New Don Vi & Giang Vien
 Search

Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị tham gia học tập và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế tuần hoàn tại Ấn Độ

Trong 2 tuần học tập và làm việc tại Ấn Độ theo Chương trình Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế Ấn Độ (ITEC), TS. Phạm Thị Linh, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã có những trải nghiệm thú vị tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.


Được thành lập vào năm 1964, ITEC là một trong những thỏa thuận thể chế hóa lâu đời nhất về xây dựng năng lực quốc tế. Khoá đào tạo “Circular Economy, Sustainability and enterprise development” do ITEC tài trợ đã thu hút sự tham gia của 28 chuyên gia từ 22 quốc gia thuộc các châu lục. Kể từ năm 2014, Ấn Độ đã cung cấp gần 100.000 khóa đào tạo xây dựng năng lực đẳng cấp thế giới và học bổng tại các học viện hàng đầu ở Ấn Độ, cùng với cơ hội trải nghiệm văn hóa và lòng hiếu khách của người dân Ấn Độ.

Tham gia khoá đào tạo “Circular Economy, Sustainability and enterprise development” tại Ấn Độ, TS. Phạm Thị Linh đã có dịp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những cơ hội, thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và học hỏi những mô hình kinh tế tuần hoàn của các quốc gia trên thế giới.

Các chuyên gia đi tham quan một mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại bang Gujarat, Ấn Độ

Mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Thay vì áp dụng mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, nơi tài nguyên được khai thác, sản xuất và tiêu thụ rồi bỏ đi dưới dạng rác thải, KTTH tập trung vào việc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời của sản phẩm. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải và ô nhiễm môi trường, mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới, nâng cao giá trị của tài nguyên và sản phẩm.

Tại các buổi học cũng như tại các workshop, các chuyên gia từ 22 quốc gia đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển KTTH và tìm kiếm các giải pháp dài hạn để phát triển mô hình KTTH cấp quốc gia và trên thế giới.

TS. Phạm Thị Linh trao đổi cùng các chuyên gia quốc tế về các dự án KTTH tại Việt Nam

Khoá học đã mở ra những cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các chính phủ trong bối cảnh áp dụng mô hình KTTH đang được coi là một yêu cầu cấp thiết đối với tất cả các quốc gia và cần thêm nữa sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía chính phủ và các tổ chức quốc tế. 

Một số hình ảnh trong chuyến công tác tại Ấn Độ của TS. Phạm Thị Linh: 


TS. Phạm Thị Linh, Khoa Kinh tế Chính trị

FullName Email
Address Security code PSQXNG
Content