TS Trần Xuân Bách thì khẳng định, muốn nâng cao năng lực nghiên cứu quốc tế, trước tiên nghiên cứu sinh phải là người giỏi ngoại ngữ, từ đó nghiên cứu sinh sẽ chủ động tìm đọc các tài liệu nước ngoài. Khi nghiên cứu sinh tiếp cận được các tài liệu nước ngoài và cộng đồng nhà khoa học quốc tế thì công việc nghiên cứu của nghiên cứu sinh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

 
PGS.TS Hà Văn Hội tham gia giảng dạy 

Đánh giá về khóa học, PGS.TS Trần Xuân Bách cũng cho rằng, đây là một khóa học rất hữu ích được tổ chức khi các nghiên cứu sinh chuẩn bị bước vào quá trình tự nghiên cứu, vì đã là nghiên cứu sinh thì không phải chỉ học mà phải tự học, tự nghiên cứu, làm việc độc lập. Ông cũng cho rằng khóa học là điểm khác biệt trong đào tạo nghiên cứu sinh của Nhà trường, vì hiện nay chưa có nhiều trường tổ chức được lớp ngắn hạn đầu khóa như thế này.

 
 
PGS.TS Trần Xuân Bách cùng các nghiên cứu sinh 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê yêu cầu nghiên cứu sinh phải dạy được cho học viên cao học 

Kết thúc khóa học ngắn hạn với sự trình bày của 8 nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã yêu cầu các nghiên cứu sinh đang theo học tại trường không những phải làm khoa học tốt mà còn phải giảng dạy hay. Giảng dạy ở đây có thể là cho sinh viên hoặc học viên cao học, Nhà trường sẽ bố trí, sắp xếp các nghiên cứu sinh làm trợ giảng cho trường. Ông cho rằng câu thành ngữ "Học thầy không tày học bạn" chưa bao giờ cũ, phải để cho nghiên cứu sinh đứng lớp, từ góc độ của người giảng họ mới dễ phát hiện ra các vấn đề khoa học chưa giải quyết được và có thêm động lực để tiếp tục đi sâu giải quyết vấn đề khoa học.

Với việc 21 nghiên cứu sinh hoàn thành khóa học, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã trao chứng nhận hoàn thành khóa học cho 21 nghiên cứu sinh, thể hiện sự thành công của khóa học, hứa hẹn đây sẽ là khóa học đều đặn trong các năm tới khi đào tạo nghiên cứu sinh và có thể triển khai khóa học với học viên cao học.


Văn Công

FullName Email
Address Security code GQZKEU
Content