Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Ba năm để đổi mới quản lý giáo dục ĐH

Nguyên nhân của những bất cập trong giáo dục đại học hiện nay được nhìn nhận là do quản lý kém. Vì vậy, phải đổi mới mạnh mẽ trong quản lý giáo dục đại học.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về việc đổi mới quản lý giáo dục đại học trong ba năm tới đã được đại diện các trường đại học, cao đẳng thảo luận tại hội nghị do Bộ GD-ĐT tổ chức tại sáu điểm cầu truyền hình trên cả nước sáng 6-3.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chính giáo dục đại học trong 23 năm qua đã làm sứ mạng lịch sử là cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế. Sự phát triển vượt bậc về số lượng của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay nhằm đáp ứng tăng trưởng quy mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, số lượng tăng nhanh nhưng chất lượng lại không kiểm soát được.
“Những khó khăn kéo dài trong đổi mới giáo dục đại học chính là sự bền vững của chất lượng... Cần phải nhanh chóng đổi mới cách làm, cách quản lý” - ông Nhân nói.
Vi phạm quy luật quản lý
Theo ông Nhân, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã làm nhiều việc đúng hướng: yêu cầu nâng cao trình độ giảng viên, tuy nhiên sau 23 năm đổi mới tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn không biến đổi (11%); yêu cầu các trường phải có đủ giáo trình nhưng đến nay nhiều trường vẫn không đủ; việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin nhiều trường hiện không thực hiện... vẫn không bị làm sao. Những giải pháp về sư phạm đã làm đúng hướng nhưng chưa thể giải quyết được các thiếu sót.
Hiện nay vẫn chưa có ai đánh giá hiệu trưởng một trường đại học. Ông Nhân nói: “Hiệu trưởng có quyền quản lý cả trăm giáo viên, hàng ngàn sinh viên nhưng cả hai đối tượng này lại không được quyền đánh giá hiệu trưởng. Việc hiệu trưởng có được tiếp tục làm việc hay không, giáo viên không có tiếng nói nào. Như vậy là vi phạm quy luật quản lý”.

Công khai 3 nội dung:
Bộ GD-ĐT yêu cầu trong thời gian tới các trường phải công bố trên trang web của trường ba nội dung: cam kết thực hiện đổi mới quản lý giáo dục trong ba năm; những căn cứ mang tính thuyết phục cho cam kết này; công bố điều kiện đảm bảo chất lượng và chiến lược năm năm phát triển. Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đại học, cao đẳng phải tổ chức thảo luận về việc làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, rà soát chỉ tiêu phát triển giáo dục đại học trong 10 năm tới và đổi mới cách làm cụ thể trên cơ sở chỉ thị của Thủ tướng và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 cũng nhận định giáo dục đại học bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém: chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cơ chế quản lý của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học và sự quản lý của các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất hợp lý kéo dài, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và sự tự chịu trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý và sinh viên để đổi mới mạnh mẽ, căn bản giáo dục đại học. Tiềm năng đầu tư của xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển giáo dục đại học chưa được phát huy hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân của tình hình trên, nhưng nguyên nhân căn bản chính là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học và sự yếu kém trong quản lý của bản thân các trường đại học, cao đẳng.
Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đã nhận định chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao hạn chế, hiệu quả đào tạo chưa cao, một số tiêu cực chậm khắc phục...
Các yếu kém về chất lượng đào tạo và hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong những năm qua bắt nguồn từ sự vi phạm các quy luật chi phối hoạt động của hệ thống giáo dục đại học.
Kỷ cương quản lý chưa nghiêm
PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, giám đốc Đại học Huế, cho rằng: “Những bất cập trong giáo dục hiện nay chính là vấn đề quản lý. Hệ thống văn bản pháp quy vừa thiếu vừa không đồng bộ và không theo kịp thực tiễn. Đặc biệt, kỹ cương trong quản lý chưa nghiêm. Đây là nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý chưa được như mong muốn. Việc phân cấp, phân công chậm trễ, đặc biệt vấn đề xử lý công việc hành chính đối với các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, công tác kiểm định chất lượng chưa làm quyết liệt. Những đánh giá của chúng tôi đối với bản thân hoặc đối với các trường khác chỉ mang tính định tính, bình quân và thiếu tính khuyến khích”.
Ông Toàn đề nghị hình thành các tổ chức kiểm định giáo dục độc lập, quản lý nhà nước về công tác kiểm định.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng nhấn mạnh phải gắn giữa tự chủ và chất lượng: “Về lâu dài phải có cơ quan kiểm định chất lượng độc lập. Phải có tiêu chí đánh giá để ghi nhận chất lượng, qua đó làm động lực cho các trường phấn đấu. Khi các trường đạt được tiêu chí đó rồi họ được quyền tự chủ. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng trường nào cũng tự kê khai mình có chất lượng nhưng thực tế không ai giám định chất lượng đó”.
Các đại biểu cho rằng trong việc hoàn thiện và tổ chức hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học phải theo thực tế cuộc sống và quan trọng nhất là phải thực hiện nghiêm các quy định này.
PGS.TS Thái Bá Cần, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “Hi vọng trong việc đổi mới quản lý giáo dục đại học sắp tới, cũng như các văn bản pháp quy sẽ được ban hành đi theo hướng tăng tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo”.
Theo Phó thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, chương trình hành động được triển khai trong ba năm 2010-2012. Bên cạnh đó, sẽ có 23 văn bản quản lý nhà nước về giáo dục đại học được ban hành theo nghị quyết này.
Việc phân công, phân cấp quản lý các trường đại học, cao đẳng theo hướng phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành quản lý trường và UBND các tỉnh, thành phố.


T.HUỲNH - T.V.HÀ

FullName Email
Address Security code CQJLSI
Content