New Don Vi & Giang Vien
 Search

Toạ đàm “Thiết kế tình huống giáo dục nhằm nâng cao chuẩn đầu ra của người học”

Sáng ngày 11/5/2024, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công buổi tập huấn xây dựng tình huống giáo dục gắn với chuẩn đầu ra của người học nhằm nâng cao năng lực giảng viên, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nguyễn Đức Thái - Giám đốc điều hành tại SAPP academy.


Tọa đàm thu hút được sự quan tâm, tham dự của đông đảo các giảng viên đến từ Trường Đại học Luật, Trường Đại học Công Nghệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN và các thầy cô Khoa Kế toán Kiểm toán, Viện Quản trị Kinh Doanh, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trưởng Khoa Kế toán Kiểm toán nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi tập huấn xây dựng tình huống có cấu trúc dựa trên chuẩn đầu ra nhằm nâng cao năng lực giảng viên và chất lượng chương trình đào tạo. TS. Hồng Thuý chia sẻ rằng việc sử dụng phương pháp giảng dạy case study đang trở thành một lựa chọn phổ biến trong giảng dạy tại các trường đại học và các tổ chức đào tạo; tuy nhiên, kỹ thuật thiết kế tình huống giáo dục thú vị vẫn còn là vấn đề cần phải trau dồi thường xuyên đối với giảng viên. 

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy-Trưởng Khoa KTKT  phát biểu khai mạc

Trong buổi Tọa đàm, Ông Nguyễn Đức Thái, ACCA đã đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như: thiết kế Case study có mạch truyện và hệ thống nút thắt nhằm kích thích hứng thú và động lực học tập cho người học. Diễn giả nhấn mạnh vai trò của cảm xúc trong xây dựng tình huống, sức mạnh của storytelling và kỹ thuật đánh lạc hướng người học, cũng như thiết kế hoạt động nhằm thúc đẩy tương tác và học tập chủ động, tạo ra một môi trường học tập tích cực và sáng tạo.

Tọa đàm tiếp tục với một ví dụ tình huống mẫu “VINGROUP - Tinh hoa chiến lược”, thường được sử dụng trong môn Quản trị tài chính tại SAPP Academy. Các giảng viên được theo dõi tình huống mẫu với những nội dung hấp dẫn như: Nhận diện thương hiệu “thổi bùng” lên niềm tự hào dân tộc, Những “con gà đẻ trứng vàng”- nguồn thu đến từ đâu… Những nội dung kiến thức về phân tích tình hình tài chính, các nghiệp vụ tài chính, chiến lược đầu tư của doanh nghiệp trở nên không còn nhàm chán nhờ kỹ thuật storytelling được lồng ghép sử dụng trong thiết kế tình huống. 

Diễn giả Nguyễn Đức Thái cũng nhấn mạnh rằng đối với việc lựa chọn case study, điều quan trọng là giảng viên cần xác định đối tượng người học và tình huống mà họ có thể đồng cảm và hiểu được. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh sự nhạy cảm trong các doanh nghiệp và đồng thời tạo ra một bài học thú vị. Điều này đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức sâu rộng về các ngành học và khả năng đánh giá đúng đắn về mức độ phù hợp của case study đối với đối tượng người học.

Sau phần chia sẻ của diễn giả, toạ đàm tiếp tục với phiên trao đổi thảo luận giữa diễn giả, các khách mời và các thầy cô rất sôi nổi. Một số giảng viên nhận thấy trong quá trình giảng dạy case study, có thể xảy ra tình huống mà các bên sa đà vào tranh luận và không phân bua được. Trong trường hợp này, giảng viên cần phải có kỹ thuật giảng dạy kết hợp tình huống thực tế hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn và định hướng cho buổi thảo luận. Đồng thời, giảng viên cũng cần đảm bảo rằng các hoạt động học tập được thiết kế một cách linh hoạt và đa dạng để giữ cho sinh viên luôn hứng thú và tham gia tích cực trong quá trình học tập.

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trưởng Khoa KTKT  phát biểu trao đổi trong Tọa đàm

Ngoài ra, các câu hỏi và thảo luận từ phía giảng viên UEB và khách mời cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sâu thêm kiến thức và tạo ra các góc nhìn mới mẻ trong thiết kế case study. Từ việc đặt ra câu hỏi về thời lượng của một case study, cách tạo hứng thú cho người học đến việc xem xét vấn đề về bản quyền và tạo nút thắt trong các case khai thác dữ liệu số, tất cả đều góp phần bổ sung vào những kỹ thuật cần thiết trong xây dựng tình huống giáo dục. 

TS. Đào Cẩm Thủy - Chủ nhiệm bộ môn Marketing Viện QTKD phát biểu trao đổi 

Nhìn chung, việc áp dụng phương pháp giảng dạy case study đòi hỏi sự chuyên môn cao và sự sáng tạo trong thiết kế hoạt động học tập. Chỉ khi kết hợp được cả hai yếu tố này, chất lượng giảng viên sẽ được nâng cao, giảng viên mới có thể tạo ra một môi trường học tập tích cực và đầy hứng thú cho sinh viên, từ đó giúp họ phát triển những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho sự thành công trong tương lai.

Kết thúc toạ đàm, TS. Nguyễn Thị Hồng Thuý đại diện cho khoa Kế toán Kiểm toán gửi lời cảm ơn đến diễn giả và các giảng viên đã tham dự toạ đàm, cũng như gửi phần quà lưu niệm đến cho diễn giả và SAPP Academy. 

Dưới đây là một số hình ảnh khác của sự kiện.


Khoa Kế toán Kiểm toán

FullName Email
Address Security code PXGYAC
Content

Other News