Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Thử bàn về những yếu tố làm nên thương hiệu đại học

Đại học Cambridge
Thương hiệu của một trường đại học, suy cho cùng là các sản phẩm của nó (kết quả đào tạo, các công trình nghiên cứu khoa học; các dịch vụ; những sáng kiến, cải tiến về mặt kỹ thuật…) được xã hội chấp nhận. Đương nhiên, để tạo ra thương hiệu đại học, đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian và công sức, kể cả sự đầu tư rất lớn về mặt vật chất.

Ngay cả các trường đại học danh tiếng của Tây Âu như Đại học Paris (Pháp), Oxford, Cambridge (Anh), Xalamanca (Tây Ban Nha), Palermơ (Italia)…được thành lập từ thế kỷ XII, cũng phải mất vài trăm năm mới tạo nên thương hiệu nổi tiếng như ngày nay.

Nói như vậy để thấy rằng, tại Việt Nam, tuổi đời của một trường đại học (University) theo đúng nghĩa của nó già nhất cũng chỉ mới trên dưới một thế kỷ, nhưng trong chừng ấy thời gian, đất nước đã trải qua không ít những năm tháng chiến tranh, yêu cầu đào tạo nguồn lực đại trà được đặt ra cấp thiết, chúng ta chưa có điều kiện để tập trung phát triển đại học tinh hoa cũng là điều dễ hiểu.

Vì vậy, các trường đại học của nước ta hiện nay theo đánh giá của nhiều người là yếu kém và thiếu các đặc trưng cơ bản của giáo dục đại học quốc tế, đó là sự đa dạng của công tác nghiên cứu và giảng dạy, nhất là ở cấp độ cao; khả năng duy trì, thúc đẩy, truyền bá, hỗ trợ cho việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; tính độc lập về trí tuệ chưa rõ ràng….

Cũng theo các nhà nghiên cứu, có mấy nguyên nhân làm cho giáo dục đại học nước ta chưa theo kịp trình độ quốc tế, đó là cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy, nghiên cứu còn quá lạc hậu; cách thức tổ chức đại học thiếu tính hệ thống, thiếu sự liên kết giữa các trường, làm giảm tính hiệu quả khai thác nguồn lực chất xám và cơ sở vật chất; hệ thống kiểm định, đo lường chất lượng giáo dục chưa đồng bộ. Đặc biệt, sứ mệnh, mục tiêu và phương hướng phát triển của các đại học không rõ ràng, thiếu minh bạch; trình độ chuyên môn và động cơ làm việc của giảng viên đại học còn non yếu…

Trong bối cảnh ấy, việc xác định hướng phát triến cho các trường đại học, nhất là các trường đại học địa phương mới ra đời trong thời gian gần đây là vấn đề mang tính sống còn, tạo đà cho sự phát triển bền vững trong tương lai, từ đó mới có thể tạo ra thương hiệu, đủ sức cạnh tranh, thu hút học sinh theo học.

Đành rằng, việc phát triển đại học theo hướng đa ngành, đa cấp, đa hệ là một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay, nhưng việc xây dựng lộ trình cụ thể cho từng bước đi, phù hợp với khả năng hiện có và sẽ có, đồng thời tỉ lệ thuận với nhu cầu sử dụng của xã hội là vấn đề quan trọng hơn nhiều.

Muốn tạo thương hiệu đại học, trước hết chất lượng đào tạo phải đảm bảo. Muốn có chất lượng, phải có một đội ngũ cán bộ giảng dạy vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Bởi, nét đặc trưng của việc giảng dạy bậc đại học, là người dạy phải dạy cái mình nghiên cứu cho sinh viên, chứ không phải là trình bày lại kết quả nghiên cứu của người khác.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng viết: “... Ngay tại miền Nam trước năm 1975, dù một người có bằng cấp cao nhưng nếu không giỏi cũng khó trở thành giảng viên đại học. Mặt khác, để được công nhận, các thầy phải dạy giỏi thực sự, hằng năm phải công bố công trình nghiên cứu mới trên tạp chí Đại học và các sách xuất bản. Do đó, nguồn giảng viên thuộc diện biên chế thực thụ của từng trường thường rất ít, chủ yếu các trường mời thỉnh giảng, đặc biệt là người ta rất chú ý mời các học giả, đó là những người dù không có bằng Cử nhân, Tiến sĩ nhưng là những nhà nghiên cứu, có kiến thức chuyên môn sâu, có công trình nghiên cứu được xã hội công nhận đến dạy giờ”. Đó là một việc làm bình thường của giáo dục đại học. Vì suy cho cùng, thương hiệu của một trường đại học được quyết định bởi những tri thức mà nó cung cấp cho người học, chứ không phụ thuộc vào số lượng thạc sĩ, tiến sĩ nhiều hay ít. Đó là chưa nói đến hiệu quả kinh tế, một bài toán mà bất cứ nhà quản lý giáo dục đại học nào trong điều kiện hiện nay của nước ta đều phải tính đến, nếu không sẽ dẫn đến phá sản.

Thứ hai là sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính trên địa bàn. Sự gắn kết này sẽ tạo ra nhiều lợi thế. Trước hết, các trường đại học nắm bắt kịp thời nhu cầu về nguồn nhân lực, các tiêu chuẩn về đào tạo để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, qui trình đào tạo một cách hợp lý. Mặt khác, sẽ tranh thủ được cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, vốn sống thực tế để sinh viên thực tập, rút ngắn sự bỡ ngỡ của sinh viên sau khi ra trường, chưa kể việc các trường đại học có thể thu hút vốn đầu tư từ các nhà doanh nghiệp; đào tạo, nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước.

Thứ ba, cần xây dựng kế hoạch đào tạo liên thông giữa các bậc học một cách khoa học, dựa trên cơ sở liên kết mật thiết giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh. Bởi, ngay cả tên gọi University vốn đã có nghĩa đen là “liên hợp”, nhằm tận dụng, khai thác tối đa các nguồn lực (nhân lực và vật lực), phát huy thế mạnh của từng trường.

Muốn làm được điều này, theo chúng tôi, lãnh đạo của các trường không kể trung cấp hay đại học cần có một cái nhìn thực tế (về đội ngũ, cơ sở vật chất, nhu cầu tại chỗ…) mà xây dựng kế hoạch đào tạo, qui hoạch cán bộ quản lý và giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất một cách thiết thực và phù hợp, tránh tình trạng đào tạo chồng chéo như hiện nay, dẫn đến chất lượng đào tạo quá thấp kém, gây tâm lí bất an cho người học.

Mặt khác, muốn đào tạo liên thông, các trường phải ngồi lại với nhau, thống nhất chương trình, thời lượng học tập cho các bậc học. Bản thân người viết bài này đã từng tham gia giảng dạy đại học, điều tréo ngoe là lên đại học, học viên (đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng) lại học lại những học phần với thời lượng ít hơn so với lúc còn học ở bậc cao đẳng, mà lẽ ra, cái gì đã học ở cao đẳng thì không học lại ở bậc học kế tiếp, hoặc nếu học lại phải đi sâu vào từng chuyên đề, có như vậy mới có thể phân biệt được thang bậc của từng loại bằng cấp, mới xác định được uy tín đào tạo của từng trường.

Thứ tư, cần phải hiểu chương trình đào tạo ở đại học là một chương trình mở, hiệu trưởng các trường đại học có quyền quyết định số lượng và thời lượng của các học phần. Vì vậy, cần mạnh dạn cắt giảm số giờ lý thuyết, nhất là đối với các bộ môn chung, để tăng cường thời lượng học tập cho các môn chuyên ngành; ngay cả đối với các bộ môn thuộc khoa học xã hội, cũng phải giảm bớt những kiến thức hàn lâm, dành thời gian thoả đáng để sinh viên có điều kiện thâm nhập thực tế, rèn luyện các kĩ năng nghề nghiệp, thích ứng với môi trường làm việc sau này.

Thứ năm, phải cải tiến mạnh mẽ cách thức tổ chức thi cử và qui trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo hướng phát huy tính độc lập suy nghĩ trong nhận thức, sáng tạo trong cách thể hiện, giúp họ hiểu đúng mục đích của thi là để học, chứ không phải mục đích của học là để thi. Và, nhiệm vụ của nhà trường trong việc tổ chức thi cử là nhằm sàng lọc, phân loại năng lực, giúp xã hội tuyển chọn, bố trí công việc phù hợp với khả năng của mỗi người. Có như vậy, người học và dư luận xã hội mới yên tâm đặt hết niềm tin vào cơ sở đào tạo.   

Tất nhiên, những vấn đề nêu trên, chỉ là những nhân tố góp phần tạo nên thương hiệu đại học, nhưng đó là những nhân tố quan trọng và hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện tại của chúng ta, trước khi nói đến các nhân tố tiếp theo.


Phạm Văn Thắng (Trường Đại học Quảng Nam)

FullName Email
Address Security code XPUGNV
Content