New Don Vi & Giang Vien
 Search

Hội thảo khoa học: Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam

An sinh xã hội có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. An sinh xã hội là nhằm thực hiện quyền cơ bản của con người, thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, không có sự loại trừ và phát triển bền vững. Chính sách an sinh xã hội có nội dung rất rộng và ngày càng được hoàn thiện trong quá trình phát triển của nhận thức và thực tiễn của một xã hội toàn cầu luôn biến đổi và tiến hóa không ngừng. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động là một trong những nội dung trọng tâm của đảm bảo những quyền cơ bản của con người, thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội. 


Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3% (số liệu Tổng cục thống kê, 2023). Thực trạng này khiến đời sống người lao động nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng đã khó khăn lại trở nên khó khăn hơn khi nhiều doanh nghiệp không thể trả lương, nợ bảo hiểm của người lao động. Tính đến đầu tháng 3/2023, tổng số lao động bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 1 tháng trở lên đã lên tới 2,79 triệu lao động với số tiền nợ là trên 14 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,4% trên tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, các mô hình chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các khu công nghiệp cũng như các quy định về hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) còn nhiều vướng mắc; các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo đăng ký của thẻ BHYT hầu hết chưa đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, trình độ y bác sỹ; thời gian khám chữa bệnh chưa phù hợp với thời gian làm việc của người lao động… do đó người lao động thường khám chữa bệnh vượt tuyến hoặc lựa chọn khám tư nhân làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của họ.

Trong bối cảnh đó, sáng ngày 17/10/2023, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam” nhằm mục đích cung cấp một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp thảo luận, trao đổi về chính sách đảm bảo và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động nói chung và người lao động tại các khu công nghiệp phía Bắc nói riêng. 

Toàn cảnh Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã chỉ ra những điểm nghẽn trong đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo, PGS.TS. Tô Thế Nguyên, Phó trưởng Khoa Kinh tế Chính trị - đơn vị chủ trì về chuyên môn nhấn mạnh: Hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật, chia sẻ những vấn đề chuyên sâu đúng và trúng nhằm có một cái nhìn khoa học nhất, toàn diện nhất nhưng cũng không kém phần thực tiễn để tìm ra được giải pháp giải quyết những vấn đề đang đặt ra để giải bài toán an sinh xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp phía Bắc. 

Mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã trình bày tham luận “Thực trạng về khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người lao động tại các Khu công nghiệp phía Bắc”. TS. Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định: Những khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động là do các nhân tố về thu nhập thấp; do đặc điểm lao động ở các khu công nghiệp thường là lao động trẻ, sức khoẻ còn tốt nên ít quan tâm chăm sóc sức khoẻ; hệ thống chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế cả về cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn…

TS. Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ tham luận “Thực trạng về khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người lao động tại các Khu công nghiệp phía Bắc”

Dưới góc độ chuyên môn của một bác sĩ, TS.BS. Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) chia sẻ với Hội thảo vấn đề “Chăm sóc y tế người lao động tại khu công nghiệp trên thế giới và Việt Nam”. TS. Nguyễn Đình Trung chia sẻ mô hình chăm sóc sức khoẻ người lao động tại một số quốc gia phát triển như Đài Loan, Nhật Bản, Quatar. Theo TS.BS. Nguyễn Đình Trung: Việc xây dựng được mô hình chăm sóc sức khoẻ tối ưu là điều kiện tiên quyết để tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người lao động tại các khu công nghiệp. Do vậy, TS.BS. Nguyễn Đình Trung cũng đề xuất mô hình chăm sóc sức khoẻ tại tuyến cơ sở gắn với điều kiện về nguồn lực hạn chế tại các khu công nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) trình bày tham luận tại Hội thảo

Cùng có những băn khoăn, chia sẻ với TS. BS. Nguyễn Đình Trung, ThS. NCS. Lê Thị Thu Trang - đại diện nhóm nghiên cứu do TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chủ trì cũng có những chia sẻ tại Hội thảo về “Khung pháp lý bảo vệ sức khoẻ người lao động và tình hình chăm sóc sức khoẻ, y tế của công nhân lao động ở Việt Nam hiện nay”. Theo đó, một trong những khó khăn trong khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế là do quy định người lao động chỉ được hưởng bảo BHYT vào các ngày làm việc trong tuần trong khi những ngày đó người lao động phải đi làm nên dẫn đến việc hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, có tới 56.3% lao động tự mua thuốc điều trị, 28.6% người lao động đến khám tại các cơ sở không có BHYT. Điều này khiến chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người lao động giảm sút.

ThS. NCS. Lê Thị Thu Trang, Viện Công nhân và Công đoàn đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ tại Hội thảo.

Dưới góc độ xã hội học, TS. Dương Thị Thu Hương, Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ tại Hội thảo chủ đề “Tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế của công nhân khu công nghiệp hiện nay - Nghiên cứu trường hợp công nhân Khu Công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc”. Theo khảo sát công nhân khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc: Tình trạng sức khoẻ của công nhân khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc có khoảng 50% người lao động đánh giá tình trạng sức khoẻ ở mức trung bình, tỉ lệ nam giới đánh giá sức khoẻ không tốt nhiều hơn so với nữ giới, tỉ lệ người lao động mắc bệnh mạn tính khá cao (nam 68.7%, nữ 64.9%), tỷ lệ người lao động được chăm sóc y tế rất thấp (có đến 1/3 tổng số người lao động là nam giới chưa đi khám định kì bao giờ (31.6%), tỉ lệ nữ giới đi khám định kì 6 tháng 1 lần cao hơn 4 lần so với nam giới (42.6% so với 10.5% của nam giới)… Đây là một thực trạng không mong muốn khi người lao động tại khu vực nghiên cứu đều là những người đang trong giai đoạn vàng của độ tuổi lao động. 

TS. Dương Thị Thu Hương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ tại Hội thảo.

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và doanh nghiệp: đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đại diện Viện An toàn Vệ sinh Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Hà Nội, đại diện Báo Đại biểu Nhân dân và nhà quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Triệu Quang Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Dược phẩm Smard chia sẻ những khó khăn, áp lực của doanh nghiệp trong việc đảm bảo hài hoà lợi ích người lao động và lợi ích của doanh nghiệp.

Ông Triệu Quang Sơn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dược phẩm Smard.

PGS.TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) chia sẻ với Hội thảo mô hình chăm sóc sức khoẻ và những khó khăn của Viện khi xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ chủ động cho người lao động trong các khu công nghiệp.

PGS. TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế).

Tham gia thảo luận tại Hội thảo còn có các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các giảng viên thuộc nhiều cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, các trường đại học cùng các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. 

Hội thảo diễn ra thành công, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên diễn đàn học thuật về đảm bảo tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người lao động nói chung và cho người lao động tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam nói riêng.

Một vài hình ảnh về các đại biểu tham gia chia sẻ, bình luận tại Hội thảo: 

Ông Chu Vĩnh Tấn, Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội Hà Nội
Ông Vũ Xuân Trung, Viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Ông Nguyễn  Văn Thuận, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.

TS. Phạm Thị Linh - Khoa Kinh tế Chính trị

FullName Email
Address Security code OIELBN
Content