New Don Vi & Giang Vien
 Search

Lớp học quốc tế - Những bước tiến thực hiện chiến lược quốc tế hóa giáo dục

Quốc tế hóa giáo dục là mục tiêu, là định hướng chiến lược mũi nhọn của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, nhằm tạo môi trường học tập và giảng dạy chất lượng quốc tế, đào tạo thế hệ sinh viên có năng lực thích ứng môi trường làm việc toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, Khoa Kinh tế Phát triển Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã và đang triển khai chuỗi bài giảng quốc tế với giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học lớn trên thế giới. Với sự tham gia của các giáo sư đến từ các trường đại học của Mỹ, Nhật Bản và các thầy cô là giảng viên tại UEB, 2 bài giảng mở đầu diễn ra ngày 13/6/2021 và 17/7/2021 vừa qua nhận được lượng lớn sự thu hút từ cán bộ giảng viên, sinh viên và học viên. Có thể nói, đây là những bước tiến trong quá trình phát triển định hướng quốc tế hóa của Trường Đai học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung và Khoa Kinh tế Phát triển nói riêng. 

1. Bước đi đầu trên hành trình thực hiện chiến lược quốc tế hóa giáo dục

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là ảnh hưởng từ dịch bệnh và các cuộc “chiến tranh thương mại”, nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có sự thay đổi đáng kể, đối mặt với nhiều vấn đề mới phát sinh trong thương mại quốc tế. Với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề kinh tế, Khoa Kinh tế Phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức chuỗi bài giảng quốc tế (International Lecture Series) định kì hàng tháng. Hai chủ đề đầu tiên: “FDI & ODA in Vietnam” (Nguồn vốn FDI và ODA tại Việt Nam)“Commodities: Have we entered a new supper-cycle?” (Thị trường hàng hóa: Có phải chúng ta đang bước vào một siêu chu kì mới?) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Chuỗi bài giảng số 1: “Nguồn vốn FDI và ODA tại Việt Nam” (International Lecture Series 1: “FDI & ODA in Vietnam”)
Chuỗi bài giảng quốc tế số 2: Thị trường hàng hóa: Có phải chúng ta đang bước vào một siêu chu kì mới?) (International Lecture Series 2: “Commodities: Have we entered a new supper-cycle?”) 

Ngay trong buổi học đầu tiên “FDI & ODA in Vietnam”, với sự tham gia của Bà Gretchen Shinoda - Giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh viên, Đại học Quốc tế Nhật Bản, TS. Hoàng Việt Khang - Tư vấn của Ngân Hàng Phát triển ADB, nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế quốc tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các thầy cô giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, đã cung cấp “bức tranh toàn cảnh” về nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Ngoài ra, các diễn giả khách mời, thầy cô giảng viên cùng toàn thể sinh viên, học viên UEB, được tìm hiểu “câu chuyện kinh tế - chính trị”: Sự phát triển của khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực đã tạo nền tảng như thế nào để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI ngay trong giai đoạn COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới.

 Buổi học đầu tiên trong chuỗi bài giảng

Chuỗi bài giảng dưới hình thức buổi học trực tuyến mở ra không gian thảo luận, trao đổi, học hỏi kiến thức giữa giảng viên và sinh viên, học viên. Không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh tế, người học còn có cơ hội được tiếp cận với những vấn đề kinh tế “nóng” hiện nay. Những “bài toán kinh tế” thực tế cũng được thảo luận trong buổi học, giúp giảng viên, sinh viên, học viên UEB có cái nhìn đa chiều về sự vận hành và biến động của nền kinh tế thị trường, hiểu rõ quy luật vận hành của kinh tế trong nước và quốc tế thời đại mới, những giải pháp khắc phục những vấn đề kinh tế còn tồn đọng.

2. Phát triển cộng động học thuật quốc tế

Với sự tham gia hỗ trợ từ các giảng viên nhà trường và diễn giả khách mời quốc tế đến từ những trường đại học hàng đầu, chuỗi bài giảng không chỉ là nơi học tập, tiếp thu kiến thức, nó còn là cơ hội giao lưu, kết nối sinh viên, mở ra cơ hội hội nhập và phát triển cho sinh viên UEB. Đặc biệt, trong buổi bài giảng số 2 “Commodities: Have we entered a new supper-cycle?”, có sự góp mặt của Giáo sư Christopher L. Gilbert - Đại học Johns Hopkins và TS. Nguyễn Bích Diệp – Khoa KTPT, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và hơn 130 cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên đến từ trong nước và quốc tế. Buổi học hướng đến mục đích phân tích và giải thích những lý thuyết về thị trường hàng hóa, qua đó các diễn giả đã đưa ra kết luận về một “siêu chu kì mới” vì giá hàng hóa không có chu kì. Bài giảng với nội dung hấp dẫn, cung cấp kiến thức thực tiễn, cách truyền tải gần gũi dễ hiểu, nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các sinh viên, học viên.

Bài giảng thứ 2 trong chuỗi bài giảng quốc tế nhận được rất nhiều sự quan tâm từ giảng viên, sinh viên và học viên trong nước và quốc tế

Chuỗi bài giảng là cầu nối giảng viên và sinh viên trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để các giảng viên trau đồi năng lực chuyên môn và tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên, học viên hoàn thiện toàn diện, được “học” đi đôi với “hành”. Với những thành công hiện tại, chuỗi bài giảng mở ra cánh cổng phát triển cộng đồng học thuật quốc tế với chuyên môn sâu và đa dạng.   Là định hướng phát triển của Khoa Kinh tế phát triển, cũng như chiến lược phát triển của Nhà trường, chuỗi bài giảng quốc tế đã, đang và sẽ là môi trường trao đổi học thuật hữu ích cho giảng viên, sinh viên UEB, đem đến nhiều lợi ích cho người học, thông qua đó, mỗi cá nhân có thể rèn luyện và trau dồi kĩ năng ngoại ngữ, giao tiếp, khả năng tư duy logic, kĩ năng giải quyết vấn đề,… Đây cũng là cánh cửa mở để kết bạn, giao lưu bạn bè khắp năm châu, tiếp thu và chắt lọc “tinh hoa” kiến thức dưới góc nhìn đa chiều từ các giảng viên. Qua đó, lan tỏa hình ảnh Khoa Kinh tế Phát triển, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năng động sáng tạo, tiên phong mở đường, dẫn dắt thế hệ sinh viên trẻ vững bước trên trường quốc tế.

 


Thu Trang _ UEB Media

FullName Email
Address Security code ZQFVPW
Content