Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Những vấn đề đặt ra với công tác NCKH của sinh viên

Nhận thức về NCKH của một bộ phận không nhỏ SV hiện nay còn nhiều hạn chế, lệch lạc hoặc tỏ ra không quan tâm đến công tác này. Điều đó được thể hiện qua việc SV đăng ký đề tài và báo cáo kết quả nghiên cứu hàng năm, các chương trình cấp học bổng cho SV đi học tập, tu nghiệp ở nước ngoài tuy có thu hút quan tâm của SV nhưng thực tế số SV được chọn không nhiều. Tư tưởng học tập “bình quân chủ nghĩa” vẫn còn bám sâu trong nếp nghĩ của SV, nhiều SV chỉ lo học cho xong chương trình để mau chóng ra trường tìm việc, hoặc số khác lại quá tự ti về bản thân, coi NCKH là thứ “xa xỉ” mà mục tiêu, nội dung, kế hoạch học tập của bản thân không bao giờ màng tới.

Sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những vấn đề được quan tâm khá nhiều trong các diễn đàn tổ chức ở trường đại học, cao đẳng. Tổ chức cho SV NCKH thực sự đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc không thể thiếu đối với các cơ sở đào tạo, đối với giảng viên (GV) và là mục tiêu khẳng định chất lượng đào tạo, thương hiệu của nhà trường. Nhà trường hẳn sẽ rất tự hào khi có SV đạt giải “SVNCKH”, "Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Sáng tạo SV Việt Nam với doanh nghiệp", robotcon,… Nên phát triển năng lực NCKH của SV cần thiết được quan tâm nhiều hơn, chú trọng nhiều hơn nhằm không chỉ gia tăng về số lượng đề tài hàng năm mà cần thiết thực nâng cao chất lượng của đề tài, gắn NCKH với nhu cầu thực tế của nhà trường, xã hội.

NCKH không phải là hoạt động mang tính phong trào, ai cũng có thể tham gia, đề tài NCKH không phải là món quà nhà trường hay cơ sở đào tạo đem ra ban tặng, ưu ái cho một vài cá nhân. Hoạt động NCKH trong trường đại học, cao đẳng có vị thế riêng, nghiêm túc và trang trọng bởi ngay tên gọi: hoạt động NCKH là đề cao tính khoa học và độc sáng. NCKH khác về chất với các hoạt động khác mang tính tìm tòi, tra cứu; đó là cả một quá trình chủ thế tiến hành một loạt các thao tác, hành động theo những quy trình chặt chẽ mang tính đặc thù của bộ môn hoặc chuyên ngành nhằm phân tích, chứng minh khẳng định hoặc bác bỏ vấn đề đặt ra. Hoạt động này không có chỗ cho sự thiếu trung thực, thiếu khách quan, càng không thể chấp nhận sự giả dối, cẩu thả, vô trách nhiệm. Cho dù người nghiên cứu ở địa vị nào, công trình nghiên cứu được định mức ở cấp nào (tiền nhiều hay ít) cũng đều phải tuân theo những quy trình nghiên cứu một cách khoa học và cụ thể. Nếu thiếu đi khâu nào, hoặc bỏ qua một bước nào đó trong tiến trình nghiên cứu thì khó có kết quả tốt, sản phẩm không đạt yêu cầu. Phẩm chất chung của người nghiên cứu là có lòng ham mê và có năng lực nghiên cứu. Hai yếu tố này được rèn luyện theo thời gian và mức độ cá nhân thực thi việc học tập nghiên cứu ở trong và ngoài trường. Cá nhân càng có nhiều thời gian làm quen với công việc nghiên cứu, có sở thích tìm tòi, suy ngẫm sự vật, hiện tượng thì càng có điều kiện dẫn tới ham mê NCKH, và dần phát triển năng lực NCKH. Nên việc rèn luyện tư chất, ý thức học tập, nghiên cứu của SV cần được nhà trường quan tâm hơn, được các GV chú ý đến hơn, sớm hình thành và nuôi dưỡng sự ham mê, năng lực NCKH của SV.

 
 

Phát triển năng lực NCKH cho SV trước tiên xuất phát từ người thầy, người truyền và giữ lửa nhiệt tình say mê với công việc học tập trong nhà trường. GV là người hướng dẫn SV NCKH với vai trò người cố vấn, tư vấn trợ giúp đắc lực cho SV thực hiện quá trình nghiên cứu từ khâu phát hiện, lựa chọn, xây dựng giả thuyết đến cách phân tích, chứng minh vấn đề. GV cần chọn lọc những SV ưu tú (cá nhân hoặc nhóm) có khả năng, lòng ham mê nghiên cứu để giao đề tài; GV đưa ra những yêu cầu về kế hoạch, phương pháp làm việc, cung cấp tài liệu tham khảo, chỉ dẫn những địa chỉ để SV đến tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành.

Năng lực NCKH của SV được hình thành và phát triển theo thời gian và mức độ trí tuệ bản thân chăm chỉ rèn luyện hàng ngày. Hoạt động nghiên cứu cần được SV nhìn nhận như là hoạt động thường nhật, đã là SV thì phải nghiên cứu những vấn đề mà nhiệm vụ học tập đặt ra. SV nên bắt đầu tập nghiên cứu từ những yêu cầu nhỏ như: bài tập ở nhà, bài tập nhóm,… hoặc đọc, nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị bài cho chuyên đề,… Sau mỗi bài tập GV thường có những nhận xét tích cực nhằm khuyến khích, tạo động cơ, hứng thú nghiên cứu cho SV, phát hiện và định hướng sở trường nghiên cứu của cá nhân SV để tiếp tục giao nhiệm vụ nghiên cứu có mức độ khó hơn.

Năng lực nghiên cứu được thử nghiệm và phát triển theo quá trình từ thấp đến cao, từ đòi hỏi đơn giản đến phức tạp. Quá trình nghiên cứu của SV cần được tiến hành theo trình tự lôgíc qua các bước: lựa chọn đề tài, xây dựng đề cương và lập kế hoạch nghiên cứu, xây dựng giả thuyết nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin, phân tích, tổng hợp kết quả. Đối với những SV lần đầu tập nghiên cứu, các bước trên cần được tiến hành thận trọng, cần được GV hướng dẫn tỉ mỉ và chưa vội đặt đến tính hiệu quả của đề tài. Để SV hiểu và thuần thục các bước nghiên cứu và có thể độc lập nghiên cứu là mục tiêu cần đạt khi giao đề tài cho SV.

Đổi mới công tác hướng dẫn SV NCKH nên trọng tâm vào những điểm sau: a. Tổ chức, hướng dẫn SV học tập phương pháp luận NCKH một cách khoa học, cụ thể, gắn liền với chuyên ngành đang theo học; b. Ban hành quy định cụ thể đối với GV hướng dẫn và SV NCKH theo đặc thù của đơn vị nhà trường. Quy định này được nghiên cứu, ban hành phù hợp dựa trên quy chế hoạt động khoa học của trường, khoa; c. Tổ chức chặt chẽ quy trình xét chọn đề tài của SV, tổ chức hội đồng tuyển chọn các cấp (khoa, trường), phân bổ hợp lý chỉ tiêu số lượng đề tài cho các khoa (tránh chia bình quân chỉ tiêu); d. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, thiết bị phục vụ nghiên cứu) đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của GV và SV; e. Xây dựng phong trào thi đua NCKH  trong SV một cách hiệu quả; có chế độ khuyến khích, tặng thưởng đối với SV và GV có SV đạt thành tích trong NCKH và học tập; f. Tạo môi trường NCKH cho SV; SV thực sự được chủ động với đề tài của mình; GV tôn trọng tinh thần tự do, dân chủ học thuật.

NCKH là phần thưởng cho những người biết tự học và dấn thân trong môi trường khoa học và xã hội. Việc nâng cao chất lượng NCKH của SV không nhằm ngoài mục đích phát triển năng lực trí tuệ của SV, làm gia tăng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm khoa học và công nghệ Việt Nam. Để phát triển năng lực NCKH trong SV rất cần sự đồng thuận của cán bộ quản lý giáo dục, các GV về đổi mới cách quản lý, tổ chức, hướng dẫn, đánh giá hoạt động NCKH của SV, thực sự coi trọng “SV là nhân vật trung tâm” của quá trình dạy học, sản phẩm nghiên cứu của SV được trân trọng và đánh giá trong sự phát triển.

Xem tin gốc >>


Chu Phan (GD&TĐ)

FullName Email
Address Security code CTUMLC
Content