Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Thu hút sinh viên quốc tế là thước đo thành công

Sinh viên được theo học chương trình giảng dạy hiện đại dưới sự cố vấn và tham gia giảng dạy trực tiếp của các chuyên gia ở các trường ĐH hàng đầu thế giới.
Là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mô hình đào tạo tiên tiến đạt trình độ quốc tế theo Đề án "Xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn ở Đại học Quốc gia Hà Nội đạt trình độ quốc tế" (gọi tắt là Đề án 16 + 23), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã xây dựng chương trình đào tạo quản trị kinh doanh đạt chuẩn quốc tế nhưng mang bản sắc Việt Nam.

- Xin Tiến sĩ cho biết mục tiêu của trường khi triển khai chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế?
Trường Đại học Kinh tế được ĐHQGHN giao thực hiện đề án thành phần là đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh trong tổng số 16 ngành đào tạo bậc đại học và 23 chuyên ngành sau đại học tiên tiến đạt trình độ quốc tế. Trường Đại học Kinh tế coi đây là cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Bên cạnh đó, qua chương trình này, chúng tôi sẽ đào tạo những cán bộ chất lượng cao để tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo khác nói riêng cũng như công tác đào tạo của trường nói chung nhằm thực hiện phát triển bền vững theo hướng chất lượng đẳng cấp quốc tế.
- Vậy Trường Đại học Kinh tế đã có những chuẩn bị gì để thực hiện chương trình này thưa tiến sĩ?
Trước hết, chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng đề án đào tạo, bao gồm khung chương trình đào tạo; các qui định, điều kiện đảm bảo, thành lập ban điều hành, chuẩn bị đội ngũ giảng viên, nhập giáo trình, học liệu...
Trong việc xây dựng khung chương trình, chúng tôi đã được giáo sư của Trường Kinh doanh Haas (Haas School of Business), thuộc ĐH California, Berkeley cố vấn tận tình. Do đó Khung chương trình này tham khảo các module môn học của Trường Kinh doanh Haas theo hướng hiện đại nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Mặt khác, chúng tôi rất coi trọng công tác PR để xã hội, phụ huynh, học sinh hiểu và thấy được ưu việt của chương trình này. Từ đó thu hút được các em học sinh giỏi, đặc biệt là những học sinh ở các trường chuyên các tỉnh phía bắc.
- Tiến sĩ vừa nói đến khung chương trình, vậy làm thế nào để xây dựng được khung chương trình vừa đạt trình độ quốc tế lại vừa mang bản sắc Việt Nam?
Khi các chuyên gia quốc tế cố vấn xây dựng chương trình thì tính logic được đặt lên cao. Theo đặt bài của chúng tôi, mục tiêu phải đào tạo ra sản phẩm là các cán bộ lãnh đạo, CEO trong lĩnh vực quản trị kinh doanh có khả năng hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế, có thể làm được việc ở mọi nơi trên thế giới. Những sinh viên này sẽ có kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại; kỹ năng phù hợp trong giao tiếp, làm việc theo nhóm và sử dụng thành thạo tiếng Anh… đồng thời phải có những phẩm chất của người lãnh đạo... Với mục tiêu đặt ra ra như vậy, các giáo sư nước ngoài đã phối hợp với cán bộ của Trường Đại học Kinh tế xây dựng hệ thống modul các môn học cần thiết cho khối kiến thức hiện đại về quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế Việt Nam, chúng tôi đã triển khai một số môn học về kinh tế mang bản sắc Việt Nam như Cơ sở văn hóa Việt Nam, Lịch sử kinh tế Việt Nam... Ngoài ra những môn học trong các modul về lãnh đạo, quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán... tuy giảng dạy theo giáo trình nước ngoài, nhưng sẽ có những case study, bài tập gắn với điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
- Có nghĩa là phần lớn các môn học sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh?
Sau khi đã có khung chương trình chúng tôi bắt đầu phân các môn học cho đầy đủ 4 năm học. Trong khung chương trình này có 60 - 65% số môn học bằng tiếng Anh.
- Như vậy buộc những cán bộ tham gia giảng dạy đều phải thông thạo tiếng Anh?
Cán bộ giảng dạy tham gia chương trình này phải có trình độ từ tiến sĩ trở lên, có trình độ chuyên môn giỏi, tiếng Anh tốt, có phương pháp sư phạm và đặc biệt là tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy của chúng tôi bao gồm cả giáo viên trong trường và ngoài trường, đặc biệt có sự tham gia của các giáo sư nước ngoài, Việt kiều.
Trường Đại học Kinh tế có hơn 30 cán bộ giảng dạy tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới, có thể giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh. Để nâng cao hơn nữa trình độ giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh, nhà trường đã cử các cán bộ này tham gia các khóa bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Những cán bộ này, khi kết thúc khóa học, sẽ nhận được chứng chỉ quốc tế. Ngoài những khóa học này với sự hỗ trợ của ĐHQGHN, trường cũng đang chuẩn bị cử các cán bộ giảng dạy và quản lý chương trình này đi học các khóa dài hạn và ngắn hạn khác để nâng cao trình độ cán bộ ở trong và ngoài nước.
- Thế nhà trường đã có những chuẩn bị gì về cơ sở vật chất?
Các phòng học sử dụng cho chương trình này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như trang bị các thiết bị nghe nhìn, máy chiếu & màn chiếu, kết nối wifi… Ngoài ra, chúng tôi đã bổ sung nhiều giáo trình nhập ngoại bằng tiếng Anh theo chương trình của Trường Haas School of Business cho phòng tư liệu của trường.
- Tiến sĩ có thể cho biết những đặc sắc và ưu việt khi sinh viên theo học Trường Đại học Kinh tế so với các trường đại học khác đào tạo Quản trị Kinh doanh?
Sinh viên được theo học chương trình giảng dạy hiện đại dưới sự cố vấn và tham gia giảng dạy trực tiếp của các chuyên gia ở các trường ĐH hàng đầu thế giới. Cùng với đó, các cán bộ tham gia giảng dạy chương trình này phải có trình độ tiến sĩ và chuyên môn giỏi. Đặc biệt, chương trình đạt chuẩn quốc tế nhận được sự đầu tư rất lớn của Nhà nước trong đó có đầu tư cho sinh viên. Theo đó, mỗi sinh viên được hỗ trợ mức học phí 270 USD/tháng và chỉ phải đóng 46 USD/tháng.
Ngoài những ưu tiên về hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn quốc tế thì những sinh viên được ưu tiên tham gia các chương trình giao lưu quốc tế, ưu tiên học bổng hỗ trợ của các tổ chức trong nước, nước ngoài. Hơn nữa, các em sinh viên sẽ được ưu tiên thực tập ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ngoài việc giúp các em được cọ xát trong môi trường thực tế thì đây cũng là cách để giới thiệu các em với các doanh nghiệp.
- Vậy mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có vai trò như thế nào đối với một chương trình đào tạo chất lượng quốc tế như thế này?
Hiện nay, chúng tôi đã có hơn 30 đối tác trong nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Vinashin, VNPT, Tập đoàn Gami, các ngân hàng… Nhà trường và các doanh nghiệp đã ký kết các hợp tác nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, cung cấp học bổng và tuyển dụng nhân sự. Chúng tôi đang tiếp tục phát triển mối liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp và coi đây là một phần quan trọng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Thế còn hợp tác quốc tế thì sao, thưa Tiến sĩ?
Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế đã hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng các chương trình quốc tế để quốc tế hóa các chương trình nội địa. Để nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, nhiều cán bộ của trường đã tham gia giảng dạy và làm việc cùng với các chuyên gia nước ngoài theo các chương trình liên kết quốc tế của trường như chương trình ĐH Troy, ĐH North Central, ĐH Uppsala, ĐH Paris 12… Ngoài ra thông qua các chương trình hợp tác quốc tế chúng tôi học được các phương pháp, kỹ năng quản lý các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Thông qua hợp tác và các chương trình đạt trình độ quốc tế chúng tôi cũng muốn thu hút sinh viên quốc tế theo học càng ngày càng nhiều. Từ trước đến nay, chúng tôi đã thu hút được các sinh viên từ Ucraina, Lào, Nhật Bản… đến theo học. Với chương trình này, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều sinh viên quốc tế hơn đến học. Chúng tôi quan niệm rằng, chương trình đạt trình độ quốc tế thì một trong các thước đo chính là thu hút được sinh viên quốc tế đến theo học.
- Với những ưu việt như vậy, Trường Đại học Kinh tế đã thu hút được bao nhiêu sinh viên theo học chương trình?
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, khóa đầu tiên chúng tôi đã tuyển được 43 học sinh có điểm đầu vào cao. Sau khi trúng tuyển, các em được học tập trung 1 năm tiếng Anh. Sau học kỳ đầu tiên chỉ có 4 sinh viên có điểm TOEFL dưới 400, những sinh viên này được chuyển sang các chương trình đào tạo khác. Tiếp tục, cuối tháng 8 năm nay, những sinh viên còn lại sẽ trải qua đợt thi IELTS, với yêu cầu tối thiểu phải đạt 6.0 hoặc TOEFL phải đạt tối thiểu 550 điểm. Vượt qua các kỳ thi tiếng Anh, những sinh viên này sẽ bước vào học năm thứ 2. Trong năm học 2009 này, sẽ có 4 sinh viên được cử đi dự hội nghị GPAC ở Nhật Bản.
- Cuối cùng, xin Tiến sĩ cho biết khi thực hiện chương trình đào tạo quản trị kinh doanh đạt chuẩn quốc tế, Trường Đại học Kinh tế gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Thuận lợi đó là chương trình đặt ra trong bối cảnh phải nâng cao chất lượng đào tạo và hướng tới chuẩn mực quốc tế trong xu hướng hiện nay. Chính vì vậy chúng tôi đã nhận dược sự ủng hộ của toàn xã hội. Một thuận lợi nữa chính là nhận được sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước và của ĐHQGHN. Hơn nữa, chúng tôi có một đội ngũ cán bộ giảng dạy đông đảo được đào tạo ở nhiều trường ĐH đẳng cấp trên thế giới. Khó khăn vì đây là chương trình mới nên nhiều cán bộ, sinh viên, học sinh và phụ huynh chưa hiểu hết và hiểu đúng tầm quan trọng của chương trình. Thêm nữa chúng tôi cũng rất cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, ĐHQGHN hơn nữa về tài chính để hiện đại hóa cơ sở vật chất.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!


Đức Phường - Bùi Tuấn (thực hiện) Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009]

FullName Email
Address Security code ETMRFN
Content